Mỗi độ Tết đến xuân về, cùng với các phong tục cổ truyền khác, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh đã có thói quen tìm mua những câu đối đỏ, những bức thư pháp để treo trong nhà.
Mỗi độ Tết đến xuân về, cùng với các phong tục cổ truyền khác, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh đã có thói quen tìm mua những câu đối đỏ, những bức thư pháp để treo trong nhà.
Ông đồ trẻ Thái Hoàn bên những tác phẩm thư pháp. Ảnh: L.Na |
Nét chữ thư pháp uyển chuyển, mềm mại chứa đựng trong đó những ước vọng về một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn và hạnh phúc. Và hơn hết, thư pháp đầu xuân là dịp để khai bút, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo.
* Thu hút người trẻ viết thư pháp
Vài năm gần đây, hình ảnh “ông đồ” trẻ Thái Hoàn (sinh năm 1990) ngồi viết thư pháp trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ tổ chức tại Văn miếu Trấn Biên hay ở các không gian công cộng trên địa bàn TP.Biên Hòa đã trở nên quen thuộc. Hàng trăm bức thư pháp trên nhiều chất liệu khác nhau của Thái Hoàn được trao tay người nhận, giới thiệu rộng rãi với công chúng.
Thái Hoàn cho biết, anh cảm thấy rất vui vì những tác phẩm của mình được trao tặng đến tay nhiều người. Bởi với anh, thư pháp là tình yêu, giúp anh được thỏa đam mê bay bổng cùng con chữ. “Tôi cảm thấy hạnh phúc được truyền tải thông điệp cuộc sống, “thú chơi” tao nhã này đến mọi người. Điều đó chứng tỏ hiện nay vẫn có rất nhiều người quan tâm và yêu thích thư pháp. Hơn nữa, việc cho chữ thư pháp còn là sự sẻ chia cùng mọi người tình yêu, niềm đam mê của tôi” - Thái Hoàn chia sẻ.
Cũng như Thái Hoàn, hình ảnh “chị đồ” trẻ Nguyễn Yến Oanh (sinh viên Sư phạm tiểu học, Trường đại học Đồng Nai) bày mực tàu, giấy đỏ ở một góc sân Nhà thiếu nhi Đồng Nai vào các dịp Tết đến, xuân về cũng dần trở nên quen thuộc với những người yêu thư pháp. Chỉ với khóa luyện thư pháp 2 tháng từ năm lớp 9, cùng với việc chịu khó tìm tòi, học hỏi, giờ đây Yến Oanh đã viết đẹp và cho chữ thành thạo.
Yến Oanh tâm sự: “Tham gia các hoạt động cho chữ trong những dịp lễ, Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu cho thiếu nhi đem lại cho em nhiều niềm vui. Hầu hết, thư pháp tặng (miễn phí) thiếu nhi viết đơn giản, thường thì viết trên phong bao lì xì, trên quạt giấy… nhưng mỗi lần nhận quà, các em nhỏ rất thích thú, nâng niu. Đó là động lực để em gắn bó hơn với thú cho chữ này”.
Có “thâm niên” 9 năm viết thư pháp, cứ mỗi dịp xuân về, Trần Minh Nhựt (sinh viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM) lại lặng lẽ với mực tàu, giấy đỏ viết thư pháp. Ngoài viết chữ, Minh Nhựt còn có khả năng vẽ tranh và viết chữ kết hợp trên một bức tranh mà nhiều người vẫn thường gọi là thư họa. Hằng năm, tại các không gian thư pháp của Nhà thiếu nhi Đồng Nai, hay tại phố “ông đồ” ở công viên P.Quyết Thắng, Minh Nhựt với áo dài, khăn đóng, nghiêm cẩn ngồi viết thư pháp giữa rất đông người trẻ vây quanh mình.
Minh Nhựt cho hay, em thích thư pháp từ hồi còn học sinh. Vào đại học, em theo phụ thầy giáo viết thư pháp tại phố “ông đồ” rồi thường xuyên đi viết thư pháp trong các hoạt động phục vụ cho thiếu nhi vừa để rèn luyện vừa để thỏa niềm đam mê. Minh Nhựt bộc bạch: “Ngày đầu năm mới, thay vì lì xì hay biếu quà cho người thân, em thường chọn cách tặng chữ. Những lời chúc, câu đối… bằng thư pháp trên các chất liệu như: giấy, vải, gỗ không có giá trị về mặt vật chất nhưng lại là món quà tinh thần hết sức ý nghĩa. Qua thư pháp gắn kết mọi người xích lại gần với nhau hơn”.
* Nét đẹp văn hóa trong phong tục Tết
Không gian thư pháp không chỉ là nơi để khoe với công chúng những tác phẩm thư pháp đẹp mà còn là nơi các nhà thư pháp trổ tài tặng chữ cho khách. Trên nền giấy đỏ, giấy hồng - những màu sắc tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành, hàng trăm bức thư pháp với lời cầu chúc sức khỏe, gia đạo bình an và hạnh phúc... đã và đang dần được lan tỏa. Các ông đồ, dù già, dù trẻ khi cầm bút đều tỉ mỉ khi cho chữ. Họ không viết vội, không viết ẩu và đôi khi còn dành nhiều thời gian để giảng giải cho khách ý nghĩa của từng chữ cho đi.
Thú vui cho chữ hôm nay được xem là một trong những nét đẹp văn hóa trong phong tục ngày Tết cần gìn giữ trong những ngày xuân. Có “thâm niên” viết thư pháp ngày Tết ở Biên Hòa - Đồng Nai, “ông đồ già” Hoàng Đình Nguyễn cho biết, nét đẹp văn hóa cho chữ và xin chữ đầu năm vài năm trở lại đây đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Đồng Nai nói riêng và người Việt nói chung. Hình ảnh những ông đồ phục vụ nhu cầu xin chữ của người dân tại một góc phố nhỏ, ở trường học hay trước sân chùa đã góp phần tạo điểm nhấn cho ngày xuân thêm phần thú vị.
Ông đồ Hoàng Đình Nguyễn chia sẻ rằng, mỗi nét chữ cho đi, người nhận mong được tài, lộc, may mắn, sức khỏe, bình an và hạnh phúc trong năm mới; ước vọng thông qua chữ sẽ được hưởng phúc đức, tài năng của người cho chữ. Còn người cho chữ lại gửi gắm nỗi niềm, mong muốn sẽ giữ mãi nét đẹp phong tục xưa, tết xưa trong nhịp sống hiện đại, cùng khát vọng vươn tới chân - thiện - mỹ.
Xuân đã gõ cửa từng nhà. Vào thời điểm này, khắp các địa phương trong tỉnh, các chùa chiền đã và đang diễn ra nhiều hoạt động vui chơi giải trí, các lễ hội đầu năm mới. Cùng với đó, tục cho chữ cũng diễn ra sôi nổi, nhiều người lại rộn ràng rủ nhau đi xin chữ cầu lộc, tài và may mắn. Bằng tình yêu, đam mê cùng thư pháp, các ông đồ trên địa bàn tỉnh góp phần gìn giữ và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống. Qua đó, giúp mọi người nhớ về Tết xưa để thêm trân trọng Tết nay cùng những giá trị văn hóa tinh thần mà cha ông ta để lại.
Ly Na