Hàng chục công trình văn hóa như: nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện hay các công trình công cộng trên địa bàn tỉnh những năm gần đây được chú trọng đầu tư, nâng cấp và đưa vào sử dụng.
Hàng chục công trình văn hóa như: nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện hay các công trình công cộng trên địa bàn tỉnh những năm gần đây được chú trọng đầu tư, nâng cấp và đưa vào sử dụng.
Công trình Đền thờ liệt sĩ H.Nhơn Trạch sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng thu hút đông đảo người dân và du khách đến dâng hương, tham quan. Ảnh: Ly Na |
Hoạt động này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây không chỉ là địa điểm để tổ chức hoạt động và sinh hoạt văn hóa của nhân dân mà còn góp phần gìn giữ và phát huy hiệu quả, giá trị các công trình.
* Khởi sắc các công trình văn hóa
Bắt đầu từ chủ trương, kế hoạch của UBND tỉnh là tiếp nối mạch nguồn văn hóa Thăng Long - Hà Nội; tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tinh thần hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo, trọng nhân tài của dân tộc… Vườn tượng Danh nhân văn hóa Trấn Biên được triển khai thực hiện và đi vào hoạt động từ cuối năm 2015. Vườn tượng gồm 13 danh nhân văn hóa dân tộc, trong đó tượng chính là vua Lý Thái Tổ.
Các tượng danh nhân được trưng bày trong vườn tượng đều được chế tác bằng chất liệu đá xanh Bửu Long. Nguồn kinh phí chủ yếu từ sự đóng góp của các doanh nghiệp, cá nhân và của các em học sinh thông qua phong trào Kế hoạch nhỏ do Tỉnh đoàn và Sở
GD-ÐT phát động trong 4 năm
(2015-2018).
Cuối năm 2016, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Phá khám Tân Hiệp và khánh thành di tích nhà lao Tân Hiệp. Di tích được trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục như: di dời, nâng kích cổng chính, bia tưởng niệm, xây dựng nhà trưng bày; miếu thờ liệt sĩ, nhà sinh hoạt truyền thống, cổng phụ… Tổng kinh phí đầu tư hơn 24 tỷ đồng, trong đó, ngân sách của tỉnh gần 20 tỷ đồng; chương trình mục tiêu quốc gia 800 triệu đồng và nguồn huy động xã hội hóa là 3,5 tỷ đồng.
Dự án xây dựng Cụm tượng đài và Nhà lưu niệm truyền thống tại Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) được khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 2-2018. Cụm tượng đài Căn cứ U1 Biên Hòa cao 21,4m, có 9 nhân vật (là các lực lượng tham gia kháng chiến). Công trình nhìn từ xa giống như đài lửa vĩnh cửu, trong đó phần đài là dãy phù điêu và cụm tượng đài ngọn lửa thể hiện sự đoàn kết gắn bó giữa các lực lượng bộ binh, pháo binh; sự góp sức của cơ sở cách mạng nhân dân các dân tộc Kinh, Hoa, Nùng với các hoạt động giao liên, cứu thương trên địa bàn căn cứ giai đoạn ác liệt nhất (1965-1975).
Giữa tháng 4-2019, TP.Long Khánh đã khánh thành công trình cải tạo nâng cấp Công viên bia Chiến thắng Long Khánh tại P.Xuân An với kinh phí hơn 5,3 tỷ đồng; hay H.Long Thành đã khánh thành Đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng và anh hùng liệt sĩ tại xã Phước Bình với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng, khánh thành vào tháng 10-2020.
Hiện tại, Bảo tàng tỉnh đang thực hiện công trình sửa chữa, chống thấm bảo tàng và làm nhà bao che, vệ sinh bảo quản hiện vật gốc ngoài trời. Nguồn kinh phí từ ngân sách của tỉnh.
Trong giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn tỉnh có hàng chục nhà văn hóa, Trung tâm Văn hóa thể thao - học tập cộng đồng được xây mới, tu sửa theo đúng quy định. Việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa với đầy đủ sân tập thể thao đơn giản và các công trình phụ trợ như: vườn hoa, tường rào bảo vệ, một số thiết bị của hội trường có tính đa năng hơn để hoạt động văn hóa, văn nghệ và tổ chức hội họp, học tập... góp phần từng bước hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đưa Đồng Nai về đích nông thôn mới năm 2019.
* Phát huy giá trị các công trình
Không chỉ ở tỉnh mà các địa phương cũng rất quan tâm đến công tác quy hoạch sử dụng đất, xây dựng các công trình văn hóa, thiết chế văn hóa để tạo điều kiện cho người dân đến vui chơi, tập luyện, tham quan. Với những dự án, ngoài nguồn vốn ngân sách cấp hằng năm, Đồng Nai còn đẩy mạnh huy động xã hội hóa, kêu gọi các cá nhân, đơn vị và doanh nghiệp cùng chung tay.
Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên Trần Trung Tuyến cho biết, từ khi công trình vườn tượng danh nhân đi vào hoạt động đến nay đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, nhân dân và du khách thập phương đến Văn miếu tham quan, học tập. Đây là một trong những công trình mỹ thuật đẹp, công phu và có sức lan tỏa sâu rộng. Công trình vườn tượng góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Tuy nhiên, để sử dụng có hiệu quả các công trình, nhất là các thiết chế văn hóa ở cơ sở, tránh lãng phí, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, thái độ ứng xử phù hợp cho công chúng, các đơn vị liên quan cần đầu tư nhiều hơn cho đội ngũ cán bộ, người quản lý để các công trình luôn tổ chức nhiều hình thức hoạt động mới mẻ, hấp dẫn. Việc ưu tiên nguồn lực đầu tư cho văn hóa và các thiết chế văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân. Điều này góp phần phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại vào đời sống xã hội.
Ly Na