Báo Đồng Nai điện tử
En

Người 'có duyên' với chiếu phim lưu động

10:10, 30/10/2020

Chiếu phim lưu động là một trong những nghề vất vả, khi phải thường xuyên làm việc vào buổi tối, đến các vùng sâu, vùng xa.

Chiếu phim lưu động là một trong những nghề vất vả, khi phải thường xuyên làm việc vào buổi tối, đến các vùng sâu, vùng xa.

Đội trưởng Đội chiếu phim số 1 Trần Công Tư đang chỉnh sửa máy chiếu, chiếu phim phục vụ bà con. Ảnh: Ly Na
Đội trưởng Đội chiếu phim số 1 Trần Công Tư đang chỉnh sửa máy chiếu, chiếu phim phục vụ bà con. Ảnh: Ly Na

Thế nhưng, bằng tình yêu và trách nhiệm với nghề, đội ngũ những người chiếu phim lưu động, trong đó có anh Trần Công Tư, Đội trưởng Đội chiếu phim số 1 thuộc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh, đã nỗ lực, sáng tạo đưa các sản phẩm văn hóa, điện ảnh đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa.

1. Anh Tư cho biết, anh sinh ra ở quê lúa Thái Bình nhưng có duyên và gắn bó cuộc đời mình với Đồng Nai. Từ khi còn rất nhỏ, anh đã thích xem phim và bóng đá qua màn ảnh, vậy nên anh thường xuyên theo chân các đoàn chiếu bóng, biểu diễn nghệ thuật lưu động đi khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh để phục vụ nhân dân.

Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Ngô Xuân Hà cho biết: “Là đội trưởng, anh Trần Công Tư rất nhiệt tình, trách nhiệm và say mê với công việc. Một khi đã lên chương trình, thông báo sẵn trước bà con rồi thì dù trời nắng hay mưa, anh Tư cũng động viên anh em trong đội thực hiện tốt nhiệm vụ để giữ chữ tín, niềm tin với bà con”.

Những năm 2000, khi Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh chính thức xây dựng 4 đội chiếu bóng lưu động để phục vụ bà con, anh Tư được phân công về Đội số 1 cùng anh em trong đội phụ trách chiếu phim tại các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất và Vĩnh Cửu. “Thời gian ấy, chúng tôi đi chiếu phim bằng xe đạp, rồi chuyển qua xe máy, có ngày chạy cả hơn 70km để đến được với bà con vùng sâu, vùng xa. Trang thiết bị chiếu phim hồi đó cũng rất thô sơ. Mỗi tối chiếu phim xong, về đến nhà đã 3-4 giờ sáng” - anh Tư chia sẻ.

Sau nhiều năm hoạt động, anh Tư được anh em trong đội tín nhiệm, bầu làm Đội trưởng Đội chiếu phim số 1. Hiện, đội của anh Tư gồm 4 người. Mỗi nơi Đội chiếu phim số 1 đến, các thành viên trong đội đều được bà con chào đón, quý mến. Người dân ở các điểm chiếu phim dần quen thuộc với các thành viên, họ vẫn thường gọi anh Tư với cái tên thân thương: “anh Tư chiếu phim”.

2. Đến với nghề chiếu phim vì đam mê, nhưng để “sống” được với nghề rất cần sự cần mẫn, chịu khó, nhất là khi đời sống của đội ngũ những người làm công tác văn hóa nói chung và người chiếu phim lưu động nói riêng trước đây gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân anh Tư, lúc mới vào nghề cũng rất “chật vật” bởi đồng lương ít ỏi. Và cho đến tận bây giờ, anh Tư nói rằng, anh luôn cảm thấy may mắn khi có thể dung hòa cả nghề lẫn cuộc sống.

Gần 30 năm gắn bó với chiếu phim lưu động, anh Tư kể anh có rất nhiều kỷ niệm: “Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, biểu diễn văn nghệ, chiếu bóng phục vụ nhân dân đều có bán vé, các điểm chiếu luôn rực sáng ánh đèn mỗi tối. Người đến mua vé xem đông như đi hội. Hiện nay, các hoạt động chiếu phim lưu động đều miễn phí nhưng do các phương tiện thông tin đại chúng phát triển, nên người xem dần thưa thớt”.

Để thu hút người dân, anh Tư cùng các thành viên trong Đội chiếu phim số 1 không ngừng cải tiến, đổi mới hình thức như: mở karaoke phục vụ bà con giải trí trước khi chiếu; gắn các bản tuyên truyền chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội xung quanh điểm chiếu hay đơn giản là lựa chọn những bộ phim hay, có khi thuyết minh bằng cả tiếng Kinh và tiếng các đồng bào dân tộc thiểu số...

3. Bước sang tuổi 52, tóc đã hoa râm, tay chân cũng không còn dẻo dai, nhanh nhẹn như thời còn trẻ, nhưng anh Tư vẫn vẹn nguyên niềm đam mê với nghề. Anh bảo, nghề này vất vả lắm. Ngày trước khi chưa có ô tô, phải đi dài ngày, có khi cùng ăn, cùng ở và sinh hoạt với người dân. Do vậy, nếu không thực sự đam mê thì không thể nào theo đuổi lâu dài được.

“Mặc dù thường xuyên làm việc ban đêm nhưng các đội chiếu phim lưu động trên địa bàn tỉnh hiện nay đã được ngành Văn hóa trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại, có xe ô tô vận chuyển nên đã đỡ vất vả hơn rất nhiều. Ở mỗi điểm chiếu, chứng kiến niềm vui của người dân khi được xem phim, thoải mái biểu diễn văn nghệ… anh em trong đội lại quên hết mệt nhọc. Những lời chào, nụ cười của người dân trước khi ra về là nguồn động viên lớn để chúng tôi gắn bó hơn với nghề” - anh Tư bộc bạch.

Thông qua cái bắt tay, chúng tôi có thể cảm nhận được sự “thô ráp”, “chai sạn”  của đôi bàn tay hằng ngày gắn bó với máy móc, thiết bị, bưng bê bàn ghế… để góp phần đưa ánh sáng văn hóa tới người dân, những vùng còn nhiều khó khăn của tỉnh. Qua đó, mới sâu sắc nhận ra con đường để đến với chiếu phim lưu động không hề bằng phẳng. Con đường ấy cần được vượt qua bằng tình yêu, đam mê và cả nghị lực, ý chí không lùi bước.

Ly Na

Tin xem nhiều