Nông dân Nguyễn Thanh Phương (ngụ ấp Phú Mỹ 1, xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) đã mạnh dạn tiên phong đưa giống bưởi da xanh ruột hồng về trồng tại vùng đất Phú Hội. Hướng đi “không đụng hàng” này đã mang lại cho ông Phương nhiều trái ngọt.
Đoàn cán bộ Hội Nông dân xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) đến tham quan mô hình trồng bưởi da xanh ruột hồng của gia đình ông Nguyễn Thanh Phương. Ảnh: A.NHƠN |
Không chỉ làm lợi cho riêng mình, ông Phương còn tận tình chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về mô hình mới để bà con nông dân trong vùng cùng làm và vươn lên trong cuộc sống.
* "Làm chơi, ăn thiệt"
Một ngày đầu năm 2024, chúng tôi theo đoàn cán bộ Hội Nông dân xã Phú Hội đến tham quan mô hình trồng 200 gốc bưởi da xanh ruột hồng trong khu vườn rộng khoảng 2.500m2 của gia đình ông Phương. Nhờ đầu tư bài bản, áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật tiến bộ vào khâu trồng, chăm sóc đã giúp vườn bưởi hơn 6 năm tuổi của gia đình ông Phương phát triển tươi tốt và cho ra trái quanh năm.
“Riêng vụ bưởi Tết Nguyên đán 2024, gia đình tôi đã thu hoạch hơn 2 tạ trái. Hiện bưởi da xanh có giá dao động từ 40-50 ngàn đồng/kg đã giúp cho gia đình có khoản thu nhập để đón Tết được đầy đủ hơn” - ông Phương bộc bạch.
Hái những trái bưởi vừa chín trên cây, ông Phương đưa cho người vợ xẻ múi ra mời khách thưởng thức ngay tại vườn. Những trái bưởi to đẹp, đặc biệt là múi bưởi có vị ngọt thơm đặc trưng của vùng đất Phú Hội.
Ông Phương chia sẻ: “Trái bưởi to, thơm, ngon ngọt là nhờ vào một phần kinh nghiệm chăm sóc của nhà vườn nhưng điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng đã góp phần rất quan trọng vào chất lượng trái”.
Dẫn đoàn đi dạo quanh khu vườn, ông Phương cho biết, nơi chúng tôi đang đứng là tầng đáy sâu, cách với mặt đất trước đây hơn 20m. Biết chúng tôi chưa rõ câu chuyện nên ông Phương giải thích, nơi này trước đây thuộc một khu đồi cao và việc trồng trọt gặp nhiều khó khăn vì thường xuyên thiếu nước tưới vào mùa khô. Do đó, gia đình ông chỉ có thể giải quyết cuộc sống khó khăn trước mắt bằng việc trồng duy nhất “cây xóa đói giảm nghèo” (cây điều).
Năm 2009, gia đình ông Phương đã ký hợp đồng với một đơn vị chuyên san lấp mặt bằng để hạ thấp khu đồi đất. Việc làm này đã giúp cho khu đất trở nên bằng phẳng, đẹp hơn. Tuy nhiên, phần đất đáy trở nên khô cằn, nghèo chất dinh dưỡng khiến các loại cây trồng không thể sống nổi, thậm chí cỏ dại là loài có sức sống mãnh liệt cũng không mọc nổi. Điều này khiến gia đình ông Phương gặp muôn vàn khó khăn, thử thách trong việc khôi phục lại mảnh đất màu mỡ.
“Khó khăn nhiều lắm nhưng tôi đã không chán nản bỏ cuộc mà luôn nỗ lực ngày đêm cải tạo đất. Hàng năm, tôi phải bỏ tiền ra mua vài tấn phân hữu cơ để bón nhằm cung cấp chất dinh dưỡng cho đất. Nhờ đó, mảnh đất khô cằn đã dần phục hồi và trở nên màu mỡ trở lại…” - ông Phương bộc bạch.
Khi cải tạo đất xong, gia đình ông Phương chọn phương án “ăn chắc, mặc bền” bằng việc trồng xen canh nhiều loại cây như: trà Phú Hội, sầu riêng, măng cụt, mít… Cách trồng hỗn hợp nhằm giúp cho các loại cây hỗ trợ nhau cùng sinh trưởng, phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Mỗi loại cây trồng đều đem lại một ít nguồn thu theo cách “tích tiểu thành đại”. Nhờ đó, gia đình tôi luôn có nguồn thu nhập ổn định từ vườn cây ăn trái và có điều kiện để kinh tế gia đình ngày một đi lên” - ông Phương tâm sự.
Năm 2016, qua giới thiệu từ người quen, ông Phương đã mua 10 cây bưởi giống da xanh ruột hồng từ miền Tây về trồng thử trong vườn. “Trồng chơi, ăn thiệt”, không ngờ thời tiết và thổ nhưỡng tại Phú Hội rất thích hợp với giống bưởi nên cây sinh trưởng tốt và không bị sâu bệnh. Vì vậy, ông quyết định đốn hạ một số loại cây già cỗi, kém hiệu quả trong vườn rồi đầu tư mua 200 gốc bưởi da xanh ruột hồng về trồng trong diện tích khoảng 2.500m2 vào năm 2017.
