Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhìn lại điện ảnh Việt năm 2018: Còn chút gì để nhớ

09:01, 13/01/2019

Điện ảnh Việt như một đồ thị hình sin trong vài năm gần đây khi mà sau một năm 2016 thất bát về doanh thu lẫn chất lượng, năm 2017 khởi sắc trở lại với nhiều điểm sáng như phim Em chưa 18, Cô gái đến từ hôm qua, Cô Ba Sài Gòn, nhưng đến năm 2018 lại tụt dốc vì chất lượng không tương xứng với số lượng phim ra rạp.

Điện ảnh Việt như một đồ thị hình sin trong vài năm gần đây khi mà sau một năm 2016 thất bát về doanh thu lẫn chất lượng, năm 2017 khởi sắc trở lại với nhiều điểm sáng như phim Em chưa 18, Cô gái đến từ hôm qua, Cô Ba Sài Gòn, nhưng đến năm 2018 lại tụt dốc vì chất lượng không tương xứng với số lượng phim ra rạp.

Chú ơi đừng lấy mẹ con là tác phẩm “ồn ào” nhất năm 2018 vì scandal “phim giả tình thật” của nam nữ diễn viên chính Kiều Minh Tuấn - An Nguy.
Chú ơi đừng lấy mẹ con là tác phẩm “ồn ào” nhất năm 2018 vì scandal “phim giả tình thật” của nam nữ diễn viên chính Kiều Minh Tuấn - An Nguy.

Nếu như năm 2017 có 37 phim Việt trình chiếu thì năm 2018, con số này là 40 phim (trong đó có một phim tài liệu Đi tìm Phong).

* Tháng năm rực rỡ nay còn đâu

Con số 40 phim gần như chỉ là con số lẻ khi đặt cạnh lượng phim ngoại phát hành trong năm qua (khoảng 230 phim) nhưng cũng đã tăng so với năm trước đó, nghĩa là cũng xem như một tín hiệu đáng mừng. Chỉ có điều, cái mừng về số lượng không thể khiến người ta quên đi nỗi lo về chất lượng khi năm qua có quá nhiều phim ra rạp chỉ nhận sự thờ ơ của người xem nên đành rút êm. Có thể kể ra như: Em gái mưa, Thạch Thảo, Mặt trời con ở đâu, Bao giờ hết ế, Hoán đổi, Kế hoạch đổi chồng, Trường học bá vương, Lộ mặt, Yêu nữ siêu quậy, Hạ cuối tình đầu, Thử yêu rồi biết, Xưởng 13, Ở đây có nắng, Cạm bẫy - Hơi thở của quỷ. Bên cạnh đó, những bộ phim: Hãy để em yêu anh, Yêu em từ khi nào, Yêu em bất chấp, Chú ơi đừng lấy mẹ con gây ồn ào theo một cách tiêu cực bởi nội dung hoặc cách thể hiện đầy “thảm họa”.

Một năm 2018 đã qua với cái kết đẹp về doanh thu hơn 50 tỷ đồng của Hồn Papa, da con gái mặc cho phim bị chê nhạt, bộ phim mở màn cho năm là Siêu sao siêu ngố đạt doanh thu khủng cũng ở vào trường hợp như vậy. Phim dở ế khách không nói làm gì, phim tốt vẫn thua sấp mặt ở phòng vé trong khi phim chất lượng trung bình lại thu “khủng”. Điện ảnh Việt Năm 2018 phải nói có quá nhiều vấn đề.

Nhưng phim dở bị khán giả quay lưng đã đành, ngay một số phim có đầu tư kỹ lưỡng, mang tính chất tìm tòi, có cách thể hiện mới mẻ như: 11 niềm hy vọng, Người bất tử, Ống kính sát nhân, Song lang hay Lời kết bạn chết chóc vẫn “chết yểu” ở rạp khiến những người làm phim không khỏi hoang mang. Doanh thu của các phim Việt được coi là ăn khách năm 2018 cũng không thể vượt qua cột mốc 171 tỷ đồng của Em chưa 18 lập năm 2017. “Đỉnh cao” của năm 2018 dừng lại ở con số 108 tỷ đồng của Siêu sao siêu ngố. Nhưng nếu như thắng lợi phòng vé của Em chưa 18 thuyết phục giới chuyên môn lẫn khán giả thì chiến thắng của Siêu sao siêu ngố chỉ là sự ăn may nhờ chiếu vào dịp tết - “mùa vàng” trong năm. 3 phim ăn khách còn lại trong năm là Lật mặt 3: Ba chàng khuyết (85,5 tỷ đồng), Tháng năm rực rỡ (85 tỷ đồng), Chàng vợ của em (83 tỷ đồng) thì đã hết 2 phim dựa trên kịch bản nước ngoài (Tháng năm rực rỡ, Chàng vợ của em), nghĩa là “chỉ số tín nhiệm” một kịch bản phim thuần Việt rất thấp.

Thất bại của nhiều phim Việt trong năm 2018 là kết quả tất yếu của tư duy làm phim kiểu “thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào”. Trào lưu remake thời “hậu” Em là bà nội của anh được nối tiếp với Ông ngoại tuổi 30, Yêu em bất chấp, Tìm vợ cho bà, Kế hoạch đổi chồng, Tháng năm rực rỡ. Nhưng trong số này chỉ có Tháng năm rực rỡ hốt bạc rực rỡ nhờ kịch bản đánh trúng tâm lý hoài niệm, có dàn diễn viên xinh đẹp hợp vai. Các phim còn lại thất bại vì nội dung đã không mới mà diễn xuất lại hời hợt do được chỉ đạo bởi những đạo diễn non kinh nghiệm.

Dòng phim khai thác chủ đề thanh xuân học đường như: Thạch Thảo, Hạ cuối tình đầu, Em gái mưa, Trường học bá vương nở rộ nhưng tuyệt nhiên không phim nào để lại ấn tượng. Thạch Thảo chỉ đáng yêu nhưng nội dung không đủ sức gây thương nhớ; Hạ cuối tình đầu xây dựng tình huống phi lý, tâm lý nhân vật thiếu nhất quán cộng thêm diễn xuất gượng gạo của diễn viên trẻ khiến tổng thể như một sự chắp vá. Em gái mưa khó có thể xem là một tác phẩm điện ảnh bởi nền tảng phim được phát triển chỉ là một MV ăn khách cùng tên. Riêng Trường học bá vương “hỏng toàn tập” vì tình tiết, nhân vật vay mượn, sao chép một cách lố lăng từ những phim hài của Châu Tinh Trì.

Nghệ thuật là sáng tạo nhưng một khi các nhà làm phim chỉ biết “ăn sẵn”, “ăn theo” thì thất bại là điều khó tránh khỏi.

* Vẫn có vài điểm sáng…

Nói như vậy không có nghĩa bức tranh điện ảnh Việt 2018 hoàn toàn u tối, vẫn có vài điểm sáng không được thấy dưới góc độ doanh thu mà ở góc độ của sự dấn thân, tìm tòi. Đó là Song lang khai thác đề tài cải lương cùng tình yêu đồng tính một cách nhẹ nhàng, tinh tế. Là phim hình sự kinh dị, Ống kính sát nhân có ý tưởng độc đáo, mới mẻ. Là Nhắm mắt thấy mùa hè - một bộ phim độc lập để lại những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống. Là Lời kết bạn chết chóc với nỗ lực làm mới thể loại kinh dị bằng một kịch bản, lối kể đầy bất ngờ. Là Vai diễn đổi đời mang màu sắc ma mị, cách làm phim tối giản.

Tài năng của đạo diễn Victor Vũ, cảnh sắc tuyệt đẹp của Quảng Bình cùng đề tài tâm linh, ma mị vẫn không thể cứu nổi phim Người bất tử.
Tài năng của đạo diễn Victor Vũ, cảnh sắc tuyệt đẹp của Quảng Bình cùng đề tài tâm linh, ma mị vẫn không thể cứu nổi phim Người bất tử.

Dù khác nhau thể loại, đề tài nhưng các phim kể trên đều có điểm chung là phần lớn được làm bởi những người trẻ. Tuổi trẻ có thể gặp bất lợi ở sự thiếu kinh nghiệm nhưng lợi thế lớn nhất ở các đạo diễn trẻ chính là nhiệt huyết, quyết tâm làm nghề chỉn chu. Không phải là một đạo diễn Việt Nam có tuổi nào chọn làm về đề tài cải lương - bộ môn truyền thống gần như chỉ dành cho người lớn tuổi - mà là một đạo diễn Việt kiều ở tuổi U40 như Leon Lê làm Song lang. Không phải là một đạo diễn nam nổi tiếng làm phim tốn kém như Victor Vũ thực hiện một bộ phim tình cảm “sang chảnh” ghi hình ở nước ngoài như Nhắm mắt thấy mùa hè, mà là cô gái trẻ Cao Thúy Nhi. Càng không phải Victor Vũ hay Hàm Trần - những người đã có tác phẩm kinh dị Quả tim máu, Đoạt hồn gây tiếng vang - làm Ống kính sát nhân mà là Nguyễn Hữu Hoàng - một chàng trai 9X lần đầu làm phim. Có thể họ “điếc không sợ súng” nhưng nhờ vậy mà diện mạo điện ảnh Việt năm qua có vài nét chấm phá tươi tắn trên cái nền ảm đạm của một bức tranh chỉ toàn những sản phẩm na ná nhau thể loại, nhàn nhạt nhau về nội dung, hời hợt y chang nhau về cách thể hiện.

Sức trẻ của điện ảnh Việt năm 2018 còn được nhìn thấy ở sự tỏa sáng của nhiều gương mặt mới: Phương Anh Đào của Nhắm mắt thấy mùa hè, Chàng vợ của em; Hoàng Yến Chibi của Tháng năm rực rỡ; Thanh Tú của Người bất tử, Lời kết bạn chết chóc; Liên Bỉnh Phát của Song lang, Song Luân của Lật mặt 3: Ba chàng khuyết. Đáng chú ý là trong số những tên tuổi này chỉ có Phương Anh Đào được đào tạo diễn xuất bài bản ở Trường đại học sân khấu - điện ảnh TP.Hồ Chí Minh, còn lại đều diễn bằng bản năng và sự bật lên của họ trong năm qua chứng tỏ “chân lý”: hợp vai = thành công.

Một số hình ảnh về điện ảnh Việt năm 2018

Hương Nhu

Tin xem nhiều