Trong tháng 1-2019, hàng loạt di tích trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ mở cửa đón du khách đến tham quan trở lại sau một thời gian dài đóng cửa để thực hiện trùng tu, tôn tạo...
Trong tháng 1-2019 hàng loạt di tích sẽ mở cửa đón du khách đến tham quan trở lại sau thời gian dài đóng cửa để thực hiện trùng tu, tôn tạo.
Nhà cổ phía Đông trong Di tích lịch sử cấp quốc gia Thành cổ Biên Hòa sau khi được trùng tu. |
Không chỉ tham quan bên ngoài (công trình kiến trúc) mà phần “ruột” của các di tích này với những hiện vật, cổ vật liên quan cũng được phục dựng, trưng bày phục vụ du khách gần xa.
* Không còn “đứng nhìn từ xa”
Là thành cổ duy nhất ở Nam bộ còn sót lại cho đến ngày nay, năm 2014 Di tích lịch sử cấp quốc gia Thành cổ Biên Hòa (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) được trùng tu, tôn tạo, sắp xếp hiện vật trưng bày với tổng kinh phí lên đến 41 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Sau hơn 5 năm “cửa đóng then cài” để sửa chữa, trong tháng 1 này, những ai mê chụp ảnh hoài cổ với 2 tòa nhà cổ trong Thành cổ Biên Hòa sẽ lại được thỏa ước mong.
Theo ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh, ngoài những di tích kể trên, năm qua người dân đóng góp nguồn kinh phí, công sức để giúp ban quý tế các đình, đền, miếu trong tỉnh trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích. Nhiều nơi, vào những dịp tết đến xuân về người dân đều tự nguyện tham gia treo đèn kết hoa, quét dọn bên trong lẫn bên ngoài di tích… Tất cả những việc làm này thể hiện sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo tồn di tích. |
Trong lần mở cửa đón khách này, ngoài phần kiến trúc được phục dựng gần giống với tài liệu, hình ảnh được lưu giữ, Di tích lịch sử cấp quốc gia Thành cổ Biên Hòa còn được bổ sung 285 hiện vật cổ, hiện vật phục chế như: kèn đồng, đồng hồ vai bò, đồng hồ quả lắc, máy đánh chữ, bản đồ, máy chụp ảnh, máy chiếu phim, sách… Hiện vật được sắp xếp, trưng bày tại 2 khu nhà vừa được trùng tu, tôn tạo của di tích. Kinh phí thực hiện việc trưng bày hiện vật gần 2 tỷ đồng.
Cũng từng có chung hoàn cảnh xuống cấp, không cho người vào tham quan như Di tích lịch sử cấp quốc gia Thành cổ Biên Hòa, trong tháng 1-2019 này, Di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà Xanh (nằm trong khuôn viên Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cũng sẽ hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo.
Được xây dựng từ năm 1907, đến nay di tích này đã tròn 112 tuổi. Kiến trúc của di tích gồm có 2 tầng, tường gạch, mái ngói vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, do tác động của thời gian nên phần trần nhà của cả 2 tầng đã bị thủng từng mảng lớn đường kính từ 1-2m. Riêng phần cầu thang gỗ dẫn lên lầu đã mục, gãy, lún xuống và lung lay mạnh khi có người bước qua. Toàn bộ các phòng của di tích đều bị hư hại, các vật dụng bằng gỗ như: cửa, kèo, cột đều bị mối mọt.
Theo ông Huỳnh Lê Tuấn Dũng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai, cũng vì thực trạng xuống cấp này mà đã 2 năm qua dù di tích nằm ngay khuôn viên trường nhưng học sinh, sinh viên không được đến gần mà chỉ có thể đứng ở xa để nhìn vì ngói trên mái nhà hay rơi xuống đất, cửa vào di tích luôn khóa để đảm bảo an toàn. Để bảo tồn di tích, vào tháng 10-2018, UBND tỉnh đã tổ chức trùng tu, tôn tạo. Sau gần 3 tháng trùng tu, tôn tạo với kinh phí thực hiện khoảng 3,5 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, di tích đã có thể đón khách vào tham quan trong tháng 1-2019.
* Chung tay gìn giữ di tích
Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, năm vừa qua có hàng loạt di tích được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn lực xã hội hóa góp phần giữ gìn nét đẹp của di tích.
Những người thợ đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng trong quá trình trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà Xanh (nằm trong khuôn viên Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) để kịp hoàn thành trong tháng 1-2019. |
Vừa hoàn tất việc trùng tu, tôn tạo nên dịp Tết Nguyên đán này khi người dân đến với Di tích cấp tỉnh chùa Bửu Hưng (chùa Cô Hồn, phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) sẽ được thấy khung cảnh khang trang, sạch đẹp thay thế cho hình ảnh xuống cấp xập xệ trước đây. Ni sư Thích Nữ Diệu Minh, trụ trì chùa Bửu Hưng vui mừng cho hay năm nay khi người dân đến lễ chùa đầu năm, nhà chùa sẽ yên tâm hơn rất nhiều. Có được thành quả này là nhờ vào số tiền đóng góp hàng trăm triệu đồng của người dân để trùng tu, tôn tạo chùa.
Còn tại Di tích cấp quốc gia đình Tân Lân (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa), theo ông Lâm Văn Lang, Trưởng ban Quý tế đình Tân Lân, ngoài việc tu sửa phần mái chính điện của đình được thực hiện từ kinh phí của Nhà nước, người dân còn đóng góp hơn 100 triệu đồng để sửa và làm lại sân đình, sơn son thếp vàng các hoành phi, câu đối bên trong đình. Bên cạnh đó, những chi tiết trong kiến trúc đình bị mối mọt xâm hại cũng được người dân tự nguyện đóng góp kinh phí giúp Ban quý tế đình sửa chữa.
Cũng trong năm vừa qua, người dân còn đóng góp hơn 120 triệu đồng để trùng tu, tôn tạo Di tích cấp tỉnh đình Dầu Giây (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất). Theo ông Ngô Chơn Thuận, Trưởng ban Quý tế đình Dầu Giây, để tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ có công với đất nước, người dân địa phương còn xây dựng khu vực nhà thờ các anh hùng liệt sĩ. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa nêu cao tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Võ Tuyên