Ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm nay trùng với thời điểm Bảo tàng tỉnh tròn 45 năm hình thành và phát triển (1976-2021).
Ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm nay trùng với thời điểm Bảo tàng tỉnh tròn 45 năm hình thành và phát triển (1976-2021).
Tượng thần Vishnu tại Bảo tàng tỉnh được xây dựng hồ sơ, lập thủ tục trình Bộ VH-TTDL, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn hiện vật bảo vật quốc gia. Ảnh: L.Na |
Là một thiết chế văn hóa quan trọng, nơi lưu giữ các tư liệu, hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa, là cầu nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh không ngừng nỗ lực, đổi mới hoạt động, tạo sức hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng.
* Tái hiện sinh động lịch sử, văn hóa Đồng Nai
Trong 45 năm hình thành và phát triển, Bảo tàng tỉnh lưu giữ hơn 20 ngàn hiện vật quý về khảo cổ học, dân tộc học, động - thực vật, hiện vật cách mạng; lưu giữ hàng ngàn đầu sách, hình ảnh về thành tựu các lĩnh vực, công trình nghiên cứu khoa học về các di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Đồng Nai. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh lưu giữ hàng trăm băng đĩa về các loại hình lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng; 300 đầu tư liệu chữ viết.
Các phòng trưng bày của bảo tàng được sắp xếp theo chủ đề, mốc thời gian: thiên nhiên Đồng Nai; văn hóa các dân tộc; nghề thủ công truyền thống; Đồng Nai từ thời sơ sử đến thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Bảo tàng tỉnh mở cửa phục vụ miễn phí nhu cầu tham quan của người dân và du khách. Do đó, mỗi năm bảo tàng thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, cán bộ, chiến sĩ đến tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử.
Giám đốc Sở VH-TTDL LÊ KIM BẰNG cho biết: “Nằm trong xu thế chung của thời đại với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 đã thúc đẩy ngành VH-TTDL nỗ lực chuyển đổi số. Hiện nội dung số hóa trưng bày tại Bảo tàng tỉnh đã được lãnh đạo tỉnh đồng thuận và thống nhất về mặt chủ trương. Trong thời gian tới, Sở VH-TTDL sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu, xây dựng đề án số hóa”. |
Song hành với tổ chức các triển lãm, trưng bày hiện vật, Bảo tàng tỉnh còn đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức các đợt vận động hiến tặng hiện vật để bổ sung cho kho lưu trữ hiện vật quý giá. Tiêu biểu như: những mô hình tiêu biểu của đồng bào Mường do ông Lưu Đình Du (ấp Tân Lập, xã Phú Túc, H.Định Quán) hiến tặng; nhiều hiện vật trong thời chiến của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Hạnh Phúc (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa); hơn 1,6 ngàn hiện vật gồm: sách, tạp chí, băng đĩa, các công trình âm nhạc của nhạc sĩ Trần Viết Bính (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam) trao tặng…
Đặc biệt, trong năm 2021, ngành VH-TTDL đã chọn 2 bộ sưu tập Qua đồng Long Giao và Tượng thần Vishnu được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh để xây dựng hồ sơ, lập thủ tục trình Bộ VH-TTDL, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn hiện vật bảo vật quốc gia. Trong đó, hiện vật tượng thần Vishnu được hình thành và phát triển từ thế kỷ thứ V-VII trong văn hóa Óc Eo. Nhóm hiện vật Qua đồng Long Giao (15 tiêu bản) là bộ sưu tập vũ khí rất độc đáo của người tiền sử Đồng Nai có niên đại từ thế kỷ thứ I-II sau Công nguyên.
Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Việt Sơn, trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến khá phức tạp, có những thời điểm các hoạt động phục vụ khách tham quan ở bảo tàng phải tạm ngưng để thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song cán bộ, viên chức, người lao động Bảo tàng tỉnh luôn nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn được giao; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện ghi hình, phát sóng các chương trình để đưa di tích, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Đồng Nai giới thiệu, quảng bá sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
* Chuyển đổi số trên lĩnh vực bảo tàng
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, Bảo tàng tỉnh mặc dù không đón khách tham quan nhưng đã đẩy nhanh việc thực hiện các phim tư liệu hấp dẫn, phối hợp phát sóng trên Đài PT-TH Đồng Nai và website Bảo tàng tỉnh, mạng xã hội… Nổi bật có các phim giới thiệu di tích chùa Ông; nghề làm rượu cần của dân tộc S’tiêng ở Đồng Nai; nghề dệt thổ cẩm của người Mạ ở Đồng Nai; hát Tămpơt của người Mạ… Các phim nhằm giúp người dân trên địa bàn tỉnh tìm hiểu văn hóa, lịch sử, con người vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hơn 320 năm hình thành và phát triển.
Nói về việc số hóa hiện vật bảo tàng, Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho biết: “Hoạt động số hóa diễn ra mạnh mẽ và là xu hướng tất yếu tại các bảo tàng trên thế giới và một số bảo tàng ở Việt Nam hiện nay như: Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… và một số bảo tàng tư nhân. Việc số hóa này diễn ra trên nhiều loại hình: hiện vật, phòng trưng bày hoặc toàn bộ nguồn tư liệu trong bảo tàng nhằm bảo quản và phát huy hiện vật một cách hiệu quả nhất. Cùng với số hóa, sẽ giới thiệu các không gian trưng bày, các bộ sưu tập, các hoạt động của bảo tàng đến với công chúng”.
Hiện nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương số hóa hiện vật, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ngoài bảo tàng, theo Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân, trong lộ trình số hóa di sản, ngành Văn hóa sẽ tiếp tục ưu tiên số hóa các di tích cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia, các bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể. Việc làm này sẽ tốn nhiều kinh phí nên việc số hóa sẽ được triển khai từ từ, theo từng lộ trình, theo từng giai đoạn cụ thể. Qua đó, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, kết hợp phát triển du lịch.
Ly Na