Báo Đồng Nai điện tử
En

“Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên”: Bức tranh thêu mang hồn người mở cõi

11:09, 23/09/2011

Ngày 17-9, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đồng Nai phối hợp với Công ty XQ Đà Lạt tổ chức nghi lễ rước bức tranh thêu “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên” vào trưng bày tại gian nhà “Quả phúc tổ tiên” (tại XQ sử quán, tỉnh Lâm Đồng) cho công chúng chiêm ngưỡng trước khi đưa về Đồng Nai.

Ngày 17-9, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đồng Nai phối hợp với Công ty XQ Đà Lạt tổ chức nghi lễ rước bức tranh thêu “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên” vào trưng bày tại gian nhà “Quả phúc tổ tiên” (tại XQ sử quán, tỉnh Lâm Đồng) cho công chúng chiêm ngưỡng trước khi đưa về Đồng Nai.

Sau 3 năm được các nghệ nhân dày công thực hiện, bức tranh thêu đã hoàn tất. Không phụ sự kỳ vọng của mọi người, “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên” là một kiệt tác của nghề thêu thủ công, không chỉ chuyển tải được nét mỹ thuật, mà còn kết đọng được tinh hoa của vùng đất Trấn Biên trong mỗi đường kim, mũi chỉ.

Các đại biểu là lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chứng kiến kết nối mũi kim cuối cùng.
Các đại biểu là lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chứng kiến kết nối mũi kim cuối cùng.

 

Được thực hiện từ bức ảnh “Văn miếu Trấn Biên - nhìn từ tầm cao” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Quốc Định, về tổng thể, bức tranh đã thể hiện được ý tưởng mà nhà nhiếp ảnh muốn gửi gắm. Dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân thêu, Văn miếu Trấn Biên với mái ngói xanh cổ kính, nhà bia truyền thống, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, cổng tam quan cùng các chi tiết như cỏ cây, hoa lá… hiện lên rạng ngời, đan xen hài hòa và uyển chuyển giữa các tông màu đậm - nhạt, sáng - tối một cách tài tình. Nếu ở bức ảnh chụp, tác giả đã nắm bắt được thời điểm tác động đẹp nhất của ánh sáng để làm tôn lên vẻ lung linh của Văn miếu, thì ở bức tranh, những nghệ nhân thêu bằng sự cảm nhận, thẩm định tinh tế của mình đã chuyển tải được hết ngôn ngữ thầm lặng trên của tác giả.

Nhưng nếu bức tranh thêu chỉ là sự sao chép, chuyển tải hiện thực thì đó cũng mới chỉ là một tác phẩm đạt về trình độ mỹ thuật. Ở đây, các nghệ nhân tài hoa của XQ Đà Lạt còn thổi vào tranh một cái “hồn” rất riêng. Nếu chú ý nhìn, trong rừng màu xanh của cỏ cây trong tranh, mỗi loài cây, hoa đều có những đường vân, phiến lá, thế đứng… tạo nên nét riêng không cây nào giống cây nào. Thỉnh thoảng, không gian tranh lại có những nét điểm xuyết, như thêm đóa hoa đỏ, khóm trúc vàng giữa ngàn cây xanh, vết nắng bừng lên trên nền trời… Ngay cả những lối đi trong Văn miếu của bức ảnh chụp tỏ rõ đường nét thẳng tắp rạch ròi, thì ở bức tranh thêu lại trở nên mềm mại uyển chuyển thật nên thơ. Độc đáo hơn, nếu như bầu trời phía trên mang nét cổ kính, thâm u trầm mặc của chốn thiêng liêng của đạo học, thì phong cảnh bên dưới lại toát lên sức sống mãnh liệt - nét đặc biệt trong truyền thống mở cõi của vùng đất Trấn Biên. Người xem tranh dường như có thể nhận biết được cả luồng gió mát đang len lỏi qua từng ngọn cây, lá cỏ đang ngả nghiêng, không khí ấm áp và sức sống tươi mới qua từng vệt nắng vàng, từ đó cảm nhận hết được sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, đất trời. Đó là sự sáng tạo tài tình riêng của các nghệ nhân thêu để bức tranh thêu trở thành tác phẩm kết tinh của văn hóa.

Bà Hoàng Lệ Xuân, một trong những người sáng lập Công ty XQ Đà Lạt, cũng là nghệ nhân chủ trì nhóm thêu tranh cho biết, muốn đạt đến trình độ cao trong nghề thêu, nghệ nhân không chỉ bắt tay vào công việc bằng tay và bằng mắt, mà phải thực hiện bằng cả tâm hồn. Vì thế, trước khi bắt tay vào thực hiện bức tranh, bà và nhóm nghệ nhân thêu đã đến Văn miếu Trấn Biên để đón nhận những cảm xúc mà nơi này mang đến. Ngày nào cũng vậy, trước khi bắt tay vào thêu bức tranh “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên”, nhóm nghệ nhân đều thực hiện nghi thức nhập định để tạo ra một sự thuần khiết và sức mạnh nguyên thủy về đức tin nơi chốn thiêng liêng. Có những lúc thấy sự sáng tạo dường như cạn nguồn, nhóm nghệ nhân âm thầm quay trở lại Văn miếu Trấn Biên để tìm cảm xúc mới. Chính từ tấm lòng ấy, nghệ nhân đã thổi được hồn “nguyên khí Trấn Biên” vào trong tác phẩm.

 Bức tranh thêu “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên”.
Bức tranh thêu “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên”.

 

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới, ý nghĩa của bức tranh thêu “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên” không nằm ở sự hoành tráng hay tính mỹ thuật, dù bức tranh đã đạt đến cả 2 yếu tố này, mà nằm ở điểm bức tranh chính là sự kết tinh văn hóa từ Thăng Long - Hà Nội, tiếp nối và lan tỏa đến vùng đất Trấn Biên ở phương Nam. Bởi từ trước khi làm lễ khởi chỉ để thêu bức tranh “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên” vào năm 2008, các nghệ nhân XQ Đà Lạt cũng đã bắt tay thực hiện bức tranh “Ước vọng ngàn năm Thăng Long - Hà Nội”, và bức tranh này đã được hoàn thành vào năm 2010 nhân sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Có thể nói, tính văn hóa đã được nối liền mạch thông qua 2 bức tranh thêu, thể hiện được dòng chảy văn hóa từ Thăng Long đến phương Nam và kết tinh bởi “nguyên khí Trấn Biên”, do đó bản thân bức tranh đã trở thành một sự kiện văn hóa, có sức sống lâu dài.

Trong gian nhà trưng bày bức tranh “Trời Nam - Nguyên khí Trấn Biên”, có trưng bày 6 bức tranh thêu hoa sen tượng trưng cho 6 tỉnh phương Nam lân cận, và gian nhà thì nằm trong chuỗi nhà bảo tàng mang tên “Ước nguyện ngàn năm”, nhằm tỏ nguyện ước kết nối, mở rộng, giao lưu thắt chặt tình cảm giữa con người với con người, kết nối tinh hoa văn hóa Thăng Long ngàn năm xưa và Trấn Biến ngày nay, mở ra một chân trời không xa cội quên nguồn.

Nam Hà

 

 

Tin xem nhiều