Ở Đồng Nai, không mấy ai không biết ông Năm Bình, một cách gọi tắt vừa kính trọng, vừa thân thuộc hơn tên đầy đủ của ông - Huỳnh Văn Bình. Thực ra, để được đông đảo mọi người, kể cả những người dân thường, gọi bằng tên thứ ở xứ này, đó là diễm phúc. Con đường ông có được cái phúc ấy vừa tự nhiên, vừa thật khó, gần như trọn đời.
Ở Đồng Nai, không mấy ai không biết ông Năm Bình, một cách gọi tắt vừa kính trọng, vừa thân thuộc hơn tên đầy đủ của ông - Huỳnh Văn Bình. Thực ra, để được đông đảo mọi người, kể cả những người dân thường, gọi bằng tên thứ ở xứ này, đó là diễm phúc. Con đường ông có được cái phúc ấy vừa tự nhiên, vừa thật khó, gần như trọn đời.
Ông Năm Bình sinh năm Ất Hợi (1935), ở làng Mĩ Lộc, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, nay là xã Mĩ Lộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Trong khai sinh, ông ghi ngày sinh là “ngày 19 tháng 12”. Thực tế, đấy là ngày Toàn quốc Kháng chiến, ai cũng nhớ, được ông lấy để làm kỷ niệm khi dấn thân vào cuộc trường chinh của dân tộc. Sinh năm Ất Hợi, ông mạng Hỏa, Sơn Đầu Hỏa, lửa trên đầu núi. Vùng Tân Uyên khi xưa toàn rừng rậm, Huỳnh Văn Nghệ gọi là rừng thẳm sông dài. Nhấp nhô giữa những cánh rừng bạt ngàn ấy là từng ngọn đồi. Sau này, người con trai làng Mĩ Lộc đi bốn phương trời, vẫn không quên núi rừng Tân Uyên, không quên từng ánh lửa nhỏ trên đầu ngọn đuốc dầu chai, hột cao su khô mà những cậu bé liên lạc, thiếu sinh quân,… trong đó có Năm Bình, đã đốt lên ở vùng rốn chiến khu Đ.
Nhà ông ở cách nhà ông Tám Nghệ, làng Tân Tịch, chừng năm trăm thước, theo đường chim bay. Lâu nay, nhiều người lầm tưởng ông Tám Nghệ và ông Năm Bình là bà con, biết đâu còn là anh em ruột nữa (!). Họ bảo nhau, đất Tân Uyên, trong một dòng họ, lại có đến hai người tài. Đúng, ông Tám Nghệ và ông Năm Bình đều là những người nổi tiếng. Ông Tám tuổi Giáp Dần (1914), mạng Thủy, Đại Khê Thủy, là khe nước lớn ở miệt thượng nguồn, theo dòng Đồng Nai, xuôi về biển cả. Thời đánh Pháp, giặc gọi ông Tám là “con hùm xám miền Đông”; những trận đánh lẫy lừng của ông vang động đến tận trời Tây. Còn ông Năm Bình, ngọn lửa nhỏ trên đồi Mĩ Lộc, gió mưa không làm nó tắt, chắc là nhiều năm sau nữa, nó vẫn sáng ở một góc trời.
Ông Năm cùng họ với ông Tám, nhưng chỉ bà con xa. Mẹ ông là bà Huỳnh Thị Xưa, người làng Tân Mĩ. Còn cha ông là cụ Thái Văn Điền, một thầy giáo dạy chữ Nho. Cụ Điền được gia đình hỏi cưới vợ người cùng làng, nhưng tới lúc cưới, không chịu, bỏ chạy, rồi sau mới lấy bà Xưa. Kể ra, thời đó cũng có những chuyện tình thật lãng mạn. Bà Xưa trở thành vợ ông Điền, không được hỏi cưới chính thức nên không có giá thú. Anh lớn của ông Huỳnh Văn Bình là Huỳnh Văn Đính (sau này là Bí thư Huyện ủy Tân Uyên) đi theo kháng chiến là người đầu tiên trong nhà lấy họ chính thức là Huỳnh. Ông Năm theo anh, năm 1946, cũng đổi từ Thái Tấn Bình sang Huỳnh Văn Bình. Chỉ là cái tên mà biết bao nhiêu nỗi niềm của một thời đã qua.
Trường học đầu tiên ông Huỳnh Văn Bình được học là Mĩ Lộc. Đây là trường sơ học của cả tổng Chánh Mĩ hạ, nơi mười năm trước Huỳnh Văn Nghệ cũng từng học và sau này nhớ lại có viết bài thơ Trốn học nổi tiếng.
Trường làng hết chữ, Huỳnh Văn Bình phải về huyện lỵ Tân Uyên (nay là thị trấn Uyên Hưng) để học các lớp cuối cùng của bậc tiểu học yếu lược.
Ông Huỳnh Văn Bình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1996. |
Đang học năm lớp Nhứt (tương đương lớp Năm bây giờ), kháng chiến bùng nổ, tất cả phải vào chiến khu. Người lớn tăng gia sản xuất, làm bộ đội, du kích của ông Tám Nghệ; trẻ con làm liên lạc, cảnh giới… Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, cùng lúc phải chống cả ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, tỉnh Biên Hòa là một trong hai địa phương của Nam bộ có phong trào bình dân học vụ tốt nhất. Một đội ngũ xây dựng nền giáo dục mới được hình thành. Trưởng ty Giáo dục kháng chiến tỉnh Biên Hòa là thầy giáo Hoàng Minh Viễn, tức thầy giáo Ngũ, trước năm bốn lăm là giáo viên của Trường tiểu học tỉnh lỵ Biên Hòa (Trường tiểu học Nguyễn Du ngày nay). Huyện Tân Uyên, bao gồm hơn hai mươi xã, đa phần là vùng rừng sâu nước độc, căn cứ kháng chiến của cả tỉnh, là nơi đi đầu của phong trào chống giặc dốt. Trưởng ban Giáo dục huyện Tân Uyên là thầy giáo Hoàng Văn Bổn, sau này là nhà văn danh tiếng của đất Đồng Nai, năm đó mới mười bảy tuổi. Toàn huyện có một trường tiểu học kháng chiến, đặt ở Ông Đông, Bình Chánh. Thầy giáo là những người được móc nối từ thành thị vào, vốn không phải là giáo viên, như: thầy Tống Văn Phụng, thầy Tô Bá Hùng, thầy Mai Văn Tươi… Còn học sinh là các thiếu niên đang làm liên lạc, văn thư, thiếu sinh quân của các cơ quan, là con em liệt sĩ,… Cả thầy lẫn trò cùng nhau chặt cây rừng, cắt tranh, làm trường học. Rồi học trò đi làm “thầy giáo” khi đêm đêm lặn lội về các xã chống giặc dốt cho đồng bào. Thầy giáo Hoàng Văn Bổn kể: “Trung bình mỗi tháng phải chạy giặc một lần. Gặp lúc giặc bao vây lâu, thầy trò đói nhăn răng vì ăn toàn trái rừng, rau cỏ, khoai lang, khoai mì chạy chỉ. Ngủ giữa rừng già, rắn rết, bò cạp, kiến bù nhọt, mối càng, bom đạn. Xin lựu đạn, súng ống để tự vệ, chống gián điệp, biệt kích, cọp ba móng và đánh giặc mở đường máu…”.
Huỳnh Văn Bình ở trong số học trò ấy. Hơn nữa, ông còn là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Lũ chúng tôi được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của nhà văn Hoàng Văn Bổn. Thầy giáo Hoàng Văn Bổn, lúc viết cuốn sách “dựa theo cuộc đời thật, việc thật” của các học sinh Trường tiểu học kháng chiến Tân Uyên, đã không thôi day dứt: “Vì sao trong hoàn cảnh gian khổ, chiến tranh ác liệt như thế mà các em vẫn hăng say học tập, vẫn vui vẻ, vẫn đoàn kết, nhường cơm xẻ áo cho nhau?”.
Không ai chọn ngày để được sinh ra. Và, cũng không ai chọn thời để sống. Tất cả đều là ngẫu nhiên mà cũng hết sức tất yếu. Chỉ có điều, người ta sẽ sống như thế nào sau thời khắc thiêng liêng và năm tháng huy hoàng hay khắc nghiệt ấy. Ngọn lửa nhỏ trên đồi Mĩ Lộc vẫn còn nguyên đấy thôi. Mưa gió không làm nó tắt. Sơn Đầu Hỏa. Bao giờ cũng tự sáng.
***
Nói thật công bằng, thời kháng chiến, cái khó không hề bó cái… học. Khi các học trò như Năm Bình, Cúc A, Sâm, Mười Cao,… những người sau này từng giữ các chức vụ quan trọng ở địa phương hay trung ương, học hết chữ các thầy giáo kháng chiến ở Tân Uyên, thầy giáo Hoàng Văn Bổn phải lặn lội hơn ba tháng trời, vượt qua hàng trăm đồn bót De Latour, xuống tận miền rừng U Minh tìm gặp giáo sư Hoàng Xuân Nhị để học thêm và tìm tài liệu. Học xong, lại trở về, cùng nhau biên soạn tài liệu để dạy cho học trò. Chiến tranh chưa kết thúc, nhưng những học trò như Huỳnh Văn Bình được lập danh sách để đưa ra Liên khu Năm học tiếp cao hơn. Cách làm giáo dục đó quả rất nể phục.
