Báo Đồng Nai điện tử
En

TS. Mai Mỹ Duyên: Tạo dấu ấn cho đờn ca tài tử

10:12, 13/12/2013

Vừa là "con nhà nòi" (cha là Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) lại vừa tham gia nghiên cứu chuyên sâu về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ với luận án "Đờn ca tài tử trong đời sống văn hóa cư dân Tây Nam bộ", TS. Mai Mỹ Duyên, Phó trưởng khoa sau đại học Trường đại học văn hóa TP.Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ với bạn đọc Báo Đồng Nai nhân sự kiện nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vừa là “con nhà nòi” (cha là Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) lại vừa tham gia nghiên cứu chuyên sâu về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ với luận án “Đờn ca tài tử trong đời sống văn hóa cư dân Tây Nam bộ”, TS. Mai Mỹ Duyên, Phó trưởng khoa sau đại học Trường đại học văn hóa TP.Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ với bạn đọc Báo Đồng Nai nhân sự kiện nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, TS. Mai Mỹ Duyên cho hay:

Biểu diễn đờn ca tài tử trong chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản tại Đồng Nai.
Biểu diễn đờn ca tài tử trong chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản tại Đồng Nai.

- Cũng như bao người yêu mến môn nghệ thuật đờn ca tài tử trong cả nước, khi hay tin nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tôi cảm thấy rất vui và tự hào. Niềm vui này theo tôi không chỉ riêng đối với người Việt Nam mà còn lan tỏa ra nhiều vùng miền, đất nước khác. Bởi ngay cả những người bạn ngoại quốc của tôi cũng gọi điện chúc mừng với một tâm trạng hân hoan.

* Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là điều làm nức lòng người dân cả nước. Tuy nhiên, sau khi kết quả được công bố, nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại môn nghệ thuật này đang đứng trước nhiều vấn đề đáng lo ngại. Ý kiến của bà như thế nào?

- Trước hết, phải nói rằng việc đánh giá xem một địa phương có phát triển loại hình đờn ca tài tử tốt hay chưa không thể dựa vào số lượng các CLB đờn ca tài tử nhiều hay ít, mà cái chính là chất lượng. Bởi hiện nay, có tình trạng ở một số địa phương, số lượng các CLB được thành lập rất nhiều nhưng hoạt động không thường xuyên. Điều này đang gây ảnh hưởng trực tiếp, đe dọa đến việc bảo tồn cũng như phát huy bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử.

Một điều đáng lo ngại khác là việc tạo điều kiện để tổ chức sân chơi cho người yêu đờn ca tài tử; kết nối, quảng bá nghệ thuật này đối với người dân, đặc biệt là giới trẻ hầu như còn đang bỏ ngỏ. Thêm vào đó, chế độ hỗ trợ của Nhà nước, đối với môn nghệ thuật này hầu như là rất ít. Vậy nên, đây chủ yếu là sân chơi của người có tâm, yêu nghề tụ họp nhau lại để đàn ca.

* Dưới góc độ là nhà nghiên cứu và truyền dạy những giá trị của đờn ca tài tử cho nhiều thế hệ, bà có kiến nghị gì đối với công tác bảo tồn và phát huy môn nghệ thuật đờn ca tài tử?

- Hiện nay, số nghệ sĩ nắm giữ những bí quyết, kỹ thuật trong đờn ca tài tử đã lớn tuổi và còn lại không nhiều. Vì thế, việc sớm tận dụng thời gian hạn hẹp còn lại của các nghệ sĩ dân gian vào việc tổ chức các hoạt động trao truyền cho thế hệ trẻ là việc làm hết sức cần thiết để giữ gìn và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của đờn ca tài tử hiện nay.

TS. Mai Mỹ Duyên: “Đồng Nai không phải là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử, nhưng lại là tỉnh được đánh giá khá mạnh về nghệ thuật đờn ca tài tử. Thời gian tới, tôi mong rằng các cấp chính quyền ở Đồng Nai sẽ tạo điều kiện hơn nữa để môn nghệ thuật này ngày một có chỗ đứng trong sinh hoạt văn hóa của người dân trong tỉnh”.

Thêm vào đó, việc quảng bá, giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử cũng nên được xem là cách làm ưu tiên trong việc bảo tồn, nhân rộng và phát huy giá trị của nó. Một điều đặc biệt nữa là, trong thời buổi hiện nay khán giả của đờn ca tài tử rất ít, chủ yếu là người có tuổi. Vì vậy, việc để cho giới trẻ hiểu, ý thức được tầm quan trọng và yêu mến môn nghệ thuật này của dân tộc là điều cần sớm thực hiện. Bởi nếu người trẻ hiểu và có thiện cảm với môn nghệ thuật này thì tôi tin chắc rằng, nghệ thuật đờn ca tài tử của dân tộc Việt Nam sẽ ngày càng được bảo tồn và phát huy tốt hơn.

* Vậy theo bà làm thế nào để có thể thu hút, lôi kéo  người trẻ đến với môn nghệ thuật này?

- Tôi có một chia sẻ như thế này, một khi con người biết dù chỉ là biết sơ nét về một việc nào đó thì cũng sẽ để lại một ấn tượng nhất định trong tâm trí. Vậy thì tại sao chúng ta không thể để nghệ thuật đờn ca tài tử đem lại một dấu ấn, một ấn tượng trong tâm trí của người trẻ bằng một phương thức sẵn có là giáo dục - đào tạo trong nhà trường. Có làm được như vậy thì học sinh - lớp trẻ của Tổ quốc mới hiểu được nghệ thuật truyền thống dân tộc. Để làm được điều này, tôi cho rằng cần có sự phối hợp của nhiều ngành nhằm giúp nghệ thuật đờn ca tài tử mới không bị mai một mà ngược lại, còn ngày càng trở nên thịnh hành trong sinh hoạt văn hóa. 

 Xin cảm ơn bà!

Văn Truyên (thực hiện)

 

 

 

 

Tin xem nhiều