Năng lực số, văn hóa số và tính mở là các điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục. Trong đó, việc thực hiện tốt tính mở sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả giảng viên và người học tiếp cận kho học liệu mở khổng lồ nhằm phục vụ tốt cho quá trình nghiên cứu, tự học.
Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 trong giờ học. Ảnh: H.YẾN |
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thúc đẩy sự thay đổi trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp và đòi hỏi nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng số hóa cao. Các trường cao đẳng, đại học có nhiệm vụ đào tạo sinh viên có khả năng thích nghi và phát triển trong môi trường công nghiệp mới này.
Tạo thuận lợi cho người học
Số hóa có thể mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cao cấp cho mọi người; công nghệ giúp loại bỏ rào cản về địa lý, tài chính giúp mọi người tham gia học tập và phát triển cá nhân. Trong một thế giới dựa vào dữ liệu công nghệ và kỹ thuật, kỹ năng số hóa trở thành yếu tố quyết định sự thành công trong nghề nghiệp. Xây dựng trường học số là cách để đáp ứng nhu cầu này và đảm bảo rằng người học sau khi tốt nghiệp có khả năng đáp ứng mọi thách thức của công việc.
Trong những năm qua, Trường đại học Lạc Hồng được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong hoạt động CĐS giáo dục ở Đồng Nai. Các chuyên gia kiểm định chất lượng trong nước cũng như quốc tế khi đánh giá chất lượng giáo dục tại Trường đại học Lạc Hồng đều công nhận hoạt động CĐS của trường phát triển mạnh.
Nhà nước cần xúc tác cho 4 trụ cột văn hóa số (cộng tác, dữ liệu dẫn dắt, lấy khách hàng làm trung tâm, đổi mới sáng tạo) để thúc đẩy quá trình CĐS.
Theo đó, nhà trường đã xây dựng được một hệ thống công nghệ thông tin tương đối hoàn chỉnh phục vụ cho hoạt động đào tạo. Cán bộ, giảng viên và nhân viên có thể làm việc hoàn toàn từ xa mà không cần phải đến trường. Sinh viên học tập cũng như thực hiện các thủ tục liên quan đến đào tạo đều có thể thực hiện từ xa.
Cũng như các trường khác, việc thực hiện CĐS của Trường đại học Đồng Nai hướng đến cho khách hàng (sinh viên, doanh nghiệp, cựu sinh viên) có thể kết nối với trường thông qua hệ thống CĐS để có được thông tin tốt nhất, đồng thời thông tin trở lại cho trường một cách nhanh nhất, chính xác nhất.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai Lê Anh Đức cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, hoạt động CĐS của trường chưa đạt yêu cầu đề ra. Vì vậy, Trường đại học Đồng Nai đang tiến hành rà soát, đánh giá lại công tác này. Đồng thời, soi chiếu với các mục tiêu về CĐS nói chung và CĐS trong giáo dục đại học nói riêng đã được Chính phủ, tỉnh Đồng Nai ban hành để xây dựng các giải pháp phù hợp.
TS Lê Anh Đức cho biết: “Hiện tại, thư viện của trường đang sử dụng nền tảng cũ nên chưa kết nối được với Thư viện Quốc gia và Thư viện của Hiệp hội các trường đại học. Chúng tôi mới ký hợp đồng về việc thay đổi, nâng cấp thư viện. Dự kiến trong tháng 1-2024, thư viện của trường có thể kết nối được với các thư viện lớn để giúp sinh viên có nguồn học liệu tốt hơn”.
Xây dựng khung năng lực số
Theo TS Lê Trung Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu, đào tạo và phát triển tài nguyên giáo dục mở (TNGDM), năng lực số, văn hóa số và tính mở là các điều kiện tiên quyết để CĐS trong giáo dục. Trong đó, tính mở sẽ giúp cho bất kỳ ai, không phân biệt đối xử, có thể tiếp cận được kho tri thức của thế giới mà không có rào cản về tài chính, pháp lý và kỹ thuật.
