Bản quyền trong lĩnh vực xuất bản là vấn đề lâu nay được nhắc đến rất nhiều, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển. Việc dễ dàng tiếp cận thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, kéo theo nguy cơ gia tăng các vi phạm về bản quyền,…
Bản quyền trong lĩnh vực xuất bản là vấn đề lâu nay được nhắc đến rất nhiều, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển.
Bạn đọc là nhân tố quyết định sự thành bại trong chống vi phạm bản quyền. Trong ảnh: Bạn đọc đang lựa chọn sách tại nhà sách Biên Hòa. Ảnh: M.Ny |
Việc dễ dàng tiếp cận thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số cũng kéo theo nguy cơ gia tăng các vi phạm về quyền tác giả, nhiều đầu sách bị in lậu, bán công khai trên thị trường… Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.
* Nhiều vi phạm…
Câu chuyện về sách và bản quyền “nóng” trên mạng xã hội thời gian gần đây phải kể đến thông báo vào sáng 30-3 của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam về việc tạm thu hồi giải thưởng tác giả trẻ năm 2021 đối với chuyên khảo Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật. Cuốn sách của tác giả Vũ Thị Trang bị TS Đỗ Hải Ninh (Trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại, Viện Văn học) khiếu nại vi phạm bản quyền. Sách có nhiều chi tiết, nhiều đoạn sao chép từ phần viết trong một đề tài cấp bộ của TS Đỗ Hải Ninh. Đồng thời, dư luận cũng phát hiện nhiều đoạn trong sách sao chép từ cuốn Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy của nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy.
Tại Đồng Nai, trong năm 2021, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh đã phối hợp với Thanh tra Sở TT-TT kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tên miền internet và cung cấp thông tin trên mạng đối với ông L.H.C. (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa). Kết quả cho thấy, từ năm 2014 đến thời điểm kiểm tra, ông L.H.C. đã đăng ký và sử dụng 2 tên miền truyencuatui.vn, truyencuatui.net, thiết lập trang thông tin điện tử chia sẻ truyện, máy chủ được hosting tại http://cloud.ibm.com/ ở Nhật Bản để cấu trúc trang gồm 8 mục với số lượng lớn như: Truyện mới hơn 19 ngàn truyện, truyện full hơn 14 ngàn truyện, truyện dịch hơn 10 ngàn, truyện hot 306… Nội dung có dấu hiệu xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh.
Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21-4), Ngày Bản quyền thế giới (23-4), Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT) đã tổ chức Hội sách trực tuyến quốc gia năm 2022 diễn ra từ nay đến hết ngày 20-5 tại địa chỉ Book365.vn. Với chủ đề Thắp lửa tri thức, hội sách trực tuyến quốc gia năm nay thu hút sự tham gia của gần 100 đơn vị xuất bản và phát hành trên toàn quốc, giới thiệu đến độc giả hơn 40 ngàn tựa sách với mục tiêu đưa ít nhất 30 ngàn cuốn sách đến tay bạn đọc cả nước. Ngoài các chương trình ưu đãi tối thiểu 15-25% giá sách, Hội sách trực tuyến năm nay còn kết hợp tổ chức cuộc thi Nhà thông thái nhằm tìm kiếm 100 bạn đọc tiêu biểu trên khắp Việt Nam với tổng giá trị giải thưởng lên đến 100 triệu đồng. |
Qua làm việc với cơ quan chức năng, ông L.H.C. đã thừa nhận hành vi vi phạm và tiến hành gỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số. Sở TT-TT đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông L.H.C. với số tiền 5 triệu đồng về hành vi vi phạm hành chính “Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả” quy định tại Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16-10-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
Bên cạnh đó, vấn nạn sách giả, sách lậu cũng diễn ra thường xuyên làm ảnh hưởng không chỉ đến chính bạn đọc mua sách mà còn đến các tác giả, các đơn vị xuất bản. Theo NXB Đồng Nai, bộ truyện tranh Trạng Quỳnh dành cho thiếu nhi của NXB ấn hành thời gian qua cũng được phát hiện tình trạng in lậu tại các địa phương như Đà Nẵng, một số tỉnh miền Tây Nam bộ. Ngay sau khi phát hiện sách bị in lậu, NXB Đồng Nai đã có văn bản và trực tiếp đến làm việc với cơ quan chức năng của các tỉnh trên để phối hợp xử lý, tránh tình trạng tái diễn.
Phó giám đốc Sở TT-TT Giang Thị Thu Nga cho biết, trong giai đoạn từ năm 2013-2022, Sở đã thực hiện 18 cuộc thanh, kiểm tra 139 tổ chức, cá nhân về vấn đề bản quyền; trong đó, có 52 tổ chức, cá nhân vi phạm. Kết quả, xử lý và nhắc nhở 37 tổ chức, cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính 15 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 76 triệu đồng. Tịch thu gần 1,5 ngàn xuất bản phẩm vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu là tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm không có hóa đơn chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp; làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
* Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Ngoài NXB Đồng Nai, hiện tại toàn tỉnh có gần 90 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in, trong đó có 25 doanh nghiệp in xuất bản phẩm; 573 cơ sở photocoppy và 6 doanh nghiệp phát hành (với 10 nhà sách); 15 đơn vị thường xuyên xuất bản 18 bản tin. Cũng theo Phó giám đốc Sở TT-TT Giang Thị Thu Nga, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp in và phát hành giữ nhịp tăng trưởng ổn định, tạo việc làm và thu nhập cho trên 7 ngàn lao động. Bình quân hằng năm, Đồng Nai xuất bản trên 10 đầu sách đặt hàng…
Bên cạnh những thuận lợi, công tác quản lý nhà nước về xuất bản, phát hành trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn. Trong đó, kế hoạch xuất bản và nộp lưu chiểu của NXB trực tiếp với Bộ TT-TT, không có sự tham gia của Sở nên khó khăn cho công tác đánh giá chính xác tình hình hoạt động của NXB. Phần lớn tài liệu không kinh doanh sau khi được cấp phép xuất bản nộp lưu chiểu không đúng hạn. Vấn đề vi phạm bản quyền vẫn khó kiểm soát, nhất là với việc đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm và loại hình kinh doanh sách online; chưa có quy định cụ thể về cấp phép khi tổ chức, cá nhân muốn đưa xuất bản phẩm lên trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
“Một trong những nhân tố quyết định sự thành bại trong chống vi phạm bản quyền là bạn đọc - những người bỏ tiền mua sách cần chủ động nói không với sách giả, sách lậu để bảo vệ lợi ích của chính mình. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ngoài ra, các đơn vị xuất bản cần chủ động tìm kiếm những cách thức khác nhau để bảo vệ sản phẩm của mình, từ nâng cao chất lượng sách, áp dụng công nghệ vào sách, hay làm các bản sách đặc biệt…” - bà Nga nhấn mạnh.
Ly Na