Văn học là một ngành nghệ thuật luôn hướng tới chân - thiện - mỹ. Nó có tác dụng giáo dục tình cảm, tâm hồn con người thông qua các hình tượng nghệ thuật sinh động, hấp dẫn. Các tác phẩm văn học được chọn lọc để giảng dạy trong nhà trường là những tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam.
Văn học là một ngành nghệ thuật luôn hướng tới chân - thiện - mỹ. Nó có tác dụng giáo dục tình cảm, tâm hồn con người thông qua các hình tượng nghệ thuật sinh động, hấp dẫn. Các tác phẩm văn học được chọn lọc để giảng dạy trong nhà trường là những tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam.
Nhưng đáng buồn thay, số học sinh hứng thú với việc học văn thì ít, đa số là học miễn cưỡng, đối phó.
* Những lỗI diễn đạt ngô nghê
Nhiều học sinh không nắm được kiến thức cơ bản nên diễn đạt rất ngô nghê. Thật tội nghiệp cho nhà văn Kim Lân khi học trò gán cho ông đủ thứ. Ông không phải là nhà văn viết truyện ngắn mà “Kim Lân là một nhà thơ lớn của dân tộc, ông có rất nhiều tác phẩm châm biếm, đả kích xã hội cũ. Tác phẩm được coi là tác phẩm tiêu biểu của ông nói lên tấn bi kịch của xã hội phong kiến lúc bấy giờ người ta vẫn phải nói đến là “Vợ nhặt”. Có em còn nhầm lẫn nhân vật Tràng với nhà văn Kim Lân: “Kim Lân nhặt được vợ về, tuy không có gì nhưng ông rất chăm lo gia đình, không như bao kẻ ích kỷ khác bỏ bê vợ con”.
Có học sinh phân tích câu thơ trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu “Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù” như sau: “Những chiến sĩ đã được sống trên mây trên gió, các anh xuống trần gian để khai sáng cho nhân loại”. Có lẽ học sinh tưởng tượng người chiến sĩ là thần tiên trên trời cao xuống hạ giới chăng? Tác phẩm “Người lái đò sông Đà” được cảm nhận một cách lạ lùng: “Dòng sông Đà như một người phụ nữ hung dữ mà người lái đò là một đấng nam nhi đã cảm hóa được người phụ nữ hung dữ ấy đi theo mình”.
Năm nào cũng vậy, ta đều bắt gặp cách hiểu, cảm và diễn đạt rất ngô nghê như trên. Có khi học sinh còn lẫn lộn nhà văn Nguyễn Tuân và con sông Đà: “Nguyễn Tuân nó rất hiền lành và hung dữ”. Có học sinh lẫn lộn nhà thơ Quang Dũng - tác giả bài thơ “Tây Tiến” với ca sĩ Quang Dũng: “Tây Tiến là tác phẩm nổi tiếng của Quang Dũng - một ca sĩ mà em hâm mộ thường hay hát cặp với Thanh Thảo”. Đọc những đoạn văn như trên chúng ta phải cười buồn. Đó là chưa kể đến những lỗi chấm câu, chính tả. Có em viết cả trang dài dằng dặc không thèm chấm, phẩy. Có học sinh giữa câu ngẫu hứng hạ một dấu chấm. Nhiều bài văn lổn nhổn những lỗi chính tả. Người chấm bài không thể nào sửa hết được.
* Thử lý giải
Xét về động lực học của học sinh, nếu học sinh tập trung học tốt các môn khoa học tự nhiên thì cánh cửa mở ra để các em đến với các trường đại học cao đẳng và trung cấp rất rộng. Đồng thời các em có thể dễ kiếm việc làm, có thu nhập cao. Học sinh theo đuổi các môn xã hội thì cánh cửa mở ra đến với các trường đại học và cao đẳng rất hẹp (chỉ có vài trường) khó kiếm việc làm, thu nhập thấp. Do vậy, động lực để các em học tốt các môn xã hội là rất yếu (một ví dụ cụ thể, kỳ thi vào đại học và cao đẳng năm 2011 có một ngàn thí sinh bị điểm không môn Sử).
Thứ hai là hiện nay chương trình, sách giáo khoa môn Văn quá nặng nề. Lứa tuổi thanh thiếu niên còn non nớt, vì sao chúng ta cứ cố tình nhồi nhét kiến thức một cách quá tải, có nhiều tác phẩm trích quá dài, dàn trải khiến học sinh khó tiếp thu?
Thứ ba là cách dạy của giáo viên. Một số giáo viên ít đọc sách, học hỏi tìm tòi, ít sử dụng phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, ít sử dụng giáo cụ trực quan, giáo án điện tử khiến bài giảng khô khan, cứng nhắc, thiếu sinh động hấp dẫn.
Thứ tư là do cách thi cử của chúng ta. Các đề thi thường nặng về kiểm tra kiến thức mà nhẹ về năng lực cảm thụ sáng tạo. Cách chấm văn theo kiểu đếm ý cho điểm mà không chú ý đến cảm thụ, cách diễn đạt của học sinh làm cho nhiều học sinh rất thiệt thòi.
Việc biến văn học - một môn học hấp dẫn, mang tính giáo dục cao nay lại trở nên nặng nề trong học hành thi cử ở nhà trường cũng là điều đáng để chúng ta phải suy ngẫm. Phải làm sao tạo được hứng thú cho học sinh khi được học văn, có như thế mới không còn những lỗi diễn đạt ngớ ngẩn, cách chấm câu bừa bãi, lỗi chính tả tràn lan như các bài thi tốt nghiệp hiện nay...
Bùi Quang Tú