“Khi mới bắt tay vào làm mô hình mới, tôi đã nhận những lời bàn ra; một số người cho rằng việc làm này sẽ thất bại vì vùng đất Phú Hội chỉ phù hợp cho một số loài cây như: trà, măng cụt, sầu riêng… Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm theo đuổi niềm đam mê và tự tin bản thân mình sẽ làm được” - ông Phương tâm sự.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội Nguyễn Huy Sang cho biết, trong thời gian tới, Hội tiếp tục quan tâm phát triển mô hình trồng bưởi bằng việc tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; mời những người có kinh nghiệm hướng dẫn kỹ thuật trồng bưởi theo chiến lược bền vững nhằm giúp hội viên nông dân có công ăn việc làm, thu nhập ổn định và kinh tế gia đình ngày càng đi lên. |
Nhờ đầu tư bài bản, chăm sóc đúng theo kỹ thuật hiện đại nên mô hình trồng bưởi của gia đình ông Phương sinh trưởng, phát triển nhanh và chỉ sau 2 năm đã bắt đầu cho ra hoa, kết trái vụ đầu tiên. Cây bưởi lúc bấy giờ mới vừa lớn nên sản lượng thu hoạch còn ít (khoảng nửa tấn trái). Thế nhưng, mỗi năm qua đi, khi cây trưởng thành hơn thì sản lượng cũng ngày càng tăng.
Lão nông này bộc bạch: “Tôi đã áp dụng kỹ thuật tiên tiến để chăm cho vườn bưởi ra trái quanh năm, mỗi tháng thu hoạch hơn 1 tạ trái thì mỗi năm thu hoạch trung bình từ 1,2-1,5 tấn trái. Ngoài bưởi ra, tôi còn có thu nhập từ nhiều loại cây trồng khác như: sầu riêng, măng cụt, trà, mít, lúa… nên kinh tế gia đình luôn ổn định”.
* Mở rộng, phát triển mô hình
Việc ông Phương đầu tư trồng bưởi da xanh ruột hồng bằng kỹ thuật hiện đại không chỉ để phát triển kinh tế gia đình, mà còn mong muốn mở rộng, phát triển mô hình trên vùng đất Phú Hội. Vì vậy, ông sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho bà con nông dân trong vùng có chung chí hướng để cùng làm và phát triển kinh tế gia đình.
Nông dân Nguyễn Thanh Phương (xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) chăm sóc vườn bưởi da xanh ruột hồng của gia đình |
Ông Đào Mỹ Quang (ngụ ấp Phú Mỹ 1, xã Phú Hội) cho biết, gia đình ông trước đây có sử dụng khu đất rộng khoảng 1.000m2 để đầu tư trồng cây trúc khai thác măng. Lúc bấy giờ, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng sau đó nhiều người chạy theo trào lưu và đổ xô vào làm mô hình này nên giá trị của cây măng ngày càng giảm, dẫn đến không có lời.
Biết nông dân Nguyễn Thanh Phương làm hiệu quả mô hình trồng bưởi da xanh ruột hồng, ông Quang đã đến học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, ông về đốn hạ vườn trúc để chuyển đổi sang trồng bưởi. Đến nay, vườn bưởi 4 năm tuổi đã cho ra trái nhiều và giúp cho gia đình có nguồn thu nhập ổn định.
“Bưởi da xanh chỉ cần có giá trên 20 ngàn đồng/kg là người nông dân đã có lời. Trong khi giá bưởi hiện nay từ 40-50 ngàn đồng/kg, đầu ra ổn định nên bà con rất phấn khởi” - ông Quang bộc bạch.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội Nguyễn Huy Sang, thời gian qua, Hội Nông dân xã luôn tạo điều kiện cho bà con nông dân đầu tư các mô hình sản xuất mới. Lão nông Nguyễn Thanh Phương là một trong những điển hình tiêu biểu, vì tự ông lặn lội đến miền Tây mua giống bưởi da xanh ruột hồng về trồng thành công tại vùng đất Phú Hội. Điều đáng quý nữa là ông Phương không giấu nghề, mà sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các hội viên khác cùng làm để có điều kiện thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.
Đối với việc trồng bưởi da xanh, Hội Nông dân xã Phú Hội đã đi khảo sát và nhận thấy được tính hiệu quả của mô hình cũng như khả năng kinh tế mang lại. Do đó, hội đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như hội nông dân cấp trên về thành lập Tổ hợp tác Trồng và kinh doanh bưởi Phú Hội vào năm 2021 và giao cho ông Nguyễn Thanh Phương làm tổ trưởng. Tổ hợp tác ban đầu có 5 thành viên với diện tích canh tác khoảng 2ha, hiện nay đã tăng lên 15 thành viên với diện tích khoảng 7ha.
An Nhơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin