Câu chuyện về Bùi Xuân Huấn (còn gọi là Huấn "hoa hồng") những ngày gần đây bị Sở Thông tin - truyền thông (TT-TT) Hà Nội ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng vì đã tự ý xuất bản 2 cuốn sách có tên là Đệ nhất kiếm tiền và Bí kíp kinh doanh online đã thu hút sự chú ý của dư luận. Đây không phải là lần đầu tiên vấn nạn làm sách giả, sách lậu được phơi bày.
Câu chuyện về Bùi Xuân Huấn (còn gọi là Huấn “hoa hồng”) những ngày gần đây bị Sở Thông tin - truyền thông (TT-TT) Hà Nội ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng vì đã tự ý xuất bản 2 cuốn sách có tên là Đệ nhất kiếm tiền và Bí kíp kinh doanh online đã thu hút sự chú ý của dư luận. Đây không phải là lần đầu tiên vấn nạn làm sách giả, sách lậu được phơi bày.
Nhiều tập truyện trong bộ Trạng Quỳnh do NXB Đồng Nai ấn hành bị làm giả, in lậu tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Tây |
Đã có hàng trăm tựa sách bán chạy của các đơn vị xuất bản, trong đó có NXB Đồng Nai, bị in lậu, bán công khai trên thị trường. Vấn nạn này không chỉ khiến người mua sách bị thiệt mà còn ảnh hưởng lớn đến các tác giả, các đơn vị xuất bản.
* Sách giả, sách lậu tràn lan
Hai cuốn Đệ nhất kiếm tiền và Bí kíp kinh doanh online được Bùi Xuân Huấn đăng tải trên Facebook, tài khoản cá nhân, tự giới thiệu là tác giả, rao bán với giá 799 ngàn đồng/bộ. Ngay sau đó, Cục Xuất bản, Bộ TT-TT đã ra văn bản đề nghị sở TT-TT các tỉnh, thành và cơ quan chức năng có liên quan phối hợp làm rõ, vì cho rằng có nghi vấn vi phạm pháp luật trong sao in, phát tán thông tin trên mạng xã hội. Trên bìa cuốn sách được gắn tên NXB S.G. Huấn tự ý biên tập, xuất bản cuốn sách mà không hề có quyết định của NXB.
Theo Cục Xuất bản, in và phát hành, cả nước hiện có 59 nhà NXB, trong đó 49 NXB thuộc các cơ quan trung ương và 10 NXB địa phương. Lĩnh vực in, cả nước có trên 1.900 cơ sở in công nghiệp trên tổng số hơn 10 ngàn cơ sở in. Chỉ tính riêng năm 2019, toàn ngành xuất bản trên 33 ngàn cuốn sách với hơn 400 triệu bản sách. |
Đầu tháng 6-2020, tại Thừa Thiên - Huế, Hội chợ sách Viet Nam book fair tour 2020 cũng gây xôn xao dư luận khi nhiều độc giả phản ánh về tình trạng xuất hiện hàng loạt đầu sách in lậu gắn logo của một NXB ở TP.HCM được bày bán. Qua kiểm tra đã phát hiện 175 cuốn sách nằm ngoài danh mục được Sở TT-TT cấp phép bày bán tại hội chợ sách. Ngay lập tức, các cơ quan chức năng đã đóng cửa và dừng ngay hoạt động hội chợ sách này.
Còn nhớ, câu chuyện đình chỉ phát hành tiểu thuyết Mối chúa của nhà văn Tạ Duy Anh với bút danh Đãng Khấu năm 2017 cũng trở thành đề tài nóng bỏng trên các văn đàn. Việc đình chỉ phát hành sách khiến nhiều bạn đọc tò mò muốn biết Mối chúa viết gì mà bị cấm phát hành? Nhà văn Đãng Khấu là ai?... Và đương nhiên, bằng mọi giá bạn đọc phải truy tìm và mua bằng được Mối chúa. Đây là một trong những nguyên nhân khiến sách giả, sách lậu vẫn có “đất sống”.
Phó giám đốc NXB Đồng Nai Trương Văn Tuấn cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng xuất bản sách lậu tăng cao. Vì lợi nhuận cao mà không phải đóng thuế, không trả tiền bản quyền, không trả nhuận bút... khiến không ít người sẵn sàng tham gia vào mạng lưới in ấn, phát hành sách lậu. Bên cạnh đó, do chế tài xử phạt đối với hành vi này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, các cơ quan quản lý về xuất bản chưa kiên quyết. Đặc biệt là có sự tiếp tay từ cá nhân, đơn vị phát hành sách cũng như một bộ phận độc giả do chưa nhận thức được tác hại sâu xa, mua sách lậu giá rẻ.
* Cần sự chung tay của toàn xã hội
Theo Cục Xuất bản, in và phát hành, hiện tượng in lậu sách trên thị trường hiện nay khá phổ biến, hầu như ở tỉnh, thành nào cũng có và ngày càng diễn biến phức tạp. Mặc dù đã có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra phát hiện những kho sách lậu lớn nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để tình trạng này. Thậm chí, loại sách này ngày càng được làm tinh vi, lưu hành trên mạng xã hội rất khó kiểm soát, gây bức xúc không chỉ trong ngành xuất bản mà còn trong cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái của các cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với sách của NXB Đồng Nai, mảng sách bị nhái, xuất bản lậu ở thể loại: sách thiếu nhi và sách giáo khoa, tham khảo. Còn mảng sách văn học do không có nhiều tác phẩm nổi bật; hay mảng sách văn hóa, lịch sử, địa lý do chưa có sức hấp dẫn nên hầu như chưa ghi nhận tình trạng sách giả, sách nhái.
“Mảng sách thiếu nhi có bộ truyện tranh Trạng Quỳnh do NXB Đồng Nai ấn hành hơn 400 tập được phát hành rộng rãi trong cả nước. Vừa qua, chúng tôi đã phát hiện tình trạng in lậu bộ truyện này ở Đà Nẵng và một số tỉnh miền Tây. NXB Đồng Nai đã có văn bản và trực tiếp đến làm việc với cơ quan chức năng của các tỉnh trên để phối hợp xử lý” - ông Tuấn chia sẻ.
Sách giả, sách lậu được bán trên thị trường hiện nay có rất nhiều sai sót, nhất là hình ảnh không rõ ràng, bị nhòe, giấy mỏng và xấu. Nếu mua phải loại sách này, bạn đọc là người thiệt thòi vì sản phẩm kém chất lượng. Các tác giả có sách bị làm giả hay in lậu thì không được trả tiền tác quyền... Do vậy, để hạn chế xuất bản lậu cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, nhất là trong thời điểm cung ứng sách phục vụ mùa hè và chuẩn bị năm học mới này.
Cũng theo Phó giám đốc NXB Đồng Nai Trương Văn Tuấn, để ngăn chặn sách giả, sách lậu, việc phối hợp giữa các NXB, tác giả và cơ quan chức năng quản lý xuất bản hiện nay cần được tăng cường hơn nữa. Bên cạnh đó, cần cải tiến quy trình làm sách để tăng hiệu quả, chất lượng của xuất bản phẩm; đồng thời giảm giá thành để sách giả không còn “đất sống”. Tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các tầng lớp nhân dân để bạn đọc thận trọng khi mua và chọn đúng sách, nói không với sách in lậu. Đó cũng chính là cách để họ tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Công tác xuất bản, phát hành và kiểm duyệt là một trong những khâu quan trọng nhất trong ấn hành nhằm mang đến độc giả những tác phẩm chứa đựng tính nhân văn cao. Dĩ nhiên, công việc này ở các NXB lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn bởi họ là những “người lính gác cổng” trong thẩm đọc, thẩm bình và cảm thụ tác phẩm theo đúng định hướng nhận thức tư tưởng. Điều đó đòi hỏi năng lực, trí tuệ, bản lĩnh cũng như sự công tâm, khách quan, chủ động, nhạy bén của đội ngũ cán bộ chuyên trách, các biên tập viên đủ tầm, có tâm, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nhạy cảm này.
Ly Na