Trước cửa sổ ký túc xá mở rộng của Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, Ka Du vội vàng mở thư ra đọc:
"Bon Suối Đá, ngày... tháng... năm...<br>
Bạn đi rồi, tôi khóc mấy ngày mấy đêm...
Trước cửa sổ ký túc xá mở rộng của Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, Ka Du vội vàng mở thư ra đọc:
“Bon Suối Đá, ngày... tháng... năm...
Bạn đi rồi, tôi khóc mấy ngày mấy đêm.
Nhưng mà vì không biết chữ, tôi phải học suốt 2 năm nay đấy. Học đủ chữ rồi, tôi viết thư cho bạn đây. Chữ của tôi như con ong, con chuồn chuồn, châu chấu. Nhưng cái bụng của tôi nhớ bạn thì to bằng con voi đó Ka Du à!”.
*
Ka Du xếp váy, giày lên giường tầng. Cô bé phóng vút lên giường với tất cả sự vui mừng hồn nhiên của một thiếu nữ 13 tuổi, hí hoáy viết:
“K’Rai ở bon Suối Đá
Ka Du thì tưởng K’Rai thích đi bẫy chim, săn thú nên đã quên bạn rồi. Lần trước Ka Du về K’Rai có ở nhà đâu, nghe nói bạn đi theo các anh kiểm lâm trồng rừng, mấy tháng mới về. K’Rai không lên thành phố học thì làm sao lấy bằng tốt nghiệp được. Mẹ bảo con trai K’Rai thật cứng đầu. Cho nên K’Rai chịu khó nghe lời mẹ nhé!
Ka Du nhớ các bạn, nhớ bon làng mình lắm. Lần sau khi nào về Ka Du sẽ viết thư báo trước, K’Rai nhớ ở nhà để nói chuyện với Ka Du nhé”.
*
K’Rai chạy vào chòi kiểm lâm khi cơn mưa dông ùn ùn kéo đến, đánh động khu rừng lớn. Các chú kiểm lâm gọi cậu, nhưng K’Rai cố tình nán lại để đọc lại cái thư đã phải thức cả đêm để viết cho Ka Du:
“Rẫy cháy, voi về.
Bà con xóm bản đói lắm, tôi vào rừng tìm thêm củ mài về cho mẹ.
Ka Du lo học tốt đi. Lần sau về bon Suối Đá không được khóc. Tôi ghét lắm đấy!”.
Song Ka Du chẳng hề giận dỗi với mấy chữ vụng về ấy, cô bé giấu thư trong túi áo, rồi tha thẩn một mình rất lâu. Tối về, cô bé leo lên giường tầng viết thư trả lời K’Rai:
“Vậy thì K’Rai cố học chữ cho giỏi đi, rồi lên thành phố với Ka Du. Ở Suối Đá khổ lắm, không có cái ăn. K’Rai đi rừng miết thì làm sao Ka Du về gặp được?”.
*
K’Rai nằm dưới tán cây cà ri, ngậm những cọng cỏ sữa thơm thơm và đọc thư của Ka Du. Cậu ước gì không phải viết thành thư mà Ka Du tự hiểu được rằng cậu muốn Ka Du phải học, phải giỏi. K’Rai chịu cực khổ một tí có sao đâu, chỉ cần Ka Du yên tâm học tập. Nhất định là lúc nào có tiền và đồ ăn ngon, K’Rai sẽ gói ghém lên thành phố thăm Ka Du. Nhưng không phải lên đó để tìm một cuộc sống khác như Ka Du muốn, K’Rai không bao giờ làm được đâu. Rốt cục, K’Rai gửi cho Ka Du vẻn vẹn có một dòng:
“Ka Du phải học cho giỏi. Cứ yên tâm. Tôi sẽ lên thành phố với Ka Du sau mùa rẫy”.
*
Bẵng đi thật lâu, K’Rai nhận được lá thư đẫm nước mắt:
“Ka Du đã bị người ta lấy mất trái tim và mang đi xa mất rồi. Ka Du đau khổ chỉ muốn chết thôi. Nói như người Kinh là Ka Du bị phụ tình rồi. Thầy cô ở trường bảo Ka Du không được nhớ đến thằng con trai đó nữa, nó chẳng vì Ka Du đau đớn, khổ cực thế này mà quay lại đâu, cũng chẳng hề sổ mũi nhức đầu bữa nào... Nhưng mà Ka Du không biết phải làm sao. Ka Du quen với việc có người bên cạnh yêu thương, chăm sóc rồi nên không thể nào sống nổi khi anh ấy bỏ đi với một người con gái khác…
Bây giờ Ka Du chán nản vô cùng. Ở đây thì không chịu nổi, về bon thì xấu hổ với bố mẹ, bà con... K’Rai có tha thứ cho Ka Du không? Nghe nói ở trong rừng có loại lá cây nào ăn vào là quên hết mọi chuyện. K’Rai tìm giúp Ka Du thứ lá đó nhé, mà phải nhanh lên không thì Ka Du chết mất...”.
*
Lá thư của Ka Du về bon Suối Đá trước Tết Nguyên đán của người Kinh. Nhưng đến ngày lễ Mừng lúa mới, K’Rai mới biên thư lại. Chàng trai viết cộc lốc:
“Tôi đi làm kiểm lâm, bị bọn lâm tặc chém. Nhưng không thấy đau bằng Ka Du thất tình vì một thằng con trai không xứng đáng.
Nếu có thời gian thì Ka Du về xem dân làng sống như thế nào. Về mà soi mặt mình vào suối. Đừng bám đuôi bọn nhà giàu để dòng suối nó không nhận ra mình nữa, Ka Du à!”
*
Thư Ka Du chuyển về ngay sau đó:
“Nhận được thư K’Rai, Ka Du lại khóc. Ka Du đọc báo thấy có tin một nhóm kiểm lâm cứu được 9 em nhỏ đi học qua suối, bất ngờ gặp một cơn lũ. K’Rai suýt phải đánh đổi mạng sống của mình vì những em bé nghèo ở rừng sâu. Ka Du thật là không xứng đáng với bon làng, với K’Rai...
Càng lúc Ka Du càng cảm thấy lạc lõng ở thành phố này. Ka Du đi đến chỗ nào cũng muốn khóc, vì cảm thấy mình sống thừa ra giống như con dao rựa đã rơi mất cán. Cho nên Ka Du muốn về lại Suối Đá, K’Rai nuôi Ka Du nhé. Làm kiểm lâm cũng là một nghề rất tốt. Chỉ cần K’Rai không bỏ rơi Ka Du, Ka Du sẽ không bao giờ trở lại thành phố nữa đâu...”.
*
“KHÔNG!
Chừng nào học thành tài thì về, không thì thôi.
À, tôi sắp đưa mấy em nhỏ lên thành phố, học năng khiếu giống như Ka Du hồi trước. Lúc nào gặp sẽ nói nhiều hơn. Nhưng cấm khóc lóc đòi về, nhớ chưa?!”.
Gấp lá thư lại thật nhanh, K’Rai đưa mắt nhìn tủ sách, cây rìu, khẩu súng... treo trên tường. Anh chợt nhớ ra, mình chưa từng có một tấm hình nào của Ka Du, mặc dù không lúc nào hình bóng của cô không hiện ra trong lòng anh…
*
Thư điện tử của Ka Du:
“K’Rai yêu quý!
Ka Du chuẩn bị chuyển ra khỏi trường nội trú, để về làm việc ở Đoàn ca múa của tỉnh. Phòng của Ka Du sẽ để lại cho các em nhỏ mới vào trường. Ka Du thấm thía rằng không ở đâu hạnh phúc bằng nơi cho mình cái chữ, giúp mình lớn thành người. Nếu Ka Du tốt nghiệp đại học loại giỏi thì sẽ có thể trở về đây làm giảng viên, dạy học cho những học trò người dân tộc đến từ những bon làng xa xôi như Suối Đá của chúng ta...
Bây giờ Ka Du đã trưởng thành, đã có việc làm, điều mong muốn nhất bây giờ là muốn về bon làng đeo vào tay K’Rai một chiếc vòng... K’Rai hãy về thành phố với Ka Du để tiếp tục sống và làm việc, vì có K’Rai bên cạnh, Ka Du sẽ hạnh phúc và làm được tất cả những điều tuyệt vời nhất...”.
*
K’Rai mỉm cười nhìn hình ảnh xinh tươi của Ka Du trên màn hình máy tính, rồi nhẹ nhàng gõ lên bàn phím:
“Ka Du rất yêu quý của K’Rai, của bon Suối Đá!
Tôi đang dùng chiếc máy tính của Ka Du và các bạn gửi về tặng trạm kiểm lâm đây! Tôi cũng đang lo học, người cán bộ kiểm lâm phải học nhiều thứ lắm. Nhưng tôi không có ý định từ bỏ bon làng, từ bỏ trạm kiểm lâm Ka Du à. Không phải là tôi không có ước mơ, nhưng tôi biết mình chỉ có thể là một người bình thường, như hạt mầm được tra vào lòng đất, phải mọc lên thành cây, góp mặt với rừng. Còn Ka Du là con chim Rling đáng yêu phải bay cao, bay xa mới hót hay, hót vang lên được. Ka Du hãy cố tiếp tục học, trở thành người nghệ sĩ tài năng, thành một người thầy nghệ thuật có thể nhân lên những điệu múa, bài hát, những khúc tampớt của người Mạ chúng ta thành những tác phẩm lớn. Và hơn thế nữa, Ka Du hãy hạnh phúc với những lựa chọn mới mẻ trong đời. Còn nếu thật sự chúng ta sẽ thuộc về nhau, như chàng K’Yae và nàng Kông trong truyền thuyết, thì thời gian sẽ chờ đợi chúng ta...”.
*
Một ngày cuối năm, anh em kiểm lâm mời bà con trong vùng đến, đốt lên một đống lửa to cùng nhau ăn mừng, hát múa. Trời càng về khuya, đêm hội càng trở nên tưng bừng với vũ điệu cồng chiêng. K’Rai lại đi trốn trong chốc lát, để xem email của Ka Du:
“K’Rai của em! Em được gọi đi du học ở Anh, ngành Âm nhạc dân tộc. Nhưng em nửa muốn đi, nửa không muốn đi. Em muốn trở về sống ở bon làng ít ngày, trước khi quyết định về việc hệ trọng này. Em tin rằng anh K’Rai sẽ khuyên em tiếp tục đi học và sẽ không hứa hẹn điều gì sợ ảnh hưởng đến tương lai của em. Nhưng mà K’Rai ơi! Càng đi xa người ta càng muốn trở về, em có đi đâu, có làm gì thì vẫn nhớ về anh và bon Suối Đá. Nhớ tuổi nhỏ được đi tắm suối, đi bắt cá cùng anh, em đã có lần buột miệng nói rằng: “Mai này lớn lên, Ka Du sẽ lên nhà sàn của K’Rai học mẹ K’Rai dệt thổ cẩm”. Anh còn nhớ không?...”.
K’Rai nghẹn ngào ôm chặt lấy trái tim để nén tiếng kêu thổn thức. Ka Du ơi, K’Rai sẽ chuẩn bị tất cả để đón Ka Du về với bon làng, cả ngôi nhà sàn đẹp nhất để đưa Ka Du về ngồi dệt vải. Ý nghĩ như dòng suối làm dịu mát trái tim nóng bỏng của K’Rai. Nhưng anh chỉ gõ được mấy chữ trước khi gửi đến cho Ka Du:
“Về đi, tôi đợi!”.
Trần Thu Hằng