Cuộc thi sáng tác văn học - nghệ thuật về đề tài gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức có quy mô khá khiêm tốn. Sau hơn một năm phát động, Ban tổ chức nhận được 160 tác phẩm dự thi gồm nhiều thể loại: văn xuôi, thơ, kịch ngắn, ca cổ, ca khúc.
Cuộc thi sáng tác văn học - nghệ thuật về đề tài gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức có quy mô khá khiêm tốn. Sau hơn một năm phát động, Ban tổ chức nhận được 160 tác phẩm dự thi gồm nhiều thể loại: văn xuôi, thơ, kịch ngắn, ca cổ, ca khúc.
Tuy nhiên, hiệu quả mà cuộc thi mang lại là không nhỏ, bởi nó phản ảnh khá chân thực những mảng màu sáng tối trong bức tranh gia đình Đồng Nai thời hội nhập.
Các tác giả tham gia cuộc thi nhận giải thưởng. Ảnh: T. Thúy
Nhà thơ Đàm Chu Văn, Chánh chủ khảo cuộc thi nhận xét rằng, ưu điểm của cuộc thi là các tác giả viết bằng rung cảm chân thành chứ không sa vào “minh họa” cho chủ đề. Nhận định đó mang tính khách quan, đặc biệt ở thể loại thơ. Không rung cảm chân thành thì khó mà nảy ra được ý tưởng so sánh làm người ta mỉm cười mà rơi lệ như tác giả Hoàng Minh Hòa viết về mẹ già của mình:
“Chín mươi tuổi mẹ bây giờ/ Con ru mẹ ngủ bên bờ tay con/ Ầu ơ… tạo hóa xoay tròn/ Giờ đây mẹ lại giống con thuở nào” (Ru mẹ).
Không có tình yêu sâu đậm và không trăn trở trước những hy sinh lặng thầm của người bạn đời suốt mấy chục năm thì cũng khó có những câu thơ rất nhân văn và đầy tinh thần “tri ân vợ” như tác giả Kiều Văn Phẩm: “Ngẫm câu nước mắt chảy xuôi/ Xót thương liễu yếu, thiệt thòi trầm luân/ Thảnh thơi nhớ lúc gian truân/ Hai lưng đổ đấu, nợ nần bà lo” (Nghĩa vợ chồng).
Ở thể loại văn xuôi, cuộc thi không có giải nhất, 2 giải nhì gồm truyện ngắn “Giận nhau” của tác giả Hà Thị Thanh Thúy (phóng viên Báo Đồng Nai) và “Một lần cải thiện” của tác giả Trâm Oanh (công tác tại HĐND tỉnh); 2 giải ba gồm truyện ngắn “Phiên tòa trẻ con” của Trần Thu Hằng (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, “Trăng xưa” của Thanh Vân (Trường THPT Vĩnh Cửu). Mỗi tác phẩm một lối viết, có người tinh tế, nhẹ nhàng, có người hóm hỉnh, trào lộng, nhưng các câu chuyện đều nhằm tôn vinh vẻ đẹp của gia đình, đề cao đức hy sinh, sự nhẫn nhịn và lòng chung thủy - chất “keo” chính tạo nên sự gắn kết bền vững trong hôn nhân. Truyện ngắn “Phiên tòa trẻ con” của tác giả Trần Thu Hằng là lời cảnh báo khiến ta giật mình trước nỗi âu lo có thật và rất đáng được sẻ chia của những đứa trẻ trước sự bạo hành, cái xấu, cái ác đang tồn tại đâu đó trong cuộc sống.
Ở thể loại ca khúc, giải nhất thuộc về tác phẩm “Yêu quá gia đình ta” của tác giả Đặng Chinh Phát và giải nhì thuộc về tác phẩm “Nợ Thái sơn” của tác giả Cao Hồng Sơn. Những ca khúc này đều có kỹ thuật viết già dặn, “Yêu quá gia đình ta” sôi nổi, dễ hát, tràn đầy tinh thần lạc quan. Còn “Nợ Thái sơn” mang âm hưởng ca trù, giai điệu trữ tình, mượt mà. Chùm thơ của tác giả Nguyễn Hoài Vĩnh An và chùm ca khúc của tác giả Nguyễn Dương Long viết cho thiếu nhi cũng là những tác phẩm dung dị mà tươi tắn, ấm áp, thể hiện tấm lòng nồng hậu, thiết tha của tác giả đối với trẻ thơ.
Cuộc thi còn ít tác phẩm thể loại kịch ngắn, tiểu phẩm và ca cổ. Tuy nhiên, bài ca cổ “Chiến tranh thầm lặng “ của tác giả Hoài Niệm được viết rất chuyên nghiệp và thể hiện sắc nét chủ đề phòng, chống bạo lực gia đình. Vở kịch ngắn “Bi kịch đồng tiền” của tác giả Nguyễn Xuân Từng cũng rất đáng khích lệ bởi nội dung sâu sắc, xung đột kịch làm nổi bật những vấn đề bức xúc của thời đại: sự tha hóa của con người trước đồng tiền, nạn cờ bạc, hiểm họa HIV/AIDS...
Hoàng Ngọc Điệp