Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn hóa, nghệ thuật và du lịch thời 4.0

09:11, 24/11/2019

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những bước ngoặt lớn đang đặt ra không ít thách thức cho lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật (VH-NT) và du lịch.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những bước ngoặt lớn đang đặt ra không ít thách thức cho lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật (VH-NT) và du lịch.

Giáo viên và học sinh Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai ứng dụng công nghệ để sáng tạo tác phẩm. Ảnh: Ly Na
Giáo viên và học sinh Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai ứng dụng công nghệ để sáng tạo tác phẩm. Ảnh: Ly Na

Việc nắm bắt cơ hội, khắc phục hạn chế của công nghệ để đưa VH-NT và du lịch phát triển theo xu thế nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc đang là yêu cầu đặt ra, được cộng đồng quan tâm.

* Chuyển mình để hòa nhập

Theo Phó trưởng phòng Đào tạo Trường cao đẳng VH-NT Việt Bắc (tỉnh Thái Nguyên) Nguyễn Thị Thoa, VH-NT đã và đang có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước. Đặc biệt, công nghệ 4.0 đã tác động sâu sắc đến các lĩnh vực hoạt động VH-NT. Vì thế, các trung tâm, đoàn nghệ thuật phải chuyển mình để hòa nhập với thời kỳ hội nhập văn hóa.

“Các chương trình nghệ thuật hiện nay không đơn thuần là biểu diễn theo hình thức văn nghệ quần chúng mà đã ứng dụng khoa học công nghệ trong biểu diễn. Điều này buộc các đơn vị hoạt động nghệ thuật phải thay đổi cách làm, cách nhìn nhận vấn đề mới có thể theo kịp được nhịp sống hiện đại. Nếu ngay từ trong nhà trường chỉ đào tạo theo kiểu cũ, không thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận cái mới thì sẽ tạo ra một thế hệ chậm chạp, hạn chế về năng lực cá nhân…” - bà Thoa chia sẻ.

ThS.Huỳnh Hồng Diễm, Trường trung cấp múa TP.Hồ Chí Minh cho biết, ở khu vực phía Nam, vài năm trở lại đây lĩnh vực tổ chức sự kiện VH-NT phát triển mạnh mẽ. Nhờ đó nghệ thuật múa có cơ hội để phát triển, được “đại chúng hóa” một cách sâu rộng và nhanh chóng. Tuy nhiên, để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nghệ thuật biểu diễn phải có sự chuyển đổi, ứng dụng công nghệ để phát triển. Điều đó đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ phải luôn luôn sáng tạo, biến công nghệ 4.0 thành công cụ để thể hiện những hình tượng con người ở thời đại, gần gũi và sống động.

Đối với lĩnh vực du lịch, ThS.Lâm Minh Quý, giảng viên Trường cao đẳng du lịch Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) khẳng định, cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của du lịch, thúc đẩy du lịch chuyển dịch theo mô hình “du lịch thông minh”. Việc số hóa cơ sở dữ liệu du lịch đem đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn với chi phí hợp lý và thường thấp hơn so với các dịch vụ truyền thống.

Bên cạnh đó, công nghệ giúp doanh nghiệp lữ hành dễ dàng kết nối tour, tuyến nhằm tăng lượng khách và tăng hiệu suất kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, biến du lịch trở thành một ngành công nghiệp hoạt động không ngừng nghỉ, khai thác hết công suất. Quản lý khách sạn, nhà hàng cũng trở nên dễ dàng hơn khi các thiết bị được kết nối, robot thông minh có thể thay thế các công việc đơn giản như lễ tân, dọn phòng…

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, ThS.Lâm Văn Cảng, giảng viên Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho rằng, không phải lĩnh vực nào các thiết bị máy móc hiện đại cũng thay thế được con người. Vì các phương tiện là do chính con người tạo ra và các hoạt động của chúng là do con người điều khiển. Điều này đòi hỏi người nghệ sĩ trên lĩnh vực VH-NT phải toàn diện hơn trước, phải có những sáng tạo mang dấu ấn, thường xuyên cập nhật cái mới mà không đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.

* Con người là yếu tố quyết định

ThS.Huỳnh Hồng Diễm cho rằng, để tiếp cận được các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực VH-NT, quan trọng vẫn là đầu tư vào con người. Đây được coi là yếu tố hàng đầu, bởi máy móc, trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được con người trong mọi quyết định, hướng đi của VH-NT trong hiện tại lẫn tương lai.

Một số tác phẩm gốm nghệ thuật của sinh viên Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai ứng dụng công nghệ trong quá trình thực hiện. Ảnh: Ly Na
Một số tác phẩm gốm nghệ thuật của sinh viên Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai ứng dụng công nghệ trong quá trình thực hiện. Ảnh: Ly Na

Để có nguồn nhân lực VH-NT và du lịch chất lượng cao trong bối cảnh toàn cầu hóa, theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Tạ Quang Đông, các trường VH-NT và du lịch cần nâng cao chất lượng đào tạo, chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên để theo kịp thời đại. “Hiện nay, một số trường nghệ thuật thường nghĩ rằng đặc thù đào tạo nghệ thuật không liên quan đến công nghệ. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ sai lầm và nếu không đưa phương pháp giảng dạy mới, không thường xuyên cập nhật kiến thức mới, thì việc đào tạo sẽ xa rời thực tế và không đáp ứng được nhu cầu của xã hội” - Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ đời sống văn hóa xã hội. Vậy nên, các trường VH-NT và du lịch cần tăng cường dạy và học ngoại ngữ, điều này sẽ giúp việc hợp tác quốc tế trong đào tạo cho học sinh, sinh viên đạt kết quả cao hơn. Bên cạnh đó, việc quản lý các hoạt động trong trường VH-NT và du lịch (kết nối kiểm định và đào tạo, quản lý điểm, thu tiền học phí…) cần phải tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự đồng bộ, phát huy hiệu quả trong môi trường số.

Tại Đồng Nai, việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực VH-NT và du lịch đã được quan tâm. Đồng Nai đã khai trương giải pháp du lịch thông minh; tận dụng công nghệ để số hóa các dữ liệu thư viện trên nền điện toán đám mây phục vụ cho việc tra cứu tài liệu học tập, nghiên cứu của mọi đối tượng độc giả. Việc lưu trữ dữ liệu bằng công nghệ số trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đã được đẩy mạnh. Các chương trình nghệ thuật đã được ứng dụng công nghệ kỹ thuật số cho âm thanh, hiệu ứng ánh sáng, kỹ thuật sân khấu… đem lại sản phẩm nghệ thuật hấp dẫn và độc đáo phục vụ công chúng.

Ly Na

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích