Anh Hải Ba là nhà giáo, nhà thơ, đã mất từ đầu năm 2007. Là đồng nghiệp, là bạn bè của anh, tôi đã tìm đọc những bài thơ in trong các tập “Đứng bóng”, “Lục bát xòe”. Để lại cho đời hai tập thơ, anh Hải Ba đã dành hết tâm huyết của mình để viết về người lính, nhà giáo và về thế sự. Ở đây tôi chỉ xin đề cập đến những bài thơ viết về người lính của anh.
Anh Hải Ba là nhà giáo, nhà thơ, đã mất từ đầu năm 2007. Là đồng nghiệp, là bạn bè của anh, tôi đã tìm đọc những bài thơ in trong các tập “Đứng bóng”, “Lục bát xòe”. Để lại cho đời hai tập thơ, anh Hải Ba đã dành hết tâm huyết của mình để viết về người lính, nhà giáo và về thế sự. Ở đây tôi chỉ xin đề cập đến những bài thơ viết về người lính của anh.
Năm 1965, anh xung phong đi bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ. Ba lần bị thương, đến năm 1968 anh về Cục Hậu cần quân giải phóng, làm y tá tại Quân y viện K30, K40, K50. Tại đây anh đã gặp Hồ Thành Công (nhà thơ Thanh Thảo). Trong tập thơ “Khối vuông Ru bích”, nhà thơ Thanh Thảo viết: “Tôi xoay những ô vuông, anh y tá Hải Ba, quê ở Hà Nam Ninh, vốn là giáo viên dạy văn, khiêm nhường như con gái, anh phục vụ ở bệnh viện binh trạm và kín đáo làm thơ. Anh là người đầu tiên tôi chép tặng mấy bài thơ mới viết trên đường, cũng là người đầu tiên tin rằng tôi có thể làm thơ. Bây giờ anh ở đâu? Đây là những dòng nhắn tin ngắn ngủi, mong anh sớm nhận được”. Có lẽ điều mà nhà thơ Thanh Thảo không biết anh là anh y tá Hải Ba yêu thơ ấy vẫn âm thầm làm thơ về người lính.
Thấm đẫm trong thơ Hải Ba là tình đồng đội:
Tôi kể về đồng đội và tôi
Suốt thời trai trẻ
Súng, đạn, ba lô - một phần cơ thể
Chúng tôi đi núi rộng, sông dài
Sóng trập trùng đất nước chuyển trên vai.
Những người chiến sĩ hành quân trong đêm, mắt thì ngủ, nhưng đôi chân của họ vẫn tỉnh táo để đi tới đích:
Mắt thì ngủ đôi chân thì thức
Đêm hành quân tới đích, vẫn ngỡ ngàng
Cuộc đời gian khổ của người chiến sĩ cũng có lúc duyên dáng, đáng yêu:
Bộ áo quần qua mấy đợt phản công
Gặp suối mát lột phơi cành săng lẻ
Suối cứ chảy và mấy cô gái trẻ
Ỡm ờ mãi chẳng chịu qua?!
Những người chiến sĩ ấy bằng sức mạnh tinh thần phi thường đã làm nên thống nhất:
Tôi kể về đồng đội của tôi
Chuyện những ngày trái tim tưởng như ngừng đập
Nhưng chúng tôi đã về dinh Độc Lập
Cắm ngọn cờ Ba - Mươi - Tháng - Tư
Chiến tranh đã đi qua, tưởng nhớ tới những đồng đội đã ngã xuống là một dịp để tự vấn lương tâm mình. Mở đầu bài thơ “Cúng bạn”, Hải Ba viết:
Chẳng có vịt, heo mình cúng bạn thịt cầy
Vốn là lính có gì mà kiêng cữ.
Thắp nén hương thức người đang ngủ
Hãy về vui chút hôm nay.
Trong chiến tranh có người lính dũng cảm xông tới thì trong hòa bình họ quay lại phản bội cái quá khứ hào hùng, oanh liệt, phản lại đồng đội, nhân dân chỉ vì những lợi ích vật chất tầm thường. Nhà thơ hứa với đồng đội đã khuất: sẽ tiếp tục tiến công, trái tim mình vẫn thắm đỏ một tình yêu với đồng đội, nhân dân, với quá khứ hào hùng:
Chúng mình tin sóng gió sẽ qua đi
Như đã qua đi một thời cơ khổ
Đường tiến công mặc ai người bỏ dở
Trái tim mình, bạn hỡi, máu chưa đen.
Đọc thơ Hải Ba ta thấy một tình yêu quê hương, Tổ quốc thật dạt dào. Tình yêu quê hương khiến cho anh nằm dưới hầm tránh bom B52 mà vẫn tha thiết nhớ quê nhà:
Nằm dưới mưa bom đạn thù xối xả
Đất mở lòng ôm ấp đứa con yêu
Nghe hơi ấm đất mịn màng bên má
Mà nhớ quê nhà tha thiết biết bao nhiêu.
Trên chặng đường hành quân anh đã gặp bao nhiêu con suối: những con suối dọc Trường Sơn, suối Nước trong, suối Dây. Tới bờ suối Vắt lật đá bắt cua, anh bỗng nhớ:
Nhớ triền suối Vắt
Lật đá bắt cua thoáng gặp đồng bằng
Gặp dáng lưng còng của mẹ
Cánh cò chao nghiêng
Chiều quê lấp lóe...
Không có tình yêu quê hương sâu sắc không dễ gì có sự liên tưởng như vậy.
Trong chiến tranh gian khổ, người lính trong thơ Hải Ba vẫn tràn đầy chất thơ. Một khoảng trời xanh, một cây bứa dại, một loài hoa đỏ, một dòng suối trong cũng khiến cho người lính xao xuyến. Trên chặng đường hành quân đêm nghỉ bên bờ suối, người lính ngủ dưới rừng cây, trong hơi ấm đồng đội và lời ru rì rầm của suối. Trên trời, trăng thượng tuần như mắc võng vào mây - một hình ảnh đầy thú vị:
Nhớ sao trạm nghỉ
Đôi bờ suối Dây
Trăng thượng tuần mắc võng vào mây
Dưới rừng cây lính ru mình mé suối
Bên này ấm hơi đồng đội
Bên kia suối gợi tâm tình
Đây là kỷ niệm của buổi gặp ban đầu giữa Hải Ba và người bạn đời của anh - chị Kim Duyên trong tiếng bom B52 gầm rú:
Em bất chợt trao anh chiếc hôn nồng nàn hơi ấm
Nghe nhịp đập con tim biết mình vẫn sống
Tình yêu lên mênh mông
Không phong thư, không câu nói mặn nồng
Mà lại hóa vô cùng chung thủy
Tình yêu lứa đôi nẩy nở trong chiến tranh thật giản dị, lãng mạn mà vô cùng son sắt.
Đất nước đã chuyển sang hòa bình 36 năm nay. Con người của ngày hôm nay ngổn ngang những lo toan, bận rộn của cuộc sống mới. Có lúc ta ngỡ quên đi quá khứ chiến tranh của ngày hôm qua. Thơ viết về người lính của Hải Ba đã đánh thức dậy một vùng ký ức chiến tranh gian khổ, lãng mạn, hào hùng. Nổi bật trong chiến tranh là hình tượng người lính. Là một người trực tiếp cầm súng, nhà thơ Hải Ba đã để lại cho đời những trang viết sinh động, giàu tính hiện thực và nhân văn về người lính. Đó là những trang viết hay nhất trong hai tập thơ của anh.
Bùi Quang Tú