Vóc dáng nhỏ nhắn, trang phục chỉn chu, luôn xuất hiện với chiếc mũ phớt trên đầu, nhà văn Dương Đức Khánh trẻ hơn rất nhiều so với tuổi thật (sinh năm 1960), vẻ ngoài của anh còn gợi đến ông "thợ may phố huyện" - nghề ruột từng nuôi sống anh và gia đình nhỏ suốt nhiều năm. Nhưng lâu nay tài may của anh bị lấn át bởi một năng lực khác: viết văn, làm thơ.
Vóc dáng nhỏ nhắn, trang phục chỉn chu, luôn xuất hiện với chiếc mũ phớt trên đầu, nhà văn Dương Đức Khánh trẻ hơn rất nhiều so với tuổi thật (sinh năm 1960), vẻ ngoài của anh còn gợi đến ông “thợ may phố huyện” - nghề ruột từng nuôi sống anh và gia đình nhỏ suốt nhiều năm. Nhưng lâu nay tài may của anh bị lấn át bởi một năng lực khác: viết văn, làm thơ.
Nhà văn Dương Đức Khánh |
Anh đã xuất bản 3 tập truyện ngắn, 1 tập thơ và từng giành giải nhất truyện ngắn do Báo Tuổi trẻ tổ chức, 2 lần đoạt giải cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ quân đội. Mới đây, anh lại giành giải nhất cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật Đồng Nai hội nhập và phát triển do Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai tổ chức với truyện ngắn Phố rừng.
* Say mê văn chương
Dương Đức Khánh quê gốc ở Hương Trà, Thừa Thiên - Huế, cuộc sống đưa đẩy anh trôi dạt xuống tận TP.Long Xuyên, rồi sau 20 năm anh lại trở thành cư dân Long Thành - Đồng Nai, quê ngoại của vợ. Anh say mê văn chương từ nhỏ và khởi đầu nghiệp viết bằng thơ. Bài thơ đầu tiên tình cờ phát hiện ra đăng trên Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam làm Khánh mừng quýnh, chạy đôn chạy đáo tìm mua báo. Nhưng ở một thị xã nhỏ miền Tây, tìm đâu ra tờ Báo Văn Nghệ, thế là anh chạy vào thư viện hỏi mua tờ báo phục vụ bạn đọc bày trên kệ. Dĩ nhiên là anh… bị từ chối. Sau lần ấy, Khánh được in một chùm thơ trên Tạp chí Tác phẩm mới, thời đó chỉ cần in một chùm thơ trên tờ tạp chí danh giá này là coi như đã được “cấp visa” vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhưng Dương Đức Khánh có “số” long đong lận đận. Anh viết chậm và gần như chẳng có “chiêu” gì để lăng xê mình. Năm 2008, tên tuổi Khánh vụt sáng khi anh giành giải nhất truyện ngắn 1.200 chữ do Báo Tuổi trẻ tổ chức. Cái truyện Nông nổi cù lao với nhân vật Bảy đòn gánh đặc sắc tiêu biểu cho một thời mê muội, ấu trĩ dẫn đến bao nhiêu chuyện bi hài khiến nhiều bạn đọc phát sốt, đua nhau tìm đọc. Nhưng Khánh không tận dụng lúc tên tuổi đang “hot” để in và quảng bá tác phẩm. Anh vẫn giữ phong thái đủng đỉnh, nhẩn nha khiến người ta sốt ruột, để rồi truyện ngắn nào của anh xuất hiện trên báo cũng gây một hiệu ứng nho nhỏ.
* Đọng lại là chữ tình
Người ta đọc, nhớ truyện của Khánh bởi cá tính “không giống ai” từ giọng điệu tưng tửng, thật giả lẫn lộn, những chi tiết “độc”, cách tạo dựng nhân vật khác thường trong những cảnh huống bình thường. Đối với người viết, trí tưởng tượng là tài năng, trời cho Dương Đức Khánh một năng lực tưởng tượng, hư cấu dồi dào. Trong không gian sinh tồn xô bồ, bức bách của dân nghèo, với độ mẫn cảm như “cái ra đa”, anh bắt lấy một chi tiết thật nào đó rồi nhào nặn, tung hứng theo ý mình. Nhờ khả năng biến hóa tài tình mà nhân vật nào của Khánh cũng sống động, từ cái tên “cúng cơm” nôm na đến ngoại hình, tính cách, những thói tật… khiến họ trở thành “độc nhất vô nhị”.
Nghề văn nhọc nhằn. Để kiến tạo một thế giới nhân vật độc đáo, khác biệt, chinh phục được bạn đọc khó tính, ngoài tài năng, Dương Đức Khánh vô cùng nhẫn nại và đam mê. Anh được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá là một trong số những người viết truyện ngắn xuất sắc và thành công nhất của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, được bạn đọc cả nước biết tiếng. Thử thách vẫn đang đợi anh… |
Đó là cô Út Đẹt có chồng vẫn thậm thụt hẹn hò với trai trong vườn chuối (Họa sĩ làng), là anh chàng Trần Khỉ chuyên vẽ tranh… thờ (Họa sĩ làng), là anh Ích cụt một chân vẫn ham tập võ (Võ thần), là anh chàng Tư Đực ham theo Việt Minh đánh đuổi Nhật, Pháp, tự chế súng không cần có… chỗ lắp đạn, lý giải rằng mình làm thợ mộc, chỉ biết có vậy (Cuộc xử tội trước rạng đông)…
Dương Đức Khánh có biệt tài quan sát và miêu tả. Chỉ vài nét, anh đã vẽ chân dung nhân vật vô cùng ấn tượng: “Anh cao to lực lưỡng như dân châu Âu. Gương mặt anh cũng có nét phương Tây, màu mắt nâu nâu dài dại. Hút nhất ở anh là cái mảng râu với tóc, màu tóc tàn tro pha những sợi bạch kim, gợn bồng bềnh như mây trên đầu… (Khăn điều vắt vai). Bạn đọc khó có thể quên cảnh thầy lang Tư Nhánh chữa bệnh: “Thầy nắm 2 tay người bệnh như chéo cánh gà rồi bất thần tống một đạp vô lưng kêu cái rốp, người bệnh nhảy dựng lên, mắt nổ đom đóm, la làng” (Thầy đạp).
Đây là cảnh nhân vật Ích cụt học võ: “Anh búng chân một phát lộn mấy vòng giáp sân rồi phóng qua hàng rào chè tàu cái vèo, nhẹ nhàng như con mèo, còn cái chân lành của anh vững như chân trâu đực, nện bình bịch như giã chày xuống sân” (Võ thần). Còn đây là cảnh sống phấp phỏng, nơm nớp lo âu của người nông dân trong vùng tạm chiếm trước giải phóng: “Tối ngày sấp mặt ngoài đồng, chiều về chưa kịp chao cặp cẳng lấm bùn, lùa vội miếng cơm, cột vội cái cửa chuồng trâu là mấy ông mấy bác í ới nhau, ba chân bốn cẳng cho kịp tập trung, chậm trễ là ăn phạt” (Hình nhân thế mạng)…
Trong các tập truyện ngắn của Khánh không thiếu những đoạn văn thú vị như vậy, người ta đọc rồi nghiền ngẫm, chiêm nghiệm, đôi khi ngồi cười một mình vì cái hóm, cái láu lỉnh dễ thương của người viết. Anh chủ yếu viết về người nghèo, truyện nào cũng có yếu tố hài, gây cười, nhưng kèm theo nụ cười luôn là cái thở dài xót xa đồng cảm của tác giả. Nói cách khác, cốt lõi truyện ngắn của Khánh là tư tưởng nhân văn.
Một bác Nậy giận tím mặt tên Bằm phó ấp an ninh nổi tiếng tác oai tác quái “hành” dân, đã “quay mũi súng nhắm ngay hắn” mà cuối cùng tha bổng, không bóp cò chỉ vì “ tội nghiệp hắn còn bầy con dại” (Hình nhân thế mạng). Một gã Hai Đồi nghèo kiết xác, thương con gái có mỗi chiếc áo thun màu cháo lòng đã nghĩ ra cách nhuộm áo mỗi ngày một màu cho con khỏi tủi (Người bốc cháy). Một nghệ sĩ vườn Nguyễn Văn Ro chỉ ước sao có tiền mua dàn trống và cây đàn điện tử để hát hò văn nghệ nhưng phải sinh nhai bằng nghề bán tủ dạo, bị bắt giam vì những lý do không đâu...
Nhân vật nào cũng được Dương Đức Khánh dành cho sự bao dung, cảm thông sâu sắc, bởi vậy mà đọc truyện của anh, điều đọng lại trong lòng bạn đọc luôn là chữ “tình”.
Hoàng Ngọc Điệp