Báo Đồng Nai điện tử
En

Đa dạng hình thức đăng ký khám, chữa bệnh

Hải Yến
09:00, 12/10/2023

Bằng cách áp dụng nhiều hình thức đăng ký khám, chữa bệnh và việc liên thông dữ liệu giữa bệnh viện với bảo hiểm xã hội (BHXH), mỗi người dân chỉ mất khoảng 30 giây đã hoàn thành việc đăng ký khám bệnh. Nếu đã cài đặt ứng dụng VneID mức độ 2, người dân có thể dùng app này để đăng ký khám bệnh mà không cần trình giấy tờ khác.

Nhân viên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận đăng ký khám bệnh cho người dân bằng ứng dụng VNeID trên điện thoại. Ảnh: H.Yến

* Nhanh chóng, tiện lợi

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Nai đang triển khai nhiều hình thức tiếp nhận bệnh nhân: sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và giấy tờ tùy thân có ảnh; sử dụng căn cước công dân (CCCD); sử dụng ứng dụng VssID (BHXH số); sử dụng ứng dụng VNeID.

Với hình thức tiếp nhận thông thường bằng thẻ BHYT, nếu thẻ BHYT đã được cập nhật sẵn trong hệ thống đăng ký khám bệnh của bệnh viện thì việc tiếp nhận diễn ra rất nhanh chóng. Chỉ cần quét mã thẻ BHYT, việc đăng ký đã hoàn tất, quy trình này chỉ mất khoảng 10-15 giây.

Đối với người sử dụng CCCD để đăng ký khám bệnh, nhân viên tiếp nhận phải nhập thông tin lên cổng BHXH để lấy dữ liệu thẻ BHYT và nhập vào phần mềm của bệnh viện. Đối với hình thức này, thỉnh thoảng hệ thống bị lỗi cũng gây khó khăn cho nhân viên tiếp nhận và tốn thời gian chờ đợi.

Những người không đem theo giấy tờ tùy thân mà điện thoại đã cài đặt ứng dụng VssID hoặc VNeID (mức độ 2) thì có thể sử dụng phần mềm này để đăng ký. Thông thường, bệnh nhân chỉ mất khoảng 30 giây là hoàn thành việc đăng ký khám bệnh. Tuy nhiên, do lượng bệnh nhân đến khám hàng ngày tại bệnh viện quá đông nên dù thời gian làm thủ tục ngắn, bệnh nhân vẫn phải chờ đợi. Trung bình mỗi ngày khám 2,5-3,5 ngàn bệnh nhân, những dịp sau kỳ nghỉ lễ, lượng bệnh nhân có thể lên đến 4,5 ngàn người.

Ngoài những hình thức tiếp nhận nêu trên, BVĐK Đồng Nai còn triển khai hình thức đăng ký khám bệnh trực tuyến thông qua phần mềm E-hospital. Theo đó, bệnh nhân đặt lịch khám trên phần mềm nên khi đến bệnh viện không cần phải chờ đợi mà chỉ cần cung cấp hình ảnh số thứ tự đã được cấp và đi vào phòng khám. Đối với hình thức đăng ký khám bệnh này, bệnh viện sắp xếp một bộ phận tiếp nhận riêng nên rất thuận tiện cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, từ năm 2019, BVĐK Đồng Nai đã phát hành thẻ one-card cho bệnh nhân có nhu cầu. Đây là loại thẻ 2 trong 1, vừa đăng ký thông tin người bệnh, vừa thanh toán trực tuyến. Để phục vụ đối tượng bệnh nhân dùng thẻ one-card, bệnh viện triển khai 4 ki-ốt tiếp nhận riêng. Bệnh nhân đến đăng ký khám bệnh sẽ trình CCCD hoặc giấy tờ tùy thân để nhân viên bệnh viện đối chiếu, hỗ trợ đăng ký khám bệnh mà không cần phải bốc số thứ tự và chờ đợi. Do thẻ one-card đã được bệnh nhân nạp tiền sẵn nên sau khi hoàn tất khám bệnh, cấp thuốc thì hệ thống sẽ tự động trừ tiền trong thẻ, bệnh nhân không cần sử dụng tiền mặt để thanh toán.

* Một số trục trặc nhỏ cần khắc phục

Việc đăng ký khám bệnh bằng ứng dụng VssID và VneID khá thuận lợi nhưng thỉnh thoảng cũng có trục trặc, chủ yếu ở phía bệnh nhân.

Chị Bùi Thụy Trang, Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh BVĐK Đồng Nai giải thích: “Có bệnh nhân sử dụng phần mềm nhưng điện thoại không kết nối mạng thì không kiểm tra online được. Một số bệnh nhân lớn tuổi thậm chí không nhớ mật khẩu để mở ứng dụng hoặc ứng dụng VNeID mới chỉ cài đặt ở mức độ 1 cũng không sử dụng để đăng ký khám bệnh được. Dù được nhân viên tiếp nhận giải thích nhưng bệnh nhân vẫn không hiểu và cho rằng bị nhân viên bệnh viện làm khó”.

Tương tự, BVĐK khu vực Long Khánh cũng gặp phải những khó khăn như trên. BSCKII Phan Văn Huyên, Giám đốc bệnh viện cho biết, nhiều bệnh nhân đã cài đặt phần mềm VssID, VNeID trong điện thoại nhưng không được hướng dẫn sử dụng, hoàn toàn không biết cách đăng nhập hoặc biết cách sử dụng nhưng hay quên mật khẩu, thao tác chậm, gây tốn thời gian và bất tiện trong quá trình tiếp nhận.

Bên cạnh đó, trong quá trình đăng ký khám bệnh, một số bệnh nhân không hợp tác trong xuất trình CCCD, thẻ học sinh. Một số trường hợp sử dụng hình ảnh chụp được gửi qua phương tiện mạng xã hội Zalo, tin nhắn… chứ không xuất trình giấy tờ gốc.

Ngoài ra, nhiều thẻ BHYT có thông tin hành chính không trùng khớp với CCCD. Nhân viên bệnh viện đã giải thích và hướng dẫn bệnh nhân về địa phương điều chỉnh nhưng bệnh nhân không đồng ý, gây khó khăn trong quá trình nhập dữ liệu.

Đối với việc sử dụng thẻ BHYT để đăng ký khám bệnh cũng có một số trục trặc như: Một số bệnh nhân tồn tại song song 2 thẻ BHYT gây khó khăn trong quá trình tiếp nhận, đặc biệt là song song thẻ “TQ4 và GD4” hoặc “TQ4 và DN4”, có trường hợp bệnh nhân có 2 mã bảo hiểm theo hình thức hộ gia đình đều còn thời hạn sử dụng bảo hiểm; bệnh nhân chưa hiểu rõ về Luật BHYT khi đi khám, chữa bệnh, đặc biệt là các trường hợp cần xin giấy chuyển tuyến, các trường hợp danh mục khám, chữa bệnh không được bảo hiểm chi trả và mức hưởng BHYT theo từng loại bảo hiểm.

Đối với  bệnh nhi đủ tuổi vào lớp 1, thẻ bảo hiểm TE1 không còn hiệu lực sử dụng, bệnh nhi được cấp thẻ bảo hiểm mới (HS4) có mức hưởng bảo hiểm khác, khi tham gia đóng bảo hiểm tại trường, nhưng không được cấp phát thẻ mới, người nhà sử dụng thẻ cũ, bệnh viện đã giải thích nhưng người dân vẫn không đồng ý…

Hải Yến

Tin xem nhiều