Câu chuyện bị chép, đạo tranh không còn xa lạ đối với nhiều người yêu nghệ thuật.
Câu chuyện bị chép, đạo tranh không còn xa lạ đối với nhiều người yêu nghệ thuật.
Nhiều tác phẩm hoa sen của nghệ sĩ Dương Quốc Định bị sao chép, đạo nhái |
Mặc dù nhiều vụ việc bị phát hiện và xử lý nhưng vấn nạn này vẫn tiếp diễn với tần suất ngày càng nhiều hơn, ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Đồng Nai.
* Sao chép, đạo nhái tràn lan
Giữa tháng 7-2020, câu chuyện đạo nhái tác phẩm để tham dự cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền - văn hóa Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của một họa sĩ khiến dư luận xôn xao. Cụ thể, bức tranh Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng của họa sĩ D.N.H. dự thi giống hệt tác phẩm cổ động của một họa sĩ Ukraine công bố năm 2015. Khi bị phát hiện, họa sĩ D.N.H. đã lên tiếng nhận lỗi về hành động vay mượn ý tưởng, nội dung của tác phẩm khác để biến thành tác phẩm của mình.
Nghệ sĩ Dương Quốc Định cho biết: “Hằng ngày, tôi vẫn thường nghe các học trò và những người bạn của mình kể rằng đã phát hiện ở phòng tranh này, phòng tranh kia có tác phẩm của tôi bị sao chép. Các tác phẩm bị sao chép khá nhiều, chủ yếu là những bức ảnh chụp hoa sen. Tôi cho rằng, nạn sao chép này đã trở thành vấn nạn của xã hội. Nếu như trước đây, tôi khá khó chịu và sẽ có phản ứng thì sau này, tôi trộm nghĩ rằng thôi, với nhiều người lấy việc sao chép là phương tiện sống, thì âu cũng là cái phước của mình”. |
Cuối tháng 8-2020, nhiếp ảnh gia Lê Bích - một trong số ít nhiếp ảnh gia Việt Nam theo đuổi đề tài về các làng nghề truyền thống của dân tộc có bức ảnh Ngày xuân ở Lao Xa chụp 2 đứa trẻ miền sơn cước đã bị một họa sĩ sao chép và chuyển thể trên chất liệu sơn mài. Sau khi nhiếp ảnh gia Lê Bích phát giác và phản hồi với phòng tranh bày bán tác phẩm của mình thì được biết, đó là bức tranh sơn mài được một họa sĩ ký gửi. Trước sự việc này, phòng tranh cũng đã gửi lời xin lỗi tới nhiếp ảnh gia Lê Bích và gỡ tác phẩm trên trang mạng.
Ở Đồng Nai, nhiều tác phẩm nhiếp ảnh, hội họa của nghệ sĩ Dương Quốc Định (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cũng bị các đơn vị, nghệ sĩ khác trong và ngoài nước “biến hóa”, sao chép thành tranh. Nghệ sĩ Dương Quốc Định cho biết, hiện nhiều tác phẩm ảnh nude art, ảnh hoa sen của ông sau khi công bố bị một số nơi tự ý chép thành tranh tường trang trí hoặc chào bán công khai trên mạng, bất chấp quy định về sở hữu trí tuệ.
“Tác phẩm của tôi không chỉ bị đạo nhái trong nước mà cả ở nước ngoài. Đơn cử như, có thời gian tôi qua Mỹ để giảng dạy nhiếp ảnh, tôi phát hiện 1 tác phẩm ảnh của mình sử dụng trên một đĩa truyện dài với tên gọi là Hồng nhan. Tôi đã đích thân nói chuyện với giám đốc công ty đó về câu chuyện bản quyền và mong muốn tác giả sao chép gửi lời xin lỗi tôi. Hay đó là câu chuyện một công ty ở TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng xâm phạm bản quyền nhiều tác phẩm ảnh nude art của tôi, chuyển thể sang tranh thêu mà không xin phép...” - nghệ sĩ Dương Quốc Định kể.
* Cần tôn trọng bản quyền trí tuệ
Có một thực tế là hiện nay, tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam diễn ra khá phổ biến trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực nghệ thuật. Trưởng ban Mỹ thuật Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai Phạm Công Hoàng cho biết, hoạt động sao chép, đạo tác phẩm tranh, tượng hay nhiếp ảnh không chỉ trở thành nỗi nhức nhối của ngành Nghệ thuật mà còn trở thành vấn nạn chung của xã hội. Chỉ cần kết nối internet và một số thiết bị công nghệ thì việc sao chép sẽ trở nên dễ dàng hơn.
“Hoạt động sao chép, đạo tác phẩm nghệ thuật hiện nay diễn ra khá nhiều song chúng ta chưa có biện pháp để giải quyết một cách triệt để. Các tác phẩm được sao chép, đạo nhái phần lớn là những tác phẩm đoạt các giải thưởng từ những cuộc thi quy mô trong và ngoài nước. Mặc dù được phát giác, truyền thông vào cuộc đưa tin, phản ánh, tuy nhiên chỉ được một thời gian, sau khi thu hồi các giải thưởng thì sự việc sao chép, đạo nhái tác phẩm lại dần chìm đi” - họa sĩ Phạm Công Hoàng chia sẻ.
Theo nghệ sĩ Phạm Văn Út (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa), việc sao chép, đạo tác phẩm nghệ thuật thiệt thòi đầu tiên là thuộc về tác giả, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến uy tín của nền mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam. Bởi vậy, bản thân mỗi người làm nghệ thuật cần có ý thức tôn trọng bản quyền tác phẩm. Với những “đứa con tinh thần” tâm huyết, các nghệ sĩ nên lưu trữ cẩn thận trong quá trình sáng tác, phải thấu hiểu về luật và tiến hành đăng ký bản quyền sản phẩm do mình sáng tạo.
Nhiều người cho rằng, việc kiểm định tác phẩm nghệ thuật bị sao chép, đạo nhái hiện nay không phải dễ dàng, mất nhiều thời gian, công sức cho cả tác giả lẫn cơ quan chức năng. Đối với vấn nạn này, các tác giả, nhà sản xuất cần có một thái độ quyết liệt, theo đuổi đến cùng vụ kiện khi đưa các vụ vi phạm bản quyền ra trước pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Các ngành tăng cường hơn nữa công tác quản lý, đẩy mạnh việc phổ biến và theo dõi việc nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của hệ thống pháp luật về bản quyền. Nếu có những vi phạm cần có chế tài và khung pháp lý phù hợp, kịp thời định hướng thị trường, dư luận.
Ly Na