Địa chí hành chính các tỉnh Nam kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954) của tác giả Nguyễn Đình Tư. Đây được xem là công trình khảo cứu về địa dư tiêu biểu và là văn kiện ghi nhận quá trình sắp xếp, điều chỉnh địa chỉ các tỉnh Nam bộ thời Pháp thuộc.
Địa chí hành chính các tỉnh Nam kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954) của tác giả Nguyễn Đình Tư. Đây được xem là công trình khảo cứu về địa dư tiêu biểu và là văn kiện ghi nhận quá trình sắp xếp, điều chỉnh địa chỉ các tỉnh Nam bộ thời Pháp thuộc.
Những văn kiện trong cuốn sách giúp cho thế hệ sau hiểu được tiến trình phát triển, dân số ở mỗi tỉnh ở Nam kỳ thời Pháp thuộc bao gồm: Bà Rịa, Bạc Liêu, Bến Tre, Biên Hòa, Cần Thơ, Châu Đốc, Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng, Tân An, Tân Bình, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Vĩnh Long.
* Nhiều thông tin
Trong đó, với tỉnh Biên Hòa, cuốn sách cho biết rất nhiều thông tin có giá trị như trước đó thời Tự Đức là tỉnh rất lớn, sau Hòa ước năm 1862, người Pháp đã tổ chức các đơn vị hành chính bằng Quyết định ngày 27-10-1864 của Soái phủ Sài Gòn chia Biên Hòa thành 3 đơn vị là: Biên Hòa, Bà Rịa và Long Thành.
Cũng vậy, cuốn sách cung cấp rất nhiều thông tin về dân số có thể là những tài liệu rất quý cho giới nghiên cứu và quản lý hiện nay. Chẳng hạn, như, tỉnh Gia Định, năm 1872 dân số đã “có 248.719 người gồm 12 người Âu, 247.824 người Việt, 860 người Hoa, 13 người Phi, 9 người Ấn, 1 người Khmer” (trang 265). Nếu như trong khoảng thời gian từ 1862-1900, Gia Định vẫn chủ yếu là người Việt và Hoa và gần như không có người Khmer, thì đến năm 1913-1914 đã có người Mỹ, người Tây Ban Nha, người Anh, người Thụy Điển sinh sống ở Gia Định, trong đó có cả “10 người Bắc kỳ” (trang 265) vào giai đoạn này. Nên nhớ, khi ấy, Nam kỳ là lãnh thổ hải ngoại của nước Pháp, vì vậy người Việt ở miền Bắc vào vẫn bị xem là người “ngoại”.
Cuốn sách cũng cho biết, tỉnh Biên Hòa năm 1876 mới chỉ có 59.993 người gồm: “7 người Âu (không tính binh lính và viên chức người Pháp), 32.117 người Việt có đăng ký, 654 người Hoa, 5 người Phi Luật Tân, 1 người Ấn và 2.930 người dân tộc thiểu số” (trang 113). Đến năm 1917, dân số toàn tỉnh Biên Hòa là 103.681 người gồm: “135 người Âu, 92.057 người Việt, 865 người Khmer, 1.761 người Hoa, 898 người Minh Hương, 29 người Nhật và Mã Lai, 36 người Ấn, 7.898 người dân tộc thiểu số” (trang 114).
* Tài liệu quý
Dù cuốn sách có khổ lớn 16x24 cm và với 679 trang in, thế nhưng bằng cách sắp xếp logic và khoa học tuần tự 21 tỉnh với thứ tự: quá trình thành lập; vị trí, diện tích, dân số; thay đổi địa giới và địa danh hành chính cấp làng và cấp tổng; thành phần hội đồng tỉnh; tên các quan chức đứng đầu tỉnh; hệ thống đường giao thông… đã giúp người đọc khá dễ dàng khi tiếp nhận.
Trong phần mở đầu cuốn sách, tác giả cho biết: “Những văn kiện cho chúng ta biết được tiến trình phát triển dân số của mỗi tỉnh ở Nam kỳ thời Pháp thuộc, qua từng năm hay từng giai đoạn. Những văn kiện bổ dụng các chức vụ đứng đầu mỗi tỉnh suốt thời gian người Pháp cai trị đất Nam kỳ, rất hữu ích cho những người muốn tra cứu, tìm hiểu những quan chức người Pháp đã gây nên những việc không tốt. hay đã làm những việc phúc lợi cho dân ta trong thời gian họ trấn nhậm... Những văn kiện liên quan đến việc quy hoạch đường sá đi khắp các vùng nông thôn mà ngày nay chúng ta đang sử dụng, cải tạo, mở rộng, nâng cấp thành những đường giao thông trải nhựa hay tráng xi măng, rất tiện lợi cho việc lưu thông đủ loại xe cộ cơ giới văn minh” (trích Lời nói đầu).
Những thông tin mà cuốn sách mang lại là hết sức đồ sộ, giúp cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý có những thông số, số liệu để đối chiếu, so sánh trong quá trình lãnh đạo, quản lý, nhất là việc sắp xếp các đơn vị hành chính trong bối cảnh hiện nay.
Sách do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh ấn hành năm 2017 và tái bản quý III-2019.
Vũ Trung Kiên