Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhìn từ lễ hội Halloween…

09:11, 04/11/2011

Hai đêm 30 và 31-10 vừa rồi, cả một đoạn đường trước Công viên Biên Hùng (TP.Biên Hòa) hầu như bị tắc nghẽn bởi một lượng quá đông nam thanh nữ tú và cả trẻ em đổ về tham dự lễ hội Halloween - lễ hội ma theo truyền thuyết và tập quán của phương Tây.

Hai đêm 30 và 31-10 vừa rồi, cả một đoạn đường trước Công viên Biên Hùng (TP.Biên Hòa) hầu như bị tắc nghẽn bởi một lượng quá đông nam thanh nữ tú và cả trẻ em đổ về tham dự lễ hội Halloween - lễ hội ma theo truyền thuyết và tập quán của phương Tây. Không chỉ một địa điểm ấy, mà một số nơi khác trên địa bàn Biên Hòa cũng tổ chức lễ hội này. Không riêng gì lễ Halloween, một lễ hội khác du nhập từ phương Tây là lễ tình nhân Valentine 14-2 cũng được hưởng ứng sôi nổi không kém. Vì sao những lễ hội có nguồn gốc phương Tây khi du nhập vào Việt Nam lại có thể phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng thu hút giới trẻ đến thế?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Câu trả lời có lẽ cũng đơn giản: vì giới trẻ thiếu và cần sân chơi, đặc biệt là những sân chơi mới, lạ. Như ở lễ hội Halloween mới đây, giới trẻ đã hào hứng tham gia hóa trang bằng những trang phục kinh dị, rùng rợn. Các trang web, blog cá nhân thì đầy những “chiêu” chỉ vẽ nhau để lễ hội thêm phần “độc, lạ”. Xét về nhiều phương diện, việc tổ chức một lễ hội thu hút được đông đảo người tham gia hưởng ứng là điều không có gì sai, thậm chí có thể nói phần nào đã tạo được sân chơi cho thanh niên Biên Hòa vốn ít có cơ hội giải trí. Nhưng nhìn giới trẻ Việt Nam đón nhận nồng nhiệt lễ hội của phương Tây, trong lòng vẫn cảm thấy nhiều điều bất ổn.

Nhìn lại các lễ hội của nước ta, những lễ hội dân gian cũng không ít những trò giải trí hấp dẫn nhưng đều mang tính vùng, miền, chưa tạo được dấu ấn riêng đặc sắc và mang tính thống nhất để người dân trong cả nước có thể chọn làm lễ hội chung. Còn những lễ hội nhà nước mang tính thống nhất cả nước, như: lễ Quốc khánh 2-9, lễ giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 (âm lịch), lễ 30-4… thì vẫn nặng về phần lễ mà thiếu đi phần hội, tính vui chơi giải trí ít và không thể trở thành sân chơi riêng của giới trẻ. Vì thế, một lễ hội hoàn toàn thiên về tính giải trí, lại mới lạ được giới trẻ nồng nhiệt đón nhận là tất yếu. Nhưng ở góc độ quản lý văn hóa, không thể dửng dưng xem đấy là điều tất nhiên khi văn hóa phương Tây ồ ạt xâm nhập và “sống” được trong lòng giới trẻ.

Văn hóa phương Đông, trong đó có Việt Nam không thiếu những truyền thuyết như phương Tây. Tương tự như lễ Halloween là lễ rằm tháng bảy (âm lịch). Vào ngày này, mọi người thường làm lễ cúng cô hồn cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa, không có thân nhân thờ cúng để không bị quấy phá. Còn tương đương ngày Valentine, với câu chuyện tình của Ngưu Lang - Chức Nữ đầy lãng mạn, ngày đôi tình nhân này tái ngộ trên chiếc cầu Ô Thước vào đêm mùng 7-7 (Thất tịch) có thể xem như là ngày tình nhân của Việt Nam. Xa xưa, các cô gái Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn làm lễ vào ngày Thất tịch để cầu nguyện có được tấm chồng tốt. Nhưng đến nay, rằm tháng bảy vẫn “nằm nguyên” là ngày lễ bái của tín ngưỡng và chỉ được các cụ quan tâm lưu ý, còn đêm Thất tịch thì hầu như đã biến mất khỏi hoạt động văn hóa của người dân.

Nếu được khôi phục, duy trì và gắn kết với các hoạt động vui chơi giải trí, Việt Nam hoàn toàn có thể có lễ hội ma, lễ tình nhân của riêng mình, phù hợp với phong tục, tập quán của phương Đông, không phải “ăn theo” văn hóa phương Tây. Thậm chí, với ý nghĩa là ngày “xá tội vong nhân”, khuyên răn mọi người làm lành lánh dữ, con cái hiếu thảo với cha mẹ (rằm tháng bảy còn là ngày Vu lan báo hiếu), lễ hội này còn có tính nhân văn so với Halloween. Và không chỉ 2 lễ hội trên, Việt Nam cũng còn một số lễ hội như Trung thu (rằm tháng tám), Đoan Ngọ (5-5), nếu được định hướng và biết vận dụng tốt có thể trở thành những ngày hội hè vui chơi lành mạnh cho mọi người. Điều này sẽ góp phần “hòa nhập mà không hòa tan” về văn hóa trong giới trẻ.

Thanh Thúy

 

Tin xem nhiều