Hơn 1 năm qua, Nhà thờ giáo xứ Gia Ray (xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) thu hút sự chú ý của người dân bởi có lối kiến trúc độc đáo khi được làm hoàn toàn bằng gỗ. Từ đó, tên gọi Nhà thờ gỗ Gia Ray ra đời và được sử dụng thường xuyên để gọi nhà thờ này.
Nhà thờ giáo xứ Gia Ray. Ảnh: Giáo xứ Gia Ray |
Hiện nơi đây trở thành một trong những điểm tham quan của người dân các nơi khi đến H.Xuân Lộc.
* Ấn tượng nhà thờ gỗ
Thời gian qua, nhiều hoạt động an sinh xã hội đã được giáo xứ Gia Ray thực hiện để cùng chính quyền hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, định kỳ 2 lần trong năm (Giáng sinh và Tết) giáo xứ đều tổ chức tặng quà cho bà con nghèo, gia đình khó khăn không kể tôn giáo. |
Năm 2018, Nhà thờ giáo xứ Gia Ray được khởi công xây dựng. Sau hơn 3 năm thực hiện, đến năm 2022, công trình chính thức hoàn thành phục vụ sinh hoạt tôn giáo của khoảng 2 ngàn giáo dân. Người có công hình thành nên nhà thờ gỗ này là linh mục Nguyễn Quốc Bảo Huân, nguyên Chánh xứ giáo xứ Gia Ray. Hiện nay, người đảm nhận vai trò Chánh xứ giáo xứ là linh mục Trần Văn Lợi.
Theo ông Lê Quang Sơn, Trưởng ban Hành giáo giáo xứ Gia Ray, nhà thờ có chiều ngang 26m, dài 55m. Còn chiều cao từ nền nhà đến mái nhà thờ cao hơn 20m. Nếu tính từ nền nhà đến đỉnh tháp chuông là gần 40m. Điểm nổi bật và tạo nên sự khác lạ của nhà thờ này là từ cột đến mái nhà hoàn toàn bằng gỗ. Tổng quan nhà thờ gồm: gian cung thánh với 2 hàng cột gỗ mỗi cột cao 12m chưa kể phần đế. Mặt trước thánh đường mở 3 cửa (1 chính và 2 phụ), mỗi bên hông mở 6 cửa phụ, mặt sau có 2 cửa phụ. Sức chứa 750 người dự lễ.
Bên trong gian cung thánh Nhà thờ giáo xứ Gia Ray. Ảnh: S.Thao |
Hai bên gian cung thánh là 2 hành lang có chiều rộng mỗi bên 5m với 2 hàng cột phụ được chạm khắc hoa văn. Nội thất bên trong lẫn bên ngoài nhà thờ đều bằng gỗ. Phía trước và sau nhà thờ đều có khoảnh sân rộng để tổ chức các hoạt động ngoài trời.
Để tạo điểm nhấn về đường nét trong kiến trúc, một số vị trí của nhà thờ được ốp đá tổ ong và nhôm. Trong quá trình thi công, người thợ không sử dụng bất kỳ đinh vít kim loại nào mà dùng khớp nối, chốt gỗ để gắn kết từng thành phần lại với nhau.
Anh NGUYỄN THANH PHONG, giáo dân xã Suối Cát (H.Xuân Lộc) cho hay: “Tôi rất ấn tượng và vui khi đồng bào Công giáo ở đây có được công trình đẹp và độc đáo. Tôi cùng những người bạn của mình thường xuyên đến đây tham quan”. |
* Tạo điều kiện để người dân tham quan
Theo ông Phạm Đắc Sang, Phó trưởng ban Hành giáo Giáo xứ Gia Ray, sau khi nhà thờ giáo xứ được đưa vào sử dụng, nhiều người đã tìm đến thăm bởi nét kiến trúc độc đáo. Với lòng nhiệt thành của mọi người dành cho nhà thờ giáo xứ, Ban Hành giáo luôn tạo điều kiện để bà con đến tham quan.
Để việc tiếp đón bà con thêm thuận lợi, ngoài việc giới thiệu thông tin trên mạng xã hội, Ban Hành giáo còn in và dán số điện thoại người phụ trách tại nhà thờ để người dân đến có thể liên hệ để vào thăm.
Kích thước 1 cây cột gỗ tại Nhà thờ giáo xứ Gia Ray so với một người trưởng thành |
Bên cạnh đó, việc giữ gìn cảnh quan giáo xứ, nhà thờ sạch đẹp được bà con giáo dân tại đây chú trọng thực hiện. Bà Thái Thị Đồng đã gần 80 tuổi cho hay, bà góp sức để giáo xứ luôn sạch đẹp, bà con đến tham quan cảm thấy thư thái với cảnh quan. Mỗi ngày, bà cùng các chị em trong giáo xứ đến quét dọn, lau chùi khắp một lượt.
Để có thêm nhiều cảnh quan cho người dân, du khách chụp ảnh lưu niệm, mỗi dịp lễ Giáng sinh, Tết, giáo xứ trang trí đèn hoa, tiểu cảnh, bố trí các gian hàng ẩm thực…
Song song với việc tạo thuận lợi cho người dân đến tham quan, theo ông Phạm Đắc Sang, do là nơi tôn nghiêm nên Ban Hành giáo luôn nhắc nhở du khách thể hiện hình ảnh, ứng xử văn minh và lịch sử, tôn trọng các quy định của cơ sở tôn giáo. Ban Hành giáo rất mong trong quá trình đến tham quan, sinh hoạt tại đây mọi người cùng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung.
Sông Thao
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin