Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ 5, giai đoạn 2016-2020 được trao cho 49 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất. Đây là giải thưởng được tổ chức định kỳ 5 năm/lần, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với những đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà.
Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Trịnh Hoài Đức lần thứ 5, giai đoạn 2016-2020 được trao cho 49 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất. Đây là giải thưởng được tổ chức định kỳ 5 năm/lần, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với những đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà.
Nhạc sĩ Trần Viết Bính (89 tuổi) đoạt giải đặc biệt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ 5, giai đoạn 2016-2020. Ảnh: M.Ny |
Không chỉ biểu dương tài năng, cống hiến của các văn nghệ sĩ trong lao động sáng tạo nghệ thuật, giải thưởng còn động viên, khích lệ họ tiếp tục phấn đấu để sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, phản ánh sâu sắc, toàn diện vẻ đẹp của đất và người Đồng Nai trong công cuộc xây dựng và phát triển.
* Xứng đáng với giải thưởng
Là giải thưởng được mong chờ nhất của văn nghệ sĩ sau thời gian dài tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần thứ 5 đã tìm ra được những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xứng đáng, tiêu biểu trên các chuyên ngành gồm: văn học (thơ và văn xuôi); âm nhạc, lý luận phê bình, sân khấu, biểu diễn nghệ thuật, múa, văn nghệ dân gian, mỹ thuật, nhiếp ảnh. Trong 49 giải, có 1 giải đặc biệt; 9 giải A; 12 giải B; 18 giải C; 9 giải khuyến khích.
Trong đó, giải đặc biệt thuộc về nhạc sĩ Trần Viết Bính (3 lần đoạt giải A thể loại âm nhạc). Cùng với giải thưởng này, ông còn đoạt giải C (đồng tác giả với Trần Thị Phục) trong công trình Dân ca Chăm Islam ở Đồng Nai và Tây Ninh. Nhạc sĩ Trần Viết Bính cho biết, cách đây 27 năm, ông đoạt giải A Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần thứ nhất, 2 mùa giải tiếp theo ông tiếp tục đoạt giải A. Trong lần trao giải thứ 4, với tâm niệm để dành cơ hội cho người trẻ nên không tham gia dự xét giải.
Ngày 31-12, UBND tỉnh tổ chức lễ trao Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần thứ 5, giai đoạn 2016-2020 cho 49 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất. Cùng với đó, UBND tỉnh còn trao Giải thưởng VHNT năm 2021 cho 25 tác giả ở các chuyên ngành. Đây là những tác phẩm có giá trị nội dung, nghệ thuật và giá trị nhân văn sâu sắc, phản ánh chất lượng của nền văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu của Đồng Nai. |
Nhạc sĩ Trần Viết Bình chia sẻ: “Năm 2021, tôi bị tai biến, sự sống và cái chết nằm giữa lằn ranh. Như một điều thần kỳ, tôi khỏe trở lại. Đó cũng là thời điểm Hội VHNT Đồng Nai thu hồ sơ xét giải Trịnh Hoài Đức và tôi đã tham gia với chùm 6 ca khúc. Tôi xem đây như là việc giữ lại “kỷ niệm cuối cùng”. Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được trao giải đặc biệt. Và càng hạnh phúc hơn khi công trình nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian đoạt giải C. Bởi đây là lĩnh vực khó, ít tác giả theo đuổi. Tôi đoạt giải C, nghĩa là có người đoạt giải A, B. Điều này chứng tỏ đã có người giỏi hơn tôi đã và đang kế tiếp giữ lửa văn nghệ dân gian”.
Đoạt giải A bộ môn văn xuôi với tác phẩm Theo dòng chảy Đồng Nai, nhà văn Nguyễn Thái Hải nói rằng, đây là cuốn ký được ông ghi chép hoàn toàn về vùng đất, con người Đồng Nai trên tất cả các lĩnh vực về văn hóa, y tế, giáo dục, kinh tế... Cuốn sách này chưa từng đoạt bất cứ giải thưởng nào. Do vậy, khi đoạt giải nhất, ông cảm thấy rất bất ngờ bởi lâu nay các giải thưởng cao thường được trao cho thể loại tiểu thuyết. Niềm vui nhân đôi khi ngoài giải A Trịnh Hoài Đức, ông còn đoạt giải A giải thưởng hằng năm tỉnh Đồng Nai cho tác phẩm Đấng thiêng của K’MIN.
“Tôi cho rằng, tất cả các tác giả đoạt giải thưởng Trịnh Hoài Đức lần thứ 5, giai đoạn 2016-2020 đều rất xứng đáng. Với riêng tôi, tôi đã ấp ủ kế hoạch sử dụng Giải thưởng Trịnh Hoài Đức để in một cuốn truyện thiếu nhi với những tác phẩm viết trước năm 1975 vừa để làm kỷ niệm, vừa giới thiệu đến thiếu nhi hôm nay hiểu hơn về cuộc sống, sinh hoạt, những khó khăn trước năm 1975. Riêng đối với giải thưởng hằng năm, tôi sẽ sử dụng để tái bản cuốn Đấng thiêng của K’MIN, trao tặng cho học sinh đam mê viết văn và các em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh” - nhà văn Thái Hải bộc bạch.
Ở bộ môn thơ, không có giải A, giải B thuộc về nhà thơ Đàm Chu Văn với tác phẩm Xao thu. Với chuyên ngành lý luận phê bình, chỉ có một tác giả đoạt giải A là Bùi Công Thuấn với tác phẩm Nhà văn Đồng Nai. Giải A chuyên ngành âm nhạc được trao cho nhạc sĩ Cao Hồng Sơn với ca khúc Câu hát tiễn chồng. Đây là bài hát mang âm hưởng dân ca Bắc bộ, ngọt ngào và da diết, khắc họa hình tượng người phụ nữ tiễn chồng đi chiến đấu. Họ hy sinh tuổi thanh xuân, một lòng chờ đợi chồng nhưng người chồng đi mãi, không quay về...
Ở chuyên ngành sân khấu và biểu diễn nghệ thuật, 2 giải A thuộc về NSND Giang Mạnh Hà với tác phẩm Bão táp một vương triều và nghệ sĩ Nguyễn Phước Dư (nghệ danh Khánh Dư) với vai Tuấn trong vở cải lương Hồi sinh. Hồi sinh có nội dung xoay quanh nghĩa cử cao đẹp “hiến mô tạng” cứu người của Tuấn - một chiến sĩ công an nhân dân. Trong quá trình điều tra về tệ nạn xã hội và tội phạm ma túy, Tuấn đã hy sinh. Từ mô tạng mà Tuấn đã đăng ký hiến tặng từ trước, nhiều cuộc đời mới ở khắp nơi trên nước Việt Nam được hồi sinh.
Tác phẩm Chung sức của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lò Văn Hợp đoạt giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ 5, giai đoạn 2016-2020 |
Giải A chuyên ngành Văn nghệ dân gian được trao cho tác giả Nguyễn Thị Nguyệt với tác phẩm Văn hóa tín ngưỡng dân gian người Hoa Đồng Nai. Tác giả Đoàn Minh Ngọc đoạt giải A chuyên ngành mỹ thuật với tác phẩm Quảng trường Đồng Nai. Ở chuyên ngành nhiếp ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lò Văn Hợp đoạt giải A với tác phẩm Chung sức. Bối cảnh của bức ảnh Chung sức từ sự kiện nối thông cầu Ghềnh, dù trời mưa nhưng công nhân không quản ngại khó khăn, quyết tâm hoàn thành giai đoạn cuối cho kịp tiến độ thông đường. Tác phẩm Chung sức từng đoạt giải A, Giải thưởng VHNT Việt Nam năm 2018.
* Tôn vinh giá trị văn học nghệ thuật
Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp, Phó chủ tịch thường trực Hội VHNT Đồng Nai cho biết, kỳ xét Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần thứ 5 mặc dù trao giải muộn hơn so với kế hoạch (từ năm 2020) nhưng tất cả văn nghệ sĩ đều rất phấn khởi. Giải thưởng không chỉ tôn vinh giá trị VHNT mà đó cũng là cách “đo lường” tài năng, năng lực cống hiến của văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Nhiều tác giả thường xuyên đoạt giải cao trong các kỳ xét tặng giải Trịnh Hoài Đức như: nhạc sĩ Trần Viết Bính, nhà văn Nguyễn Thái Hải, nhạc sĩ Cao Hồng Sơn, họa sĩ Đoàn Minh Ngọc… Cũng có nhiều tác giả lần đầu tiên đoạt giải như nhà thơ Minh Hạ, tác giả Trâm Oanh…
“Ở kỳ giải lần này, có một số người trẻ tham gia ở bộ môn mỹ thuật, nhiếp ảnh và biểu diễn nghệ thuật như: Nguyễn Thành An (nhiếp ảnh); Trần Đình Thắng, Thoòng Cọc Thành (mỹ thuật); Huỳnh Thanh Tùng, Nguyễn Phương Thảo (biểu diễn nghệ thuật)... Riêng với bộ môn văn học chưa có người trẻ ở lứa tuổi 8X, 9X tham gia. Các tác phẩm đoạt giải được Ban giám khảo đánh giá tốt, phản ánh rõ nét bước chuyển mình đi lên của đời sống xã hội, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Đồng Nai” - nhà văn Hoàng Ngọc Điệp chia sẻ.
Phó chủ tịch thường trực Hội VHNT Đồng Nai Hoàng Ngọc Điệp kỳ vọng rằng, sau Giải thưởng Trịnh Hoài Đức lần thứ 5, các văn nghệ sĩ Đồng Nai sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tích cực bám sát hiện thực, tìm kiếm đề tài, phương pháp thể hiện, sáng tạo ra nhiều tác phẩm VHNT chất lượng cao hơn. Đặc biệt, ở kỳ xét giải lần thứ 6 tiếp theo, sẽ có nhiều hơn người trẻ - những gương mặt triển vọng đoạt giải. Qua đó, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển VHNT tỉnh nhà cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, lan tỏa tác phẩm đến công chúng trong và ngoài tỉnh.
My Ny