Huỳnh Văn Bình chưa kịp ra Liên khu Năm thì Hiệp định Genève được ký kết. Ông nằm trong số các học sinh miền Nam được đưa ra Bắc đào tạo. Từ đó, con đường học vấn của ông thuận lợi...
Năm 1964, ông Huỳnh Văn Bình tốt nghiệp đại học, được cử về tỉnh Nghệ An, dạy học tại Trường trung cấp Nông nghiệp của tỉnh. Tại đây, ông là một trong những cán bộ khung của trường, làm Chủ nhiệm khoa Kinh tế, Trưởng phòng Giáo vụ, đồng thời là Bí thư Đảng ủy trường, Đảng ủy viên khối Dân Chính tỉnh.
Ngẫm lại, đời ông Năm Bình không phải sau này, khi đã nghỉ hưu, giữ chức Chủ tịch Hội Khuyến học của tỉnh Đồng Nai, mới gắn bó với ngành giáo dục. Tới năm 1974, ông được tăng cường về miền Nam, ở vùng Lộc Ninh, nơi có căn cứ của Trung ương Cục miền Nam (R). Về Nam, Huỳnh Văn Bình đã có trong tay quyết định làm Hiệu phó Trường Nông nghiệp R. Nhưng rồi ông Năm Hòa (sau năm 1975 là Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) xin về T1 (tức Khu miền Đông Nam bộ) để làm Trưởng phòng kế hoạch của Sở Nông lâm T1, kiêm cả chức Bí thư Đảng ủy của Sở.
Con đường gắn bó với giáo dục của ông Năm Bình gián đoạn từ lúc đó, vì sau ngày miền Nam giải phóng, tám năm liền (1975 – 1983), ông công tác ở ngành nông nghiệp, làm Phó, rồi Trưởng ty Nông nghiệp.
Đầu năm 1983, ông Huỳnh Văn Bình lại tiếp tục con đường học vấn. Lần này học tại Trường quản lý kinh tế ở Liên Xô. Đây là khóa đào tạo nâng cao cho những cán bộ sẽ đảm đương chức vụ Chủ tịch UBND các tỉnh sắp đến. Các ông Nông Đức Mạnh, Lê Huy Ngọ là bạn cùng lớp với ông.
Học ở Liên Xô 4 tháng, trở về, ông Huỳnh Văn Bình làm Phó chủ tịch UBND tỉnh, phụ trách khối Nông – Lâm, kiêm giữ chức Trưởng ban cải tạo nông nghiệp. Đến năm 1987, ông được cử làm quyền Chủ tịch UBND tỉnh, rồi chính thức giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh từ năm 1989 cho đến đầu năm 1995.
Hết nhiệm kỳ Đại hội V của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, ông về Tổng công ty cao su Việt Nam từ tháng 2-1995 cho đến tháng 10-1998.
***
Cuối năm 1998, ông Huỳnh Văn Bình nghỉ hưu. Một người như ông, tất có nhiều chỗ chèo kéo. Nhưng ông Năm Bình chọn một việc ít người nghĩ đến để làm và làm đâu vào đấy. Đó là chuyện khuyến học. Lý do cho sự chọn lựa này là vì ông gốc là thầy giáo, khuyến học là việc làm tử tế, mang tính nhân văn cao, nên làm. Cách giải thích của ông thật ngắn gọn, không viện dẫn trăm ngàn ngôn từ hoa mỹ. Nó xuất phát từ lòng ông, từ sự thôi thúc bên trong của một người trí thức bình dân.
Ông Năm Bình đã phải suy nghĩ rất nhiều về cách làm khuyến học ngay từ buổi ban đầu, lúc tổ chức Hội chưa có hình hài. Đầu tiên là lực lượng và bộ máy. Hội Khuyến học là tổ chức quần chúng, phạm vi càng rộng khắp, hiệu quả càng cao. Ông nghĩ ngay đến những người từng giữ các chức vụ bí thư, hay chủ tịch ở các địa phương nay đã về hưu. Họ là những người có uy tín đối với chính quyền, đoàn thể nơi sở tại. Vả lại, bây giờ, họ có nhiều… thời gian. Theo lời rủ rê của ông, nhiều bí thư huyện ủy, chủ tịch huyện đã nghỉ hưu tình nguyện làm khuyến học, giữ chức chủ tịch Hội ở các địa phương. Ông lại nghĩ, giáo dục là khoa học, khuyến học lo xã hội hóa giáo dục, tất phải có người am hiểu về giáo dục. Ông đi vận động những cán bộ lãnh đạo của ngành giáo dục đã về hưu làm khuyến học. Đó là cách kéo dài sự nghiệp trồng người của nhà giáo, một khi đã rời xa phấn trắng bảng đen. Đã từng là thầy giáo, ông Năm Bình hiểu rất rõ tâm trạng của họ. Một người thầy giáo, sau khi rời xa mái trường, lòng bao giờ cũng buồn, vì không còn dịp tiếp xúc với học trò, tức là sống với tuổi thanh xuân của mình. Vì thế, làm khuyến học “không lương”, “không phụ cấp”, nhưng lòng ai cũng vui, bởi họ đang làm một việc, mà theo cách nói của ông là “tử tế”.
Rồi ông Năm Bình lại nghĩ ra cách “kiếm tiền” để làm khuyến học. May mắn cho ông, bên cạnh có ông Phạm Mạnh Thiều, nguyên “kế toán trưởng” của tỉnh. Một ông nguyên “tỉnh trưởng”, một ông nguyên “kế toán trưởng” ngày trước rất giỏi kiếm tiền cho tỉnh đã nghĩ ra lắm “kế hay” để tạo nguồn kinh phí cho công tác khuyến học, khuyến tài. Dĩ nhiên, bên cạnh hai ông, không thể không kế đến những người như ông Nguyễn Trùng Phương, nguyên Phó chủ tịch “văn - thể - mỹ” tỉnh; Nguyễn Văn Vưu, nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành; Vũ Đình Sùng, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - tài vụ Sở Giáo dục,…
Ông Năm Bình còn “chiêu mộ” cả ông Nguyễn Tất Đắc, nguyên Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai, vốn là ông đồ Nghệ, về tờ báo Khuyến học của tỉnh. Bên cạnh các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, tờ báo Khuyến học đã góp phần quan trọng quảng bá công việc “tử tế” của các ông.
Có bộ máy, có tiền và luôn luôn phải kiếm tiền, Hội Khuyến học của tỉnh mà ông Năm Bình làm thủ lĩnh hơn mười năm qua đã làm được những việc thật đáng quý mà trong nhiều báo cáo của tỉnh hay trung ương đã đánh giá cao. Hàng năm hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo của tỉnh đã được cấp Hội cấp học bổng, tất cả các em đạt thành tích cao đều được khen thưởng, tuyên dương trang trọng ở ngôi đền của sự học - Văn miếu Trấn Biên, hàng chục sinh viên xuất sắc được bảo trợ suốt thời gian học đại học,… Nhưng điều đáng nói hơn cả, bằng những hoạt động thiết thực, Hội Khuyến học đã tạo thành một phong trào rộng lớn trong toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp trồng người.
Cách làm khuyến học của ông Năm Bình luôn có những ý tưởng mới mẻ. Nhiều địa phương trong cả nước có chương trình tiếp sức sinh viên, nhưng ở Đồng Nai, ông chủ trương biến mối quan hệ giữa người bảo trợ với sinh viên thành quan hệ gia đình (cha - con). Dân gian có câu “Của cho không bằng cách cho”, trong cách bảo trợ đó, có trách nhiệm và tình thương. Hay quan niệm của ông về việc khuyến tài. Ông bảo, khuyến học vừa lo chuyện học hành của tất cả những học sinh, sinh viên nghèo khó, thua thiệt, vừa phải lo chuyện khuyến tài. Học sinh, sinh viên có tài không bắt buộc phải nghèo mới có sự quan tâm của Hội. Về vùng sâu, vùng xa, ông thấy giáo viên còn nhiều khó khăn quá, nhất là chỗ ở. Thầy giáo chật vật làm sao yên tâm dạy tốt. Từ đó, ông nghĩ đến việc làm nhà công vụ cho giáo viên vùng Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu,…
Những cách làm khuyến học của ông Huỳnh Văn Bình đại loại là như thế. Người ngoài nhìn vào thấy cũng đơn giản, mà thật ra chẳng mấy ai làm được, bởi đằng sau nó là tư tưởng, là chiêm nghiệm của ông và những người cùng chung ý tưởng với ông. Xưa nay, chân lý bao giờ giản dị.
Điều gì đã giúp ông Năm Bình có được tư tưởng đó. Phải chăng là những trải nghiệm trên con đường hình thành của một trí thức bình dân, khởi nguồn từ lớp học i, tờ của ngôi trường làng Mĩ Lộc, từ những đêm vác đuốc dầu chai đi xóa giặc dốt cho đồng bào ở chiến khu Đ?
Nghỉ hưu, làm khuyến học, ông Huỳnh Văn Bình đi nốt chặng cuối cùng trong hành trình của một trí thức...
Tháng 5-2011
Hương Thủy