Báo Đồng Nai điện tử
En

Miễn phí cho nhiều người học nghề đi Đức

Bích Nhàn
12:31, 21/09/2023

Mới đây, 43/ 50 học viên đầu tiên theo học Chương trình “Cơ chế Đối tác thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp và di cư lao động định hướng phát triển” (PAM) tại Việt Nam đã tốt nghiệp. Sau khóa học, có 15 em sang CHLB Đức làm việc.

Học PAM, dù học tại trường nhưng học sinh không phải học "chay". Trong ảnh: Học sinh lớp PAM1 thực hành dưới sự hướng dẫn của giảng viên Đức

Suốt quá trình học trong 1,5 năm, các em được Đức tài trợ hoàn toàn học phí với mức hơn 100 triệu đồng/khóa học.

* Được học miễn phí, lại có học bổng

Bạn Nguyễn Thị Thu Hiền là một trong 50 học viên theo học Chương trình PAM đầu tiên tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2. Ban đầu, Hiền vào học với tâm thế vừa vui vừa lo lắng. Vui vì được học miễn phí hoàn toàn, còn lo là mình sẽ không thể theo kịp chương trình học bởi các em vừa học chuyên môn, vừa học tiếng Đức. Tuy nhiên, thầy cô và trang thiết bị hiện đại ở trường giúp cho học sinh thoải mái học. Hơn nữa, các em còn được học ở doanh nghiệp nên học viên tự tin hơn nhiều.

Vừa tốt nghiệp, Hiền quyết định sang Đức làm việc và được tuyển dụng ngay. “Tất cả các chi phí học tập trong 1,5 năm học được miễn phí. Khi sang Đức làm việc, chúng tôi còn được hỗ trợ nhà ở, phí sinh hoạt trong thời gian đầu” - Hiền vui mừng nói.

Cũng là một trong 15 học sinh được doanh nghiệp tuyển dụng làm việc tại Đức khi vừa tốt nghiệp, bạn Lê Việt Hòa, lớp PAM 1, khoá đào tạo cắt gọt kim loại theo tiêu chuẩn Đức, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 cho biết thêm: “Để có tay nghề vững và có thể làm việc tại Đức, em thường xuyên ở lại buổi trưa để thực hành trên máy. Khi sang Đức làm việc, em xác định khó khăn nhất là phải sống xa nhà, xa quê hương. Nhưng tuổi trẻ, em không muốn bỏ lỡ cơ hội phát triển nghề nghiệp nên quyết định sang Đức làm việc”.

Từ tháng 3-2022, dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ) hợp tác cùng Bộ LĐ-TBXH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cùng với Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã tổ chức khóa đào tạo cắt gọt kim loại theo tiêu chuẩn Đức trong khuôn khổ Chương trình PAM tại Việt Nam. Mục tiêu của chương trình nhằm giải quyết nhu cầu ngày càng lớn về lao động lành nghề cho thị trường lao động trong nước và nước Đức theo nguyên tắc phát triển bền vững.

Khóa đầu tiên, PAM đã đào tạo cho 50 học viên đến từ các vùng nông thôn, miền núi và thành thị thuộc các tỉnh, thành trên toàn quốc. Trong đó, có 10 em là nữ giới, 8 em thuộc nhóm dân tộc thiểu số. Kết thúc khóa đào tạo, các học viên đã tốt nghiệp và đủ điều kiện di cư sang Đức sẽ được hỗ trợ chứng nhận văn bằng bởi cơ quan có thẩm quyền tại CHLB Đức, được kết nối với các doanh nghiệp tiềm năng tại Đức và được đào tạo bổ sung khóa học ngôn ngữ chuyên sâu trong quá trình di cư đến Đức.

“Đặc biệt, các học viên theo học đều được miễn giảm 100% học phí và được nhận học bổng 39 euro/tháng, đối với các em học viên nữ sẽ nhận được 79 euro/tháng” - ThS Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 cho hay.

* Không cần đào tạo lại sau tốt nghiệp

Điểm đặc biệt của hệ thống đào tạo nghề “kép” của Đức là học lý thuyết, kỹ năng ở trung tâm đào tạo và thực hành ở doanh nghiệp trong suốt thời gian học nghề. Tuy nhiên, ngay cả việc học lý thuyết cũng được tiến hành trên các module thật hoặc bài giảng 3D trên màn hình chứ không phải học "chay". Học theo mô hình này, học viên học 30% chương trình lý thuyết ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 70% thực hành ở doanh nghiệp. Điều đó đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi theo học hệ thống đào tạo nghề “kép” của Đức.

Ông Đinh Tường Việt, Phó tổng giám đốc Công ty Ishisei Việt Nam (doanh nghiệp có vốn đầu tư 100% của Nhật Bản, chuyên gia công các linh kiện cơ khí) cho hay, thời gian qua, doanh nghiệp tiếp nhận và phối hợp đào tạo học viên của Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2.

“Ban đầu các em còn bỡ ngỡ nhưng sau một thời gian được chúng tôi đào tạo, các em đã bắt kịp tiến độ làm việc ở doanh nghiệp. Khi ra trường các em có thể làm việc độc lập, không cần đào tạo lại. Do đó, chúng tôi mong muốn nhận ngay các em vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Nhưng hầu như các em đã nhận được “đơn đặt hàng” từ các doanh nghiệp khác nên chúng tôi chỉ nhận được vài em” - ông Việt chia sẻ.

Mong muốn mở rộng mô hình PAM

Thường sau khi tốt nghiệp, nhiều người lo ngại tìm việc nhưng khi tham gia chương trình này thì các em lại không còn lo lắng về việc làm, nhất là có thu nhập tốt.

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ – TBXH cho hay, PAM là mô hình lần đầu tiên Đức tổ chức tại Việt Nam và học tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2.

Khi tham gia học PAM, học sinh được học cả chuyên môn và tiếng Đức miễn phí
Khi tham gia học PAM, học sinh được học cả chuyên môn và tiếng Đức miễn phí

“Học viên được học miễn phí và đào tạo nghề theo tiêu chuẩn Đức không có nhiều. Chương trình PAM đóng góp cho Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao” - ông Dũng nhấn mạnh.

ThS Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 chia sẻ, khi tham gia học Chương trình PAM, mỗi học viên được tài trợ hơn 100 triệu đồng/khóa học. Ngoài chuyên môn, các em sẽ được đào tạo về tiếng, văn hóa Đức để hòa nhập khi làm việc tại Đức.

Còn ThS Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 cho hay, những người sử dụng các em sẽ có đánh giá chính xác về năng lực.

“Các em đã sẵn sàng hòa nhập vào môi trường làm việc. Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm các doanh nghiệp để đưa các em còn lại sang Đức làm việc. Ngoài ngành cắt gọt kim loại, chúng tôi mong chương trình này sẽ được mở rộng sang nhiều ngành nghề khác” - ông Cường bày tỏ.

Nhằm tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như đưa sinh viên sau khi tốt nghiệp sang làm việc tại Nhật Bản và Đức, thời gian tới, nhà trường tiếp tục hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp nhân rộng mô hình đào tạo phối hợp theo tiêu chuẩn Đức. Theo đó, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 tiếp tục hợp tác với các tập đoàn công nghệ như: Bosch Rexroth, DMG MORI, Siemens, Festo, Lincoln Electric… cập nhật công nghệ và trang thiết bị mới, để tham gia đào tạo cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều