Đều là công nhân, thu nhập mới chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình, song với mong muốn được cho đi, nhiều năm nay, 2 anh Nguyễn Đức Hưng và Sơn Thành Siêng (cùng làm công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam, tại H.Vĩnh Cửu) đã giúp đỡ, chia sẻ với hàng trăm trường hợp hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo.
Anh Nguyễn Đức Hưng vận động hỗ trợ cho trường hợp trẻ em bị xơ gan. Ảnh: NVCC |
Ngoài nguồn lực tự thân, 2 anh Hưng và Sơn đã kết nối với nhiều công nhân lao động có tinh thần sẻ chia tại công ty, trên mạng xã hội để cùng lan tỏa tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
* Kết nối những tấm lòng vàng
Anh Hưng cho biết, cách đây 14 năm, anh vào làm việc tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam. Trong quá trình làm việc, anh quen biết và kết nối với một số công nhân có tinh thần thiện nguyện lập nên Nhóm thiện nguyện Công nhân có gì vui. Hoạt động của nhóm chủ yếu là giúp đỡ cho các cụ già neo đơn, vận động quyên góp để giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Để hoạt động của nhóm đến với đông đảo công nhân lao động trong và ngoài công ty, Nhóm thiện nguyện Công nhân có gì vui đã thành lập trang Facebook, fanpage, nhờ đó đã thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia ủng hộ.
Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, các thành viên nòng cốt của nhóm mỗi người đều có việc riêng nên không thể duy trì hoạt động theo mục tiêu đề ra ban đầu. Nhóm thiện nguyện Công nhân có gì vui vì thế cũng dừng hoạt động. Với mong muốn được chia sẻ với những mảnh đời thiếu may mắn, anh Hưng một mình duy trì hoạt động của nhóm trên Facebook.
Anh Nguyễn Đức Hưng cho hay, từ thiện có rất nhiều cách và không phải cứ giàu có, dư dả mới làm từ thiện. Việc từ thiện có thể là trao đi giá trị vật chất, cũng có thể trao đi giá trị tinh thần - đó là sự quan tâm, động viên để những người khó khăn có thêm động lực để vươn lên. |
Qua theo dõi trang Facebook Công nhân có gì vui, anh Sơn Thành Siêng (22 tuổi) biết đến việc anh Hưng đang làm. Anh Siêng cho hay, anh đến từ tỉnh An Giang, mới lập gia đình. Vợ chồng anh đều làm công nhân và đang ở trọ tại xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu). Vợ chồng anh làm công nhân chưa lâu nên thu nhập còn thấp. Hàng tháng, sau khi trừ tiền nhà, tiền điện nước, sinh hoạt phí, 2 vợ chồng gửi về quê phụ giúp ông bà nội, ngoại, dành dụm để sinh con. Cuộc sống vẫn còn khó khăn nhưng có “máu” thiện nguyện nên anh đã tình nguyện cùng anh Hưng tiếp tục thực hiện các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.
Ngoài việc trích thu nhập của mình làm từ thiện, 2 anh Hưng và Sơn còn vận động các công nhân khác hỗ trợ thêm.
Anh Hưng kể, những người đến với anh đều làm công nhân, cuộc sống không mấy dư dả nhưng hàng tháng vẫn đều đặn ủng hộ hoạt động của các anh. Có người đơn thân, ít vướng bận gia đình ủng hộ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/tháng. Có người khó khăn hơn thì để dành phiếu nhận sữa hàng ngày để ủng hộ. Cũng có người nấu sẵn các phần ăn để ủng hộ. Từ nguồn ủng hộ, 2 anh Hưng và Sơn bằng nhiều cách đã chuyển đến tay những người thật sự cần.
* Hướng đến những người lao động nghèo
Mặc dù thời gian làm việc theo ca kíp nhưng 2 anh Hưng và Sơn vẫn sắp xếp thời gian 1 tuần 2-3 buổi tối tìm đến với những lao động nghèo dọc các tuyến đường để trao cho họ những phần bánh, sữa, nước.
Năm nay tuổi đã cao nhưng để kiếm được thu nhập 50 ngàn đồng/ngày, bà Mai Hòa vẫn cần mẫn đi bán vé số. Bà Hòa chia sẻ, ban ngày trời nắng chang chang, bà cũng không đi lại được nhiều nên số vé bán được cũng ít. Buổi tối trời mát mẻ hơn nên bà tranh thủ ra Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh để bán thêm.
"Ngồi bán vé số ở đây, thỉnh thoảng tôi được chú Hưng đem bánh, sữa, nước đến cho, rồi hỏi han sức khỏe, nay bán được nhiều hay ít. Chỉ vài câu hỏi thăm đơn giản nhưng tôi thấy ấm áp, thân quen" - bà Hòa thổ lộ.
Bà Hòa chỉ là một trong số rất nhiều lao động nghèo mưu sinh về đêm được nhận phần bánh, sữa, nước từ anh Hưng và Sơn.
Anh Hưng cho biết, mỗi tối, 2 anh đi tặng bình quân khoảng 30-50 phần cho những người bán vé số, lượm ve chai tại các điểm tập kết rác… Để có được những phần bánh, sữa, nước gửi tặng những người lao động nghèo dọc các tuyến đường của TP.Biên Hòa, nhất là tuyến đường Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc, sau giờ làm, 2 anh đi nhận bánh, sữa từ các công nhân lao động ủng hộ hoặc mua, chia thành từng phần, rồi tối cùng nhau chạy xe dọc các tuyến đường trao những phần quà đến những lao động nghèo.
Anh Hưng còn kêu gọi ủng hộ từ 2-3 trường hợp bị bệnh hiểm nghèo. Theo chia sẻ của anh Hưng, thường những hoàn cảnh này là do các công nhân hoặc những người biết việc làm của anh qua Facebook phát hiện, cung cấp thông tin. Mỗi hoàn cảnh, anh Hưng đều tìm đến xác minh hoặc xác minh qua cuộc gọi video (nếu ở xa). Những thông tin, hình ảnh thu thập được, anh đăng tải lên trang Facebook để vận động ủng hộ.
Tất cả những thông tin ủng hộ, trao hỗ trợ đều được anh công khai, minh bạch trên Facebook. Nhờ đó mà anh nhận được sự tin tưởng từ các công nhân lao động có tấm lòng vàng. Bình quân mỗi năm, có khoảng 30 trường hợp được được anh vận động hỗ trợ với số tiền khoảng 50 triệu đồng.
Mới đây nhất là trường hợp của bé L.H.Y. (3 tuổi, con của chị Lương Tuyết Nhi, ở P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa). Vợ chồng chị bán cơm ở vỉa hè. Từ khi phát hiện con mang trong mình căn bệnh ung thư máu, mẹ con chị coi bệnh viện là nhà. Một mình chồng chị bán cơm kiếm thêm thu nhập trang trải viện phí. Vì vậy, mọi khoản hỗ trợ với gia đình chị lúc này dù nhỏ đều rất đáng quý.
"Lúc nhận được số tiền hỗ trợ trên 32 triệu đồng từ sự ủng hộ của mọi người, chị Tuyết Nhi rưng rưng nước mắt khiến tôi càng có thêm động lực để tiếp tục việc mà mình đã và đang làm" - anh Hưng bộc bạch.
Nga Sơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin