Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng bệnh đau mắt đỏ khi thời tiết giao mùa

Hải Yến
07:30, 16/08/2023

Hiện nay, do thời tiết thay đổi nên trẻ em dễ bị mắc bệnh đau mắt đỏ. Nhiều phụ huynh do chủ quan đã tự ý mua thuốc điều trị cho con khiến tình trạng bệnh của trẻ trở nặng, gây khó khăn cho quá trình điều trị.

Trẻ bị đau mắt đỏ được khám mắt tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Trẻ bị đau mắt đỏ được khám mắt tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.YẾN

Bệnh đau mắt đỏ mặc dù không nằm trong số các bệnh truyền nhiễm phải cảnh báo nhưng lại là bệnh dễ lây lan, gây thành dịch trong cộng đồng. Do đó, khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Nguy cơ suy giảm thị lực vì tự ý điều trị

Khi phát hiện con trai bị đau mắt đỏ, chị V.T.T. (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) không đưa con đi bệnh viện khám mà mua thuốc về cho con uống. Mấy ngày sau, thấy tình trạng của con không cải thiện, chị T. mới đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để khám. Sau 3 ngày dùng thuốc của bệnh viện, tình trạng mắt của bé có cải thiện nhưng lại lây cho em. Vì vậy, chị phải cho cả 2 con cùng đi khám bệnh.

Tùy theo nguyên nhân và tình trang sức khỏe của trẻ, bệnh đau mắt đỏ sẽ có thời gian ủ bệnh khác nhau. Chẳng hạn, nếu nguyên nhân là do nhiễm khuẩn thì thời gian ủ bệnh thường ngắn (khoảng 1-3 ngày); do virus thì dài hơn (1-2 tuần), do dị ứng thì rất nhanh (chỉ 30 phút trẻ đã đỏ mắt và phù nề kết mạc tròng trắng, nhiều trường hợp trẻ vào bệnh viện cấp cứu với tình trạng bị dị ứng phù kết mạc đỏ mắt cấp tính kèm với tình trạng viêm co thắt hô hấp dạng hen).

Tương tự, khi thấy con gái bị đỏ mắt, mi mắt hơi sưng và tiết nhiều ghèn vào buổi sáng, anh N.V.T. (P.Phước Tân, TP.Biên Hoà) cũng ra tiệm thuốc tây mua thuốc về nhỏ mắt cho con. Sau đó, bé không những không khỏi mà triệu chứng ngày càng nặng: bé sợ ánh sáng và rất khó mở mắt. Đến ngày thứ 3, anh đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám thì bệnh đã biến chứng gây loét giác mạc, phải nhập viện điều trị.

Điều trị đến ngày thứ 4, thấy con không thuyên giảm, mắt vẫn sưng và không mở được nên anh T. rất sốt ruột, xin xuất viện để đưa con lên bệnh viện tuyến trên thăm khám. Tại đây, bác sĩ cho biết tình trạng bệnh của bé có thể điều trị ở tuyến dưới. Anh T. lại đưa con quay về, đợi ngày tái khám ở Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Anh T. chia sẻ: “Khi đi khám lại ở Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tình trạng sưng mắt của con đã giảm nhưng con vẫn chưa mở được mắt. Bác sĩ khuyên tôi nên cho con nhập viện để theo dõi và làm xét nghiệm lại. Vì con chưa mở mắt được nên chưa kiểm tra được thị lực, bác sĩ nói nếu không điều trị dứt khoát thì có nguy cơ ảnh hưởng đến thị lực của bé”.

Hiện nay, do chủ quan, nhiều phụ huynh khi phát hiện con bị đau mắt đỏ đã không đưa đến các cơ sở có chuyên khoa mắt để thăm khám mà thường tự ý mua thuốc nhỏ mắt cho trẻ.

Bác sĩ Hà Thị Hằng, Khoa Mắt Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết: “Khi con có tình trạng đỏ mắt, đổ ghèn phụ huynh thường ra ngoài tiệm thuốc, phòng khám mua thuốc nhỏ mắt để tự điều trị. Đến khi vào bệnh viện thì tình trạng đã nặng. Bệnh đau mắt đỏ nếu nhỏ thuốc không đúng cách, không đúng loại và sử dụng trong thời gian dài thì sẽ dễ bị đục thủy tinh thể, thậm chí có thể dẫn đến biến chứng là loét giác mạc, sẹo giác mạc về sau…”.

Biện pháp đơn giản để phòng bệnh

Một tuần gần đây, rất đông bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám bệnh vì tình trạng đau mắt đỏ. Trung bình mỗi ngày có từ 40-50 ca bệnh và có nhiều trẻ kèm theo cả bệnh lý về đường hô hấp.

Rửa tay và vệ sinh cá nhân thường xuyên, đúng cách là cách hữu hiệu nhất để phòng bệnh đau mắt đỏ
Rửa tay và vệ sinh cá nhân thường xuyên, đúng cách là cách hữu hiệu nhất để phòng bệnh đau mắt đỏ. Ảnh: H.YẾN

Đau mắt đỏ, hay còn gọi là viêm kết mạc, là tình trạng nhiễm trùng mắt thường gặp do vi khuẩn hoặc virus gây ra, xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhất là đối với trẻ nhỏ. Bệnh có triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt, thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt, một hoặc hai ngày sau lây sang mắt kia.

Theo BS CKI Nguyễn Văn Tiến, Khoa mắt Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bệnh đau mắt đỏ thường lây qua tiếp xúc trực tiếp; qua các vật dụng dễ gặp tại nhà hay ngoài cộng đồng như: đồ chơi, tay nắm cửa, bồn rửa tay…; lây qua hồ bơi (trẻ đau mắt bơi sẽ làm nhiễm khuẩn nước và lây bệnh cho trẻ lành khi bé đi bơi).

“Một đường lây nữa rất dễ thành dịch là lây qua hô hấp gây đau mắt đỏ do virus adeno thuộc chủng type 3, 4 và 7. Ở bệnh này, trẻ thường có kèm viêm đường hô hấp và ho. Khi ho sẽ gây giọt bắn, là vector truyền bệnh cho trẻ lành” - BS Tiến cho hay.

Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây bệnh đau mắt đỏ là: Do nhiễm khuẩn, do virus, do nhóm nguyên nhân các bệnh dị ứng (trẻ có cơ địa dị ứng khi tiếp xúc với dị nguyên trong môi trường sẽ gây bệnh đau mắt đỏ).

“Nếu đau mắt đỏ kèm theo tổn thương bệnh lý của cơ quan khác của mắt và gây giảm thị lực như: bị loét giác mạc, tăng nhãn áp, viêm nhãn cầu, bệnh lý trong nhãn cầu, thì đây là bệnh lý ở cơ quan khác của mắt làm ảnh hưởng đến tròng trắng gây mắt đỏ. Đây là bệnh lý phức tạp, cần phải khám chuyên khoa mới có thể điều trị” - BS Tiến cho biết thêm.

Theo BS Tiến, phòng bệnh đau mắt đỏ không khó. Trong đó, việc rửa tay và vệ sinh cá nhân thường xuyên, đúng cách là cách hữu hiệu nhất để phòng bệnh (đối với người đang có bệnh, việc này sẽ làm chặn đứng vector lây bệnh rất hiệu quả). Trẻ nên được đeo khẩu trang đúng cách khi tiếp xúc nơi đông người. Đối với trẻ bị đau mắt đỏ, nên đi khám chuyên khoa mắt để được điều trị đúng cách và được hướng dẫn chăm sóc tại nhà tốt nhất từ các bác sĩ chuyên khoa. Khi trẻ đang bị đau mắt và được cho điều trị tại nhà thì phụ huynh không nên cho trẻ đi đến nơi đông người, đi bơi… việc này giúp tránh lây lan bệnh thành dịch.

Hải Yến

Tin xem nhiều