Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo viên mầm non: “Chờ” vào nhóm ngành nặng nhọc, độc hại

09:35, 17/08/2023

Thông tin sẽ xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành có điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại khiến giáo viên mầm non rất phấn khởi, đồng thời mong muốn chủ trương này sớm được thông qua.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường và Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý thăm Trường mầm non Thái Quang do Công ty CP TKG Taekwang Vina đầu tư. Ảnh: C.Nghĩa
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường và Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý thăm Trường mầm non Thái Quang do Công ty CP TKG Taekwang Vina đầu tư. Ảnh: C.Nghĩa

Trưởng phòng Nghiệp vụ 2 Sở GD-ĐT Trương Thủy Ngân cho biết, Đồng Nai có trên 12 ngàn giáo viên mầm non. Giáo viên mầm non là ngành đang rất khó tuyển dụng do điều kiện làm việc và chính sách kém hấp dẫn.

* Bất cập thu nhập

Chị Lê Thị Thanh H., có trình độ đại học ngành mầm non, mới được nhận vào làm việc tại một trường mầm non công lập tại H.Long Thành cho hay, mức lương làm việc của chị khởi điểm chỉ 3,7 triệu đồng/tháng. Dù đã biết trước bước chân vào làm việc ở trường mầm non công lập lương khởi điểm sẽ là như vậy nhưng chị vẫn không tránh khỏi sự hụt hẫng.

Cô Nguyễn Thị Phương, công tác tại Trường mầm non Hoa Mai (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) đã hơn 12 năm nhưng đến nay thu nhập mỗi tháng chỉ ở mức 9 triệu đồng. Mức thu nhập này được xem là thấp so với tính chất công việc, cường độ làm việc.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN KIM SƠN cho hay, Bộ GD-ĐT đang phối hợp Bộ LĐ-TBXH xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Đề xuất này nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân và giáo viên mầm non trên cả nước. Nhiều người cho rằng nếu đề xuất này được thông qua thì đây sẽ là sự ưu ái rất lớn đối với giáo viên mầm non. Tuy nhiên, đây không phải là sự ưu ái mà chỉ là đánh giá đúng những khó khăn, vất vả, nặng nhọc mà giáo viên mầm non đang gặp phải.

Nói về cường độ làm việc, cô Phương cho hay, lớp của cô có 24 trẻ, do 2 giáo viên cùng phụ trách. Thời gian làm việc mỗi ngày liên tục từ 6 giờ 30 đến 17 giờ; trước giờ làm việc chính thức cô thường phải đến sớm hơn 10-15 phút để chuẩn bị đón trẻ. Buổi trưa, giáo viên các bậc học khác thường được nghỉ nhưng giáo viên mầm non lại phải chăm cho trẻ ăn rồi ngủ trưa. Nhiều khi trẻ ăn xong rồi đi ngủ đã quá 12 giờ các cô mới được ăn.

Theo quy định của Bộ luật Lao động, người lao động (NLĐ) không được làm thêm quá 40 giờ/tháng và không quá 200 giờ/năm. Trong một số ngành, nghề, công việc hoặc một số trường hợp, người sử dụng lao động được sử dụng NLĐ làm thêm không quá 300 giờ/năm. Tuy nhiên, với giáo viên mầm non thường phải làm thêm giờ vượt khá xa so với quy định nhưng vẫn chỉ được tính với mức không quá 300 giờ/năm.

Cô Nguyễn Thị Lam, giáo viên Cơ sở mầm non tư thục Tuổi Ngọc (xã Hố Nai, H.Trảng Bom) cho hay: “Do chủ cơ sở mầm non không tuyển được giáo viên nên mình tôi phụ trách lớp 20 trẻ. Trẻ ở độ tuổi còn rất nhỏ, chưa thể tự lập nên giáo viên chúng tôi rất vất vả trông giữ, chăm sóc trẻ. Đó là chưa kể trong quá trình trẻ chơi với nhau có vết cào cấu trên cơ thể, giáo viên lại bị nghi ngờ”.

* Kỳ vọng tăng thêm quyền lợi

Thực tế, thu nhập của giáo viên mầm non công lập từ lâu đã ở mức thấp và cải thiện kém, do đó chưa nhiều giáo viên có thể sống được bằng đồng lương hay thu nhập từ nghề mình đang làm. Thậm chí cùng làm công việc chăm sóc trẻ, nhưng giáo viên ở trường công lại thấp hơn nhiều so với giáo viên mầm non trường tư.

Nhiều giáo viên mầm non lớn tuổi mong muốn được nghỉ hưu sớm hơn
quy định vì sau nhiều năm cống hiến, sức khỏe bị suy yếu. Trong ảnh: Một bảo mẫu lớn tuổi làm việc trong một cơ sở mầm non tư thục tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa)
Nhiều giáo viên mầm non lớn tuổi mong muốn được nghỉ hưu sớm hơn quy định vì sau nhiều năm cống hiến, sức khỏe bị suy yếu. Trong ảnh: Một bảo mẫu lớn tuổi làm việc trong một cơ sở mầm non tư thục tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa)

Chẳng hạn, một giáo viên mầm non trình độ đại học có lương khởi điểm ở trường công lập chỉ hơn 3,7 triệu đồng/tháng, còn khi vào làm ở trường tư thục mức lương khởi điểm khoảng 6,5-7 triệu đồng/tháng, đồng thời có chế độ tăng lương đều đặn và khá cao.

Điều kiện thu nhập chính là căn nguyên khiến cho các cơ sở giáo dục mầm non từ công lập đến tư thục ngày càng khó thu hút giáo viên. Theo Sở GD-ĐT, bậc mầm non đang là bậc học thiếu nhiều giáo viên nhất và khó tuyển dụng nhất. Thống kê toàn tỉnh đang thiếu trên 300 giáo viên mầm non nhưng thực tế nếu tính cả các cơ sở mầm non ngoài công lập thì con số này có thể gấp nhiều lần.

Khi thuộc nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, giáo viên mầm non sẽ được hưởng thêm nhiều quyền lợi như: phụ cấp nghề nặng nhọc, tuổi nghỉ hưu được thấp hơn… Chẳng hạn chế độ nghỉ phép năm, theo khoản 1, Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019, NLĐ làm đủ 12 tháng thì được nghỉ phép hàng năm 16 ngày hưởng nguyên lương (điều kiện bình thường là 30 ngày).

Trong trường hợp ốm đau, theo Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưởng chế độ ốm đau với số ngày là 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm (điều kiện bình thường là 30 ngày); 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 đến dưới 30 năm (điều kiện bình thường là 40 ngày) và 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (điều kiện bình thường là 60 ngày).

Liên quan đến chế độ hưu trí, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu.

Chị Nguyễn Thị Lê Lan, chủ Nhóm trẻ tư thục Mặt Trời (P.An Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Giáo viên mầm non làm việc rất vất vả là thực tế không cần bàn. Tôi thường xuyên “nâng” giáo viên của mình như “nâng trứng”, vì nếu có chút nặng lời hay áp lực quá, giáo viên sẽ bỏ việc và mình lại phải vất vả đi tìm giáo viên mới. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nặng nhọc, độc hại”.

Công Nghĩa


Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu NGUYỄN VĂN THUỘC:

Giáo viên cần những chính sách hỗ trợ cụ thể

Như nhiều địa phương khác, H.Vĩnh Cửu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên ở các bậc học, nhất là với bậc mầm non. Huyện đang lúng túng vì với chế độ tiền lương hiện nay thì rất khó thu hút giáo viên mầm non về địa phương làm việc, nhất là những xã như Phú Lý, Mã Đà. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể làm sao cho giáo viên sống được bằng nghề, giáo viên ở những xã vùng sâu, vùng xa thu nhập phải tốt hơn những vùng thuận lợi.

Trưởng phòng Nghiệp vụ 2 Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỦY NGÂN:

Nguồn lực có hạn

Nhiều năm nay, ngoài lương, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, nhân viên cấp dưỡng và bảo vệ làm việc trong các trường mầm non 800 ngàn đồng/tháng. Tuy nhiên, từng đó vẫn là chưa thể giải quyết căn cơ về chính sách thu hút giáo viên mầm non. Hơn nữa, Đồng Nai có số lượng cơ sở giáo dục mầm non cả công lập lẫn tư thục rất lớn, số lượng giáo viên đang làm việc lên đến trên 12 ngàn người, do đó khi xây dựng chính sách hỗ trợ phải rất cân nhắc vì nguồn lực chỉ có hạn.


 

Tin xem nhiều