Trong 161 đơn vị tham gia Hội sách TP.Hồ Chí Minh lần thứ VII năm 2012, chỉ có 17 nhà xuất bản (NXB) trong nước bên cạnh 66 công ty truyền thông - văn hóa và 22 NXB nước ngoài. Cũng tại hội sách, hơn 50 hoạt động lớn nhỏ được tổ chức, chủ yếu là giao lưu, triển lãm tác giả - tác phẩm…
Trong 161 đơn vị tham gia Hội sách TP.Hồ Chí Minh lần thứ VII năm 2012, chỉ có 17 nhà xuất bản (NXB) trong nước bên cạnh 66 công ty truyền thông - văn hóa và 22 NXB nước ngoài. Cũng tại hội sách, hơn 50 hoạt động lớn nhỏ được tổ chức, chủ yếu là giao lưu, triển lãm tác giả - tác phẩm… Sự đa dạng và năng động đã làm nên sức hấp dẫn lớn của hội sách lần này, cộng với giá trị “thương hiệu” của lần tổ chức trước. Đó là điều đáng ghi nhận.
Chương trình giao lưu và giới thiệu “Tủ sách văn học 8X” đã khuyến khích khả năng sáng tạo cũng như ý thức xã hội, ý thức công dân của giới trẻ. Những gian hàng trưng bày sách hiếm, sách cổ, những tài liệu về biển đảo, về chủ quyền quốc gia cũng hấp dẫn rất nhiều đối tượng độc giả. Hội sách năm nay đã nắm bắt được nhu cầu của nhiều phụ huynh học sinh khi đưa các gian hàng tư vấn học tập tiểu học, du học nước ngoài v.v… Đây cũng là nơi giới thiệu các sản phẩm giải trí, vui chơi, các thiết bị học tập mới như sách điện tử, thiết bị đọc sách hiện đại. Nhiều hình thức khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn đã thu hút đông đảo khách hàng, đặc biệt là sinh viên, học sinh.
NXB tổng hợp Đồng Nai là một trong số 17 NXB tham gia hội sách lần này. Bước vào gian hàng nhỏ, khiêm tốn cuối dãy C (58), chúng tôi thật sự xúc động khi thấy ở đây trưng bày những quyển sách giới thiệu văn hóa - con người và vùng đất Đồng Nai, như: Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay, Gia Định thành thông chí, Nỗi đau còn lại, Hoàng Văn Bổn - những tác phẩm tiêu biểu… Đây là sách trưng bày chứ không bán, vì những sách có lợi nhuận thì các đối tác đã khai thác và đưa ra bán tại gian hàng của mình. Tuy vậy, có khá nhiều nhà nghiên cứu và sinh viên, học sinh tìm đến để sao chụp tài liệu ngay tại chỗ.
Những sách về chủ quyền biển đảo, chủ quyền quốc gia được trưng bày tại hội sách. Ảnh: H.MAI |
Khá bất ngờ khi bên cạnh sách giảm giá, có những cuốn sách với giá “cực rẻ” đã khiến cho nhiều bạn trẻ lắc đầu, vì các bạn nhận ra sách in rất xấu và có sai sót. Ngoại trừ những đơn vị làm sách có tiếng như Công ty FAHASA, NXB Trẻ, NXB Kim Đồng… thì rất nhiều công ty bày bán những tựa sách, bìa sách na ná nhau. Nếu xem kỹ, độc giả sẽ nhận thấy đa phần là sách tham khảo, sách dịch… Nhìn sang nhiều gian hàng khác, những cuốn sách của các nhà văn Việt Nam bị “đại hạ giá” chỉ còn 5-10 ngàn đồng, mặc dù cách đây ít tháng đó là những cuốn sách khá “hot”. Những sách chuyên ngành về trồng trọt, chăn nuôi, lịch sử, văn hóa… cũng chịu chung số phận, nhưng vẫn ít được độc giả chọn mua. Trong khi đó, nhiều bạn trẻ rất hăng hái tìm cho bằng được những quyển sách dịch tiểu thuyết Trung Quốc, Hàn Quốc, vốn có số lượng áp đảo so với sách của tác giả Việt. Ngay cả tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng mang những tấm bìa được vẽ theo phong cách manga (Nhật Bản)… Bởi vậy, bên cạnh câu hỏi: “Bao giờ sách Việt lên ngôi”, còn có một câu hỏi khác: “Chỗ đứng nào cho sách Việt và các nhà xuất bản?”
Hoàng Mai