Báo Đồng Nai điện tử
En

Dồn lớp cho đủ giáo viên

Công Nghĩa
09:26, 21/09/2023

Sau nhiều năm đối diện với điệp khúc quá tải sĩ số, ngành Giáo dục tiếp tục đối diện với thực trạng thiếu giáo viên có xu hướng ngày càng nghiêm trọng.

Giáo viên Trường tiểu học Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) trong giờ dạy với sĩ số lên đến 47 học sinh/lớp, trong khi chuẩn sĩ số quy định không quá 45 học sinh/lớp. Ảnh: C.Nghĩa
Giáo viên Trường tiểu học Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) trong giờ dạy với sĩ số lên đến 47 học sinh/lớp, trong khi chuẩn sĩ số quy định không quá 45 học sinh/lớp. Ảnh: C.Nghĩa

Dù đã được chuyển đến một ngôi trường xây mới hoàn toàn, khang trang và hiện đại nhưng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Bửu Long) vẫn phải dồn học sinh lại theo chỉ đạo của Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa để “tiết kiệm” biên chế giáo viên. Khi thực hiện dồn lớp, tổng số lớp của trường sẽ giảm nhưng sĩ số học sinh/lớp lại tăng, khiến chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng.

* Điệp khúc… dồn lớp

Chị N.T.K.L. có con năm nay học lớp 9 tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, từ cuối năm học trước, khi biết về kế hoạch dồn lớp của trường, nhiều phụ huynh đã có ý kiến đề nghị nhà trường ưu tiên cho học sinh lớp 9 cuối cấp, hạn chế dồn lớp gây xáo trộn tâm lý của học sinh. Thế nhưng, cuối cùng vẫn có 2 lớp phải dồn vào 5 lớp còn lại.

Tại Trường THCS Tân Phong (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa), một ngôi trường mới được đưa vào sử dụng cách đây không lâu cũng phải chấp nhận tình trạng dồn lớp cho đủ giáo viên, bởi trước năm học 2023-2024, nhà trường thiếu trên 20 biên chế giáo viên, không đủ giáo viên làm chủ nhiệm lớp lẫn giảng dạy. Khi thực hiện dồn lớp, số học sinh/lớp đã tăng đáng kể, trên 45 học sinh/lớp.

Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phong Lê Văn Lành cho hay, năm đầu đi vào hoạt động, số học sinh của trường chưa đông, nhưng từ năm thứ 2 thì số học sinh tăng khá mạnh do các em chuyển từ các trường lân cận đến như P.Trảng Dài, P.Tân Tiến, nên giải pháp dồn lớp để có đủ giáo viên được xem là khả thi nhất.

Một giáo viên chủ nhiệm lớp tại Trường THCS Tân Phong chia sẻ, cứ nghĩ chuyển về trường mới thì điều kiện dạy và học sẽ tốt hơn, nhưng thực tế lại không được như kỳ vọng. Khi phải chủ nhiệm một lớp học có quá đông học sinh, chắc chắn giáo viên chủ nhiệm lẫn các giáo viên bộ môn sẽ vất vả hơn trong công tác quản lý và dạy học. Thế nhưng, trong hoàn cảnh lớp học lẫn giáo viên thiếu mà học sinh lại đông, đành phải chấp nhận và nỗ lực vượt khó.

* Khó tháo gỡ

Theo Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Lương Thị Lan, huyện có 72 trường với trên 60,6 ngàn học sinh. Năm học 2023-2024, biên chế giáo viên cần có so với định biên là 3.074 người, nhưng hiện nay chỉ có 2.692 người, còn thiếu 382 biên chế. Tỉnh đã có kế hoạch giao cho huyện thêm 153 biên chế, như vậy huyện vẫn còn thiếu 129 biên chế. Đối với những trường ở trung tâm, khu đông dân cư, việc tuyển dụng giáo viên không khó nhưng những trường ở xa trung tâm lại rất khó khăn, có trường ở xã thiếu tới 11 giáo viên, đã thông báo tuyển dụng 3-4 lần vẫn không tuyển được.

Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Lê Kim Bằng cho hay, huyện còn thiếu 189 biên chế giáo viên so với định biên được giao, chủ yếu là giáo viên tiểu học và THCS. Công tác tuyển dụng đã được giao cho các trường trực tiếp thực hiện, huyện cũng chỉ đạo hỗ trợ nhưng việc tuyển dụng không dễ. Nguyên nhân khiến việc tuyển dụng giáo viên khó khăn chính là chế độ chính sách. Ông Bằng đơn cử: “Một giáo viên mầm non lương chỉ có 3-4 triệu đồng/tháng, trong khi ở huyện có công ty sản xuất giày tuyển dụng rất nhiều lao động phổ thông, lương 7-8 triệu đồng/tháng. Do đó, đã có nhiều giáo viên nghỉ dạy đi làm việc khác”.

Trưởng phòng GD-ĐT H.Định Quán Ngô Đăng Thành cho hay: “Mỗi khi có giáo viên nộp đơn lên Phòng GD-ĐT huyện xin nghỉ việc là chúng tôi “toát mồ hôi”, vì tuyển bổ sung rất khó. Khổ nhất là đầu năm học, giáo viên xin nghỉ, ngành lại càng bị động hơn”.

Không ít trường học khi bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 đã rơi vào cảnh phải bắt giáo viên “đóng thế” vì thiếu giáo viên các bộ môn, nhất là những môn: Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:

Thiếu đất sạch xây trường công lẫn trường tư

Giải pháp để giải quyết tình trạng quá tải học sinh, thiếu trường lớp và giáo viên là phải đồng bộ xây dựng cả trường công và thu hút xã hội hóa đối với lĩnh vực giáo dục. Muốn làm được cả hai thì phải có quỹ đất sạch phục vụ xây dựng trường, thế nhưng hiện nay các địa phương đang thiếu quỹ đất sạch, giải tỏa rất khó khăn. Đối với thu hút xã hội hóa, vị trí mời gọi đầu tư lại không hấp dẫn nên nhà đầu tư chưa mặn mà.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Phùng (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) Phạm Thị Dịu cho biết, hiện trường vẫn thiếu giáo viên, trong đó có môn Tin học. Để có đủ giáo viên, nhà trường đã phải tận dụng giáo viên môn Thể dục nhưng có kiến thức về môn Tin học để dạy.

Trong khi đó, ban giám hiệu nhiều trường cũng cho hay, từ nhiều năm nay không thể thực hiện được chuẩn sĩ số học sinh/lớp, cụ thể với trường tiểu học là không quá 35 học sinh/lớp, còn THCS không quá 45 học sinh/lớp. Đặc biệt, nhiều trường học tại Biên Hòa đang có sĩ số học sinh/lớp rất cao, cả với bậc tiểu học và THCS. Chẳng hạn, đối với bậc tiểu học, nhiều trường có sĩ số trung bình từ 47-48 học sinh/lớp.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) Ngô Thị Thủy cho hay, trường có 80 lớp nhưng chỉ có 32 phòng học và không có phòng chức năng nào, lý do tất cả các phòng đều được tận dụng làm phòng học. Nhiều năm nay, học sinh của trường phải đi học nhờ 16 lớp tại Trường THCS Trường Sa và 12 lớp tại Trường tiểu học Hà Huy Giáp. Nếu có đủ giáo viên, đủ phòng học và thực hiện đúng chuẩn sĩ số học sinh/lớp thì nhà trường sẽ cần hàng chục phòng học và biên chế giáo viên.

Công Nghĩa


Phó giám đốc Sở GD-ĐT ĐỖ ĐĂNG BẢO LINH:

Sớm hoàn chỉnh chế độ hỗ trợ giáo viên

 

Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã giao cho Sở GD-ĐT xây dựng chính sách hỗ trợ giáo viên, mục đích là giúp giáo viên nâng cao thu nhập, an tâm cống hiến và gắn bó lâu dài với ngành GD-ĐT, hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc. Sở đang cân nhắc kỹ lưỡng đối tượng hỗ trợ cho phù hợp với khả năng của ngân sách vì Đồng Nai có tới 27 ngàn giáo viên. Sở sẽ cố gắng để trong tháng 11 tới có thể trình UBND tỉnh xem xét, sau đó sẽ trình HĐND tỉnh quyết định khung chính sách và thực hiện.

Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa VÕ VĂN MINH:

Dân số đông đang tạo áp lực về trường lớp và giáo viên

Biên Hòa là thành phố đông dân, lên tới 1,2 triệu người, nên áp lực với hệ thống trường lớp và biên chế giáo viên rất lớn. Hàng năm, Biên Hòa tăng khoảng 20 ngàn học sinh, trong khi biên chế cho ngành Giáo dục hạn chế. Chính vì vậy, Biên Hòa đang phải rất nỗ lực tính toán sắp xếp lại hệ thống trường lớp, bố trí cân đối biên chế giáo viên cho từng trường cho hợp lý. Những trường sĩ số học sinh còn dưới chuẩn có thể tăng thêm, thậm chí tăng lên 40 em/lớp với bậc tiểu học và trên 45 em/lớp với bậc THCS để khắc phục tình trạng thiếu biên chế.

Trưởng phòng GD-ĐT H.Định Quán NGÔ ĐĂNG THÀNH:

Giáo viên vùng sâu, vùng xa cần có chính sách riêng

 

Các trường ở những huyện miền núi, nhất là ở những trường nằm xa trung tâm huyện không chỉ khó giữ chân giáo viên mà còn khó thu hút khi tuyển dụng. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là thu nhập thấp. Vì vậy, phải có lời giải về chế độ chính sách cho giáo viên cho hợp lý, đặc biệt cần có chính sách đột phá để thu hút giáo viên về những xã vùng sâu, vùng xa như đã thực hiện với những xã đặc biệt khó khăn trước đây.  

         Thành Nam (ghi) 


 

 

Tin xem nhiều