Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ khó cho thị trường khoa học - công nghệ:
Bài cuối: Tháo “điểm nghẽn” để phát triển thị trường khoa học - công nghệ

Hạnh Dung
07:47, 25/10/2023

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp phát triển với hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) nhưng đến nay mới chỉ có 6 DN trên lĩnh vực KH-CN.

Sở KH-CN kết nối các nhà đầu tư với tác giả dự án đoạt giải cao tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2022. Ảnh: H.DUNG

Nếu không sớm tháo gỡ những nút thắt về cơ chế, chính sách, thị trường KH-CN nói chung sẽ khó phát triển.

Còn nhiều nút thắt

Đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết Quy định nội dung chi, mức chi thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Nghị quyết Quy định nguyên tắc, điều kiện, nội dung, hình thức, hồ sơ và mức hỗ trợ hoạt động chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030.

UBND tỉnh cũng đã ban hành các kế hoạch, quyết định về phát triển doanh nghiệp KH-CN, thực hiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Sở KH-CN cũng đang lấy ý kiến thẩm định về dự thảo Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ DN về lĩnh vực công nghệ tỉnh Đồng Nai đến năm 2030.

Thời gian tới, Đồng Nai sẽ tăng cường kết nối các sàn giao dịch công nghệ với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH-CN ở các địa phương. Triển khai các chính sách về nhập công nghệ (ưu đãi về thuế, tín dụng, hỗ trợ...) để đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài…

Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, các DN hoạt động trên lĩnh vực KH-CN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất hàng năm. Đây là bất cập khiến nhiều DN dù đủ điều kiện để thành lập DN KH-CN nhưng không nhiệt tình đăng ký tham gia.

Những vướng mắc trong thực hiện Nghị định 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH-CN sử dụng vốn Nhà nước cũng khiến cho tỉnh chưa thể thành lập được Trung tâm Robot.

Không chỉ riêng Đồng Nai mà việc phát triển thị trường KH-CN trên cả nước còn tồn tại một số rào cản, vướng mắc. Đó là hệ thống chính sách, pháp luật về chuyển giao công nghệ, sàn giao dịch công nghệ chưa đồng bộ. Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho thương mại hóa, đẩy mạnh cung - cầu công nghệ. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chưa tốt, còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhiều kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn trầm lắng. DN khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ có chất lượng; năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của DN còn yếu.

Các tổ chức trung gian chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến, chuyển giao công nghệ còn yếu. Thiếu các tổ chức trung gian có vai trò đầu mối với quy mô cấp vùng, quốc gia và kết nối với thị trường quốc tế.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, ngày 5-10-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về phát triển thị trường KH-CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát tổng thể và đề xuất các giải pháp phù hợp, phương án điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thị trường KH-CN. Lưu ý các quy định pháp luật về góp vốn, thoái vốn khi tổ chức, cá nhân góp vốn bằng kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH-CN. Xây dựng, triển khai các chính sách cụ thể để thu hút chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia người nước ngoài tham gia vào hoạt động phát triển thị trường KH-CN tại Việt Nam.

Mục tiêu Chính phủ đưa ra là năm 2024 sẽ đưa vào sử dụng Cổng thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường KH-CN nhằm cung cấp thông tin công nghệ, máy móc thiết bị phục vụ nhu cầu ứng dụng, đổi mới công nghệ của các DN trong cả nước.

Đồng thời, xây dựng báo cáo hàng năm về thị trường KH-CN, ban hành các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá hoạt động của thị trường KH-CN và hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương áp dụng. Nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản pháp lý về sàn giao dịch công nghệ để bảo đảm thị trường KH-CN hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững.

Ngoài ra, Bộ KH-CN có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh. Đề xuất phương án thúc đẩy DN thành lập và sử dụng hiệu quả quỹ phát triển KH-CN trong hoạt động tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của DN; làm rõ các quy định về việc quản lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH-CN sử dụng vốn Nhà nước.

Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH-CN rà soát và đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để làm rõ các quy định về việc quản lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH-CN sử dụng vốn Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách liên quan đến tiếp cận tín dụng của DN trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng phục vụ ngành hàng xuất khẩu chủ lực và công nghệ tiên tiến có khả năng tạo giá trị gia tăng cao.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các viện, trường trực thuộc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến, đổi mới công nghệ theo nhu cầu/đơn đặt hàng của DN. Thúc đẩy thương mại hóa, đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh. Chủ trì xây dựng, phê duyệt, bố trí kinh phí triển khai các chương trình, đề án phát triển thị trường KH-CN tại địa phương. Trong đó, tập trung ưu tiên các hoạt động xúc tiến thị trường, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghiệp địa phương, sản phẩm OCOP…

Đầu tư thích đáng cho KH-CN

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho hay, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các tổ chức KH-CN. Đẩy mạnh phát triển thị trường KH-CN, nâng cao ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực; hỗ trợ các viện, trường, các nhà đầu tư, DN thành lập, phát triển các Vườn ươm công nghệ, Vườn ươm DN, các khu làm việc chung cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Một dự án khởi nghiệp được trưng bày tại hội nghị về khoa học - công nghệ do Sở KH-CN tổ chức để kêu gọi nhà đầu tư tìm đầu ra lâu dài cho sản phẩm
Một dự án khởi nghiệp được trưng bày tại hội nghị về khoa học - công nghệ do Sở KH-CN tổ chức để kêu gọi nhà đầu tư tìm đầu ra lâu dài cho sản phẩm. Ảnh: HẠNH DUNG

Tỉnh cũng sẽ phát triển hệ thống phòng thí nghiệm; hỗ trợ các hoạt động đánh giá và công nhận các phòng thí nghiệm của viện, trường, DN, làm cơ sở ưu tiên hỗ trợ nguồn lực gắn với các nhóm nghiên cứu mạnh, nhà khoa học, nhà công nghệ giỏi.

Ngoài ra, cũng ưu tiên đầu tư, nâng cao năng lực của hệ thống thông tin KH-CN và đổi mới sáng tạo của tỉnh gắn với hệ thống thông tin KH-CN và đổi mới sáng tạo quốc gia. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về KH-CN và đổi mới sáng tạo trên cơ sở xây dựng và vận hành các nền tảng số kết nối, tăng cường liên kết hiệu quả của bộ, ngành, địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu.

Để thu hút các DN tham gia thị trường KH-CN và thành lập DN KH-CN, tỉnh sẽ triển khai có hiệu quả các cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính, tín dụng đối với DN tham gia đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ. Thúc đẩy hình thành và phát triển bộ phận nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các DN. Rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hành lang pháp lý cho phép sử dụng kết quả KH-CN/tài sản trí tuệ để góp vốn thành lập DN.

Đối với thị trường KH-CN, Đồng Nai sẽ quan tâm hơn đến vấn đề đầu ra của sản phẩm công nghệ. Thúc đẩy chuyển đổi số hệ thống các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ tìm kiếm, đánh giá, định giá, môi giới, thử nghiệm, chuyển giao công nghệ. 

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích