Mặc dù chưa phải là thời gian nghỉ hè nhưng gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó có những cái chết đau lòng, để lại nỗi đau không chỉ cho gia đình mà toàn xã hội.
Mới đây nhất, kỳ tích đã không xảy ra với một bé trai 7 tuổi ở huyện Thống Nhất khi lực lượng chức năng phát hiện bé tử vong ở giếng sâu khoảng 21m của người dân, cách nơi ở của gia đình khoảng 800m. Trước đó, một em bé 2 tuổi ngụ huyện Trảng Bom tử vong do bị đuối nước ở bể bơi trong gia đình.
Hay trong số 568 người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì tại thành phố Long Khánh, có nhiều trường hợp là học sinh, trong đó trường hợp nặng đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục điều trị.
Có thể thấy, tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, từ trong gia đình tưởng là nơi an toàn đến không gian công cộng. Chỉ cần một phút sơ sẩy của người lớn, trẻ sẽ bị tai nạn đuối nước, bỏng nước sôi hay nghịch ngợm leo trèo dẫn đến ngã gãy chân, gãy tay…
Một bác sĩ ngoại khoa của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm, bệnh viện thường tiếp nhận nhiều ca tai nạn thương tích trẻ em. Có những trường hợp do sự bất cẩn của cha mẹ mà các con bị nạn, nhưng cũng có những trường hợp trẻ đã lớn, là học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông nhưng việc trang bị những kỹ năng thoát hiểm, phòng tránh tai nạn thương tích vẫn còn hạn chế.
Vì vậy, để hạn chế tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, ngoài việc người lớn phải cẩn trọng hơn trong việc chăm sóc trẻ thì cũng cần trang bị sớm cho con em mình những kỹ năng cơ bản để phòng, phòng chống tai nạn. Chẳng hạn như cấm con không đi đến khu vực hoang vắng có ao, hồ, sông suối, đồng thời cho trẻ đi học bơi sớm nhất có thể. Vì theo thống kê của ngành chức năng, đuối nước vẫn là tai nạn xảy ra nhiều nhất đối với trẻ em và số vụ mắc cùng số tử vong hàng năm khá cao. Không ít trường hợp, các anh chị em trong gia đình bị đuối nước đều không qua khỏi…
Tai nạn thương tích có thể xảy ra đối với trẻ em ở cả thành phố và nông thôn, nhất là trong môi trường mất an toàn. Do vậy, càng được trang bị sớm kỹ năng phòng tránh, trẻ càng phòng ngừa được những tai nạn đau lòng. Nhất là ở thời điểm mà kỳ nghỉ hè gần đến, sự chủ động phòng tránh cần đến từ mỗi gia đình; đơn vị chức năng, chính quyền cùng quan tâm, chung tay để tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích nhằm thu hút trẻ tham gia.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin