Báo Đồng Nai điện tử
En

Trùng tu di tích Văn miếu Trấn Biên: Giữ gìn các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống

10:07, 06/07/2020

Cách nay hơn 300 năm, Văn miếu Trấn Biên đã được Chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng với ý nghĩa nối tiếp, kế thừa truyền thống văn hiến Thăng Long - Hà Nội gắn liền với sự nghiệp mở mang bờ cõi của dân tộc.

Cách nay hơn 300 năm, Văn miếu Trấn Biên đã được Chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng với ý nghĩa nối tiếp, kế thừa truyền thống văn hiến Thăng Long - Hà Nội gắn liền với sự nghiệp mở mang bờ cõi của dân tộc.

Đại diện các sở, ngành khảo sát các hạng mục xuống cấp cần được trùng tu tại di tích Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: L.Na
Đại diện các sở, ngành khảo sát các hạng mục xuống cấp cần được trùng tu tại di tích Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: L.Na

Sau các đợt phục dựng và nhiều năm hoạt động, đến nay một số hạng mục công trình của Văn miếu đã xuống cấp nghiêm trọng cần được trùng tu, tôn tạo nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách tham quan.

* Di tích cấp quốc gia đã xuống cấp

Theo các tài liệu lịch sử ghi chép, kể từ khi xây dựng, Văn miếu Trấn Biên được trùng tu 2 lần vào năm 1794 và 1852 với quy mô lần sau lớn hơn lần trước. Năm 1861, sau khi chiếm Nam kỳ, thực dân Pháp đã phá hủy hoàn toàn Văn miếu Trấn Biên nhằm hủy hoại một biểu trưng về văn hóa của xứ Đồng Nai nói riêng và phương Nam nói chung. Năm 1998, Văn miếu mới được khởi công khôi phục nơi vị trí cũ, hoàn thành vào năm 2002 và trở thành một thiết chế văn hóa tâm linh, nơi báo công, tuyên dương những giá trị văn hóa, khoa học, giáo dục… của Đồng Nai.

Sở VH-TTDL vừa tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá thực trạng di tích trên địa bàn 2 thành phố: Biên Hòa và Long Khánh. Theo đó, đại diện các sở, ngành và địa phương đã đến khảo sát tại di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn (TP.Long Khánh) và di tích Văn miếu Trấn Biên (TP.Biên Hòa). Sau khảo sát, các đơn vị đã đánh giá thực trạng di tích, đề xuất chủ đầu tư hoàn thiện các bước theo đúng quy định Luật Di sản trước khi có đề xuất UBND tỉnh chấp thuận trùng tu, tôn tạo.

Văn miếu Trấn Biên dành nơi trang trọng nhất trong Nhà bái đường để thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc; thờ các nhà giáo, nhà văn hóa tiêu biểu khác của cả nước và vùng đất Nam bộ. Mỗi hạng mục của công trình Văn miếu đều thể hiện tâm huyết, tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai với truyền thống nhân văn và hiếu học của dân tộc. Bởi mang trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, Văn miếu Trấn Biên được Bộ VH-TTDL công nhận di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 2894/QĐ-BVHTTDL ngày 18-8-2016.

Hiện tại, nhiều hạng mục của Văn miếu đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ gây mất an toàn cho người dân và du khách thăm viếng nếu không được tu sửa kịp thời. Trong đó, Khuê Văn các do bị ngấm nước mưa nên kết cấu bê tông ở tầng trên không đảm bảo, thấm dột xuống tầng dưới. Nhiều mảng tường bong tróc, hệ thống cầu thang gỗ nứt gãy không đảm bảo an toàn. Tại Nhà đề danh, nền móng có hiện tượng sụt lún, khối ốp móng bị tách rời nền móng.

Ở hạng mục Nhà truyền thống, các mảng bê tông trần nhà bị bong tróc lớp vữa áo bê tông gây nguy hiểm cho người tham quan. Nền gạch ở Nhà bái đường sụt lún nghiêm trọng, nhiều viên gạch lát nền đã bị vỡ…

Để đảm bảo an toàn trong thời gian đón tiếp khách cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa diễn ra thường niên tại Văn miếu, Sở VH-TTDL đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát và lên phương án tu bổ, trùng tu di tích. Trong buổi khảo sát mới đây, các đơn vị đã thống nhất đề nghị tu sửa cấp thiết, kịp thời các hạng mục của Văn miếu.

* Để việc tu sửa cấp thiết đạt hiệu quả

Theo Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Hồng, để tu sửa có hiệu quả, trước mắt Văn miếu Trấn Biên cần rà soát lại các hạng mục, những chỗ bong tróc, thống kê về số lượng, đánh giá lại hiện trạng bên trong, bên ngoài của di tích. Đặc biệt, Văn miếu cần mời các đơn vị tư vấn, lập báo cáo kỹ thuật để có đề xuất cụ thể làm căn cứ tu sửa, tránh việc chắp vá trong quá trình thực hiện.

“Văn miếu Trấn Biên là địa chỉ thường xuyên tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của tỉnh. Do vậy, cần kịp thời tu sửa các hạng mục xuống cấp, nhất là ở Khuê Văn các - đây chính là “mặt tiền” của Văn miếu. Việc hạng mục này xuống cấp không chỉ gây mất mỹ quan mà còn để lại hình ảnh xấu trong mắt người dân và du khách tham quan. Đặc biệt, trong thời gian chờ đợi trùng tu, Văn miếu cần có biện pháp theo dõi, cảnh báo để đảm bảo an toàn” - bà Tuyết Hồng chia sẻ.

Về vấn đề kinh phí tu sửa cấp thiết di tích, theo đại diện Sở Tài chính, các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích khuyến khích nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, theo đề xuất nguồn kinh phí từ ngân sách của Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, Trung tâm cần có báo cáo chi tiết để ngành Tài chính xem xét, cân đối trước khi trình UBND tỉnh. Đối với các hạng mục bị nước mưa ngấm xuống sàn, Trung tâm xem xét đề xuất thêm chi phí kiểm định, tránh phát sinh nguồn ngoài dự toán.

Phó trưởng phòng VH-TTDL (Sở VH-TTDL) Trần Trọng Tá cho biết, việc trùng tu, tôn tạo di tích Văn miếu phải căn cứ theo Luật Di sản hiện hành. Để ngành Văn hóa có căn cứ trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên cần nhanh chóng có đánh giá chi tiết, ra tỷ lệ % các hạng mục và phải mời đơn vị tư vấn báo cáo kinh tế kỹ thuật.

“Tu sửa di tích có lịch sử văn hóa lâu đời như Văn miếu Trấn Biên, ngoài việc thực hiện theo quy định của pháp luật thì việc thành lập hội đồng nội dung và nghệ thuật, đồng thời lấy ý kiến của lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành là việc làm cần thiết. Việc trùng tu, tôn tạo di tích sẽ góp phần phát huy hiệu quả, giúp các di tích trường tồn cùng với thời gian, giữ gìn các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống cho các thế hệ mai sau” - ông Tá nhấn mạnh.   

                Ly Na

Tin xem nhiều