Hiện tại, tính mở nằm ở rất nhiều yếu tố, trong đó có TNGDM. Ngày 25-11-2019, 193 quốc gia thành viên của UNESCO (trong đó có Việt Nam) đã thông qua Khuyến nghị TNGDM của UNESCO, khẳng định TNGDM là một xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay. Trong định nghĩa về TNGDM nêu rõ: “TNGDM là các tư liệu dạy, học và nghiên cứu ở bất kỳ định dạng và phương tiện nào mà nằm trong phạm vi công cộng hoặc có bản quyền đã được phát hành theo một giấy phép mở, cho phép những người khác không mất chi phí để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy chỉnh và phân phối lại. Giấy phép mở tham chiếu tới giấy phép tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ của người nắm giữ bản quyền và đưa ra sự cho phép trao cho công chúng các quyền để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy chỉnh và phân phối lại các tư liệu giáo dục”.
Để thực hiện CĐS, việc xây dựng khung năng lực số là cần thiết. Trên thế giới đã có nhiều tổ chức, quốc gia xây dựng nhiều phiên bản khung năng lực số dành cho các đối tượng khác nhau (giáo dục, công dân, người tiêu dùng…). Mỗi ngành nghề, đơn vị lại căn cứ trên khung năng lực đó để tùy chỉnh cho phù hợp.
Theo TS Lê Trung Nghĩa, các đơn vị, tổ chức nên tham khảo các khung năng lực số của các nước đã xây dựng, sau đó tùy chỉnh theo điều kiện cụ thể của đơn vị. Vì các nước đã đi trước so với Việt Nam khoảng 15 năm trong việc CĐS và có sự nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi xây dựng khung năng lực số. Nếu chúng ta tự làm mà không cẩn thận, thiếu sự nghiên cứu thì có khi sẽ đi quá xa so với thực tế.
Hải Yến
Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai LÊ ANH ĐỨC:
Khuyến khích sinh viên khai thác nguồn học liệu mở
Hiện nay, Trường đại học Đồng Nai đang xây dựng kế hoạch CĐS cho năm 2024. Trong đó, trường sẽ kết nối với Google tại Việt Nam để Google hỗ trợ nền tảng phục vụ CĐS, trong đó Googole cho biết sẽ hỗ trợ miễn phí nhiều nền tảng trong hệ sinh thái phục vụ giáo dục của Google.
Trong CĐS, nhà trường hướng đến sinh viên tự học, tự nghiên cứu. Điều này đòi hỏi sinh viên phải biết khai thác nguồn học liệu mở và được tạo điều kiện để khai thác nguồn học liệu này. CĐS phải giúp nhà trường có thể đánh giá được thời gian thực mà sinh viên tự học; trả lời được bao nhiêu câu hỏi; khuyến khích việc tự đánh giá của sinh viên.
Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng NGUYỄN VŨ QUỲNH:
Phát triển 45 phần mềm phục vụ cho công tác đào tạo
Mỗi cán bộ giảng viên, sinh viên Trường đại học Lạc Hồng được cấp một tài khoản và chỉ cần đăng nhập một lần là có thể sử dụng được toàn bộ các tiện ích, các chức năng của hệ thống công nghệ thông tin trong nhà trường với độ bảo mật rất cao.
Đội ngũ công nghệ thông tin của nhà trường đã phát triển được 45 phần mềm phục vụ công tác đào tạo. Bên cạnh đó, 70% quy trình nghiệp vụ của trường đã CĐS. Nhà trường còn xây dựng được một hệ thống phát triển phần mềm nhanh (fast project). Hệ thống này có thể phát triển và gỡ lỗi nhanh hơn 5-10 lần so với cách lập trình truyền thống; giúp cho công tác phát triển các phần mềm phục vụ cho hoạt động đào tạo được thực hiện một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi PHẠM DUY ĐÔNG:
Từng bước xây dựng trường trở thành trường học số
Hiện nay, Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi đang thực hiện CĐS toàn diện hoạt động quản lý, đào tạo của nhà trường từng bước xây dựng trường trở thành trường học số/thông minh với trọng tâm là xây dựng và đưa vào sử dụng nền tảng đào tạo trực tuyến LMS, quản trị nhà trường trên nền tảng quản trị số Smart Os, thực hiện quản lý đào tạo, quản lý học sinh, sinh viên trên nền tảng Smart TMS, xây dựng kho học liệu số dùng chung OER platform trong nhà trường và hướng tới kết nối với các trường trong hệ thống. Trường cũng đầu tư phòng studio, phòng elearning, đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất hạ tầng mạng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng quá trình CĐS của nhà trường.
Tường Vi (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin