Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển “nhà mới” cho học sinh khuyết tật

07:45, 21/08/2023

Sở GD-ĐT đang phối hợp với Trường đại học Đồng Nai khẩn trương chuyển 92 học sinh của Trung tâm Nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc (thuộc Trường đại học Đồng Nai) về môi trường học tập mới kể từ năm học 2023-2024 sắp tới.

Học sinh lớp 4 Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai trong một tiết học Toán
Học sinh lớp 4 Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai trong một tiết học Toán. Ảnh: THẾ SƠN

Theo đó, có 36 học sinh từ lớp 1 đến lớp 8 của Trung tâm Nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc (gọi tắt là trung tâm) sẽ được chuyển đến Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai (thuộc Sở GD-ĐT). 56 học sinh còn lại từ lớp 9 đến lớp 11 sẽ được chuyển đến Trường phổ thông Thực hành sư phạm (thuộc Trường đại học Đồng Nai).

Đảm bảo quyền lợi cho học sinh

Bà Nguyễn Thị Trúc Tự, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban giám đốc Sở GD-ĐT đã có quyết định thành lập Ban tiếp nhận 36 học sinh của trung tâm do Phó giám đốc Sở Võ Ngọc Thạch làm trưởng ban. Các điều kiện tiếp nhận số học sinh về trung tâm mới cũng đã được chuẩn bị như: sắp xếp lớp, bố trí phòng cho những học sinh mới có nhu cầu ăn ở nội trú.

Giải thể Trung tâm Nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, sau khi chuyển hết số học sinh đang học tập tại Trung tâm Nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc, Trường đại học Đồng Nai sẽ phải tiến hành giải thể hoạt đông của trung tâm này. Bên cạnh đó, nhà trường còn phải có trách nhiệm làm rõ những vấn đề liên quan đến việc sử dụng các nguồn kinh phí của trung tâm đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Sở đã có kế hoạch tiếp nhận 36 học sinh khuyết tật từ trung tâm vào ngày 21-8, tuy nhiên qua làm việc trực tiếp với Trường đại học Đồng Nai thì còn khá nhiều khó khăn. Hiện mới chỉ có 11/36 học sinh đủ điều kiện hồ sơ để Sở GD-ĐT tiếp nhận về trung tâm mới, số học sinh còn lại bị thiếu hồ sơ, hoặc chỉ là học sinh dự thính, một số trường hợp học sinh đã trở về với gia đình nên phía Trường đại học Đồng Nai chưa liên lạc được. Vì vậy, Sở GD-ĐT và Trường đại học Đồng Nai đã quyết định lùi ngày tiếp nhận nhưng sẽ hoàn thành tiếp nhận trong những ngày tới để các em kịp khai giảng năm học mới ở trung tâm.

Về lý do không tiếp nhận toàn bộ 92 học sinh của trung tâm về Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Trúc Tự cho hay, hiện Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai chỉ dạy chương trình tiểu học và THCS đối với học sinh khuyết tật, do đó Sở GD-ĐT chỉ nhận 36 em từ lớp 1 đến lớp 8 chuyển về. Riêng 56 em còn lại từ lớp 9 đến lớp 11 sẽ được chuyển về Trường phổ thông Thực hành sư phạm để các em tiếp tục có điều kiện hoàn thành chương trình THPT dành cho học sinh
khuyết tật.

Tạo thuận lợi khi chuyển đến “nhà mới”

Phó giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai Bạch Thị Kim Huệ cho hay, năm học mới sắp tới trung tâm có 174 học sinh khuyết tật từ nhiều địa phương trong tỉnh đến học tập. Do học sinh của trung tâm bị khuyết tật ở dạng câm điếc và chậm phát triển nên các em chỉ có thể tiếp thu kiến thức thông qua sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Đội ngũ giáo viên giảng dạy tại trung tâm cũng là những giáo viên giáo dục đặc biệt, phải có kỹ năng tốt về dạy học bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Khi được Sở GD-ĐT chỉ đạo tiếp nhận thêm 36 học sinh từ trung tâm chuyển qua, Ban giám đốc trung tâm, giáo viên và nhân viên nhà trường đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đón nhận và tạo điều kiện cho các em hòa nhập với môi trường mới. Hiện trung tâm đã có phương án sắp xếp lớp cho những học sinh mới chuyển đến. Một phòng nội trú đã được trung tâm tâm chuẩn bị để tiếp nhận học sinh khi chuyển đến có nhu cầu ở nội trú tại trung tâm.

Bà Bạch Thị Kim Huệ cũng cho hay, khi số lượng học sinh tăng lên trung tâm sẽ phải tính toán đến việc tuyển dụng thêm giáo viên hệ giáo dục đặc biệt để đảm bảo đủ số lượng giáo viên cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng là một khó khăn bởi nhiều năm nay trung tâm thiếu giáo viên và rất khó khăn khi tuyển dụng. Trước mắt, trung tâm đã mời được một giáo viên hệ giáo dục đặc biệt của Trường đại học Đồng Nai để thỉnh giảng và giải quyết phần nào khó khăn thiếu giáo viên, sau đó sẽ tính tiếp chuyện tuyển sao cho đủ giáo viên khi số học sinh tăng lên.

Lãnh đạo Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai cho biết, tiếp nhận 36 học sinh khuyết tật là nhiệm vụ khá vất vả, vì trong danh sách các em dự kiến chuyển đến có những em tuổi đã khá lớn nên việc sắp xếp lớp có bất cập. Tuy nhiên, trung tâm sẽ cố gắng để khi các em chuyển đến trung tâm mới sẽ không bỡ ngỡ, hòa nhập nhanh và học tập hiệu quả. Dự kiến sau khi tiếp nhận số lượng thực tế học sinh mới đến, trung tâm sẽ có đề xuất với Sở GD-ĐT đầu tư mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ học tập, đảm bảo điều kiện học tập của học sinh.

Chị Lê Thị Kim Chi (xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ) cho hay: “Thời gian qua khi chưa có quyết định chính thức về hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc, chúng tôi những phụ huynh có con học tập ở đây đều rất lo lắng. Còn khi được thông báo con tôi được chính thức chuyển về Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai, tôi đã an tâm phần nào. Hy vọng con sẽ sớm ổn định ở môi trường học tập mới, học tập tốt để sau này hòa nhập với xã hội”.   

Công Nghĩa

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích