Trong đợt khai quật di tích mộ cổ gần đây nhất tại Đồng Nai, đã lộ ra thi hài của một nữ quý tộc được chôn cách đây hơn 200 năm nhưng vẫn còn nguyên xương cốt và đặc biệt được phủ kín từ đầu đến chân bởi một lớp lá sen dày đặc.
Trong đợt khai quật di tích mộ cổ gần đây nhất tại Đồng Nai, đã lộ ra thi hài của một nữ quý tộc được chôn cách đây hơn 200 năm nhưng vẫn còn nguyên xương cốt và đặc biệt được phủ kín từ đầu đến chân bởi một lớp lá sen dày đặc.
200 năm cùng mưa gió
[links(left)]Mọi việc chuẩn bị cho đợt khai quật bắt đầu từ hơn một năm nay, vào tháng 8.2010, khi PGS-TS Phạm Đức Mạnh cùng các nhà khảo cổ học TP.HCM phối hợp với Sở VH-TT-DL Đồng Nai mở đợt khảo sát và giám định ngôi mộ cổ nằm ở Cầu Xéo trong khu vực quy hoạch giải tỏa để xây đường cao tốc đoạn ngang qua địa phận huyện Long Thành.
Đông đảo người dân kéo đến xem cảnh khai quật mộ - Ảnh: Nhóm khảo cổ cung cấp |
Mộ nằm im lìm bên con đường hiện hữu, gần giao lộ 51 và 25 sắp mở rộng, sâu trong khuôn viên nhà ở của dân cách trung tâm thị trấn Long Thành khoảng hơn 1 cây số và cách thành phố Biên Hòa khoảng 22 cây số theo đường chim bay về phía đông nam.
Điều đầu tiên khiến đoàn khảo sát đoán định vị trí xã hội quyền quý của người nằm dưới mộ là do kiến trúc khá bề thế nổi trên mặt đất (dương phần) rộng đến 40m2 và mang nhiều nét độc đáo so với các di tích mộ cổ khác đã khai quật trước đây. Đó là kiến trúc khép kín hình chữ nhật, với bộ phận bảo vệ ngoài cùng đúc liền một khối vững chắc có cấu trúc mui luyện hình voi phục, chiếm khoảng 24,38m2. Bên trong vòng thành bảo vệ cao khoảng 1,5m là ngôi mộ dài 8,5m, rộng 4,5m. Phía sau mộ có một khán thờ gấp khúc kiểu bình phong, giữa đục khắc một bài thơ nào đó còn sót vài chữ Hán khá rõ. Hai bên bình phong là cặp câu đối, khung giữa khắc chữ Hán nổi rõ và ngoài cùng là cặp tượng phù điêu “lưỡng long triều dương”… Một trong những điều đáng chú ý nhất do ban điều tra khảo cổ học nêu lên về khu mộ Cầu Xéo là: “Người xưa đã kiến tạo thêm một cặp ban thờ ngay trên bờ bao đối xứng nhau ngang với ban thờ bia - mỗi ban có đế để đỡ chân quỳ, có ban thờ và cặp tượng phù điêu nghê đối xứng hai bên”. Đó là phần quách (bảo vệ vòng ngoài). Đến phần sân trước của mộ, PGS-TS Phạm Đức Mạnh nhận định: “Có nhiều chi tiết trang trí, phối trí và kiến trúc với những nét độc đáo riêng, chẳng hạn việc phối trí cặp ban thờ đối xứng giữa phần vách và phần tiền sảnh, hoặc các tượng phù điêu rất sinh động với những hình chim thú như long, lân, quy, phụng, nai, các loài hoa lá đa dạng như cây đa, cây si, hình vân mây cách điệu và các mô-típ trang trí chỉ thấy ở các mộ cổ thuộc dòng dõi danh gia quyền quý thời trước. Vì thế di tích mộ hợp chất cổ Cầu Xéo cần được phục hồi nguyên trạng kiến trúc nổi (trên mặt đất) rất đẹp ấy để đưa về một địa điểm bảo tồn phục vụ nghiên cứu lịch sử văn hóa…”.
Mô-típ “lưỡng long triều dương” ở mộ cổ Cầu Xéo (Đồng Nai) - Ảnh: Nhóm khảo cổ cung cấp |
Thi hài phủ đầy lá sen
Sau khảo sát và kết luận trên, theo Quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai, đoàn khai quật gồm PGS-TS Phạm Đức Mạnh (trưởng đoàn), nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật cùng cán bộ văn hóa của TP.HCM và tỉnh Đồng Nai gồm các vị: Lê Trí Dũng, Phan Thị Thịnh, Phạm Thị Ngọc Thảo, Đỗ Ngọc Chiến, Nguyễn Hồng Ân, Nguyễn Chiến Thắng, Lương Toàn Thắng, Nguyễn Trí Nghị, Vũ Mạnh Phương, Quách Thị Ngọc Hương, đã được thành lập để tiến hành khai quật trong nửa tháng, từ 5.9 đến 20.9.2011.
Kết quả ghi nhận: “Thi hài còn nguyên xương cốt, được liệm rất chu đáo với các chùm dây chằng có thắt nút đầu (giữa đại liệm và tiểu liệm có lớp giấy bản, tấm phướn màu ngà nâu sẫm), sau đó là các vật chèn bổ khuyết kín đầy đến miệng áo quan. Ngoài lớp tro dày 15-20 cm cuối tấm địa, y phục chủ nhân bị mủn nát kết dính nhau thành khối, có thể nhận rõ nhiều lớp lụa, đoạn, gấm in hoa cầu kỳ, tinh xảo, các tệp giấy bản dài và hẹp chèn dọc hai bên thân, với lớp chiếu cói lót bên dưới. Chủ nhân (của ngôi mộ) còn tóc, chân gác lên gối bọc da màu đen hình vuông, bàn chân mang nguyên đôi hài với mũi thon cong, trông giống cánh hoa thêu bằng chỉ vàng tinh xảo (bên trong hài còn những đốt xương ngón chân rụng ra)”. Những khối kết dính của y phục nêu trên cho thấy chủ nhân ngôi mộ được khâm liệm với hơn 10 lớp áo bằng các loại vải lụa đủ màu, có cả màu hồng tía là màu của giới quý tộc dùng thời trước. Điều làm mọi người trong đoàn khai quật ngạc nhiên là trên bề mặt của thi hài phủ đầy lá sen từ đầu đến chân, có lá còn nguyên, đắp thành lớp trên phần đầu của quan tài.
Theo các nhà nghiên cứu, đây là điều hiếm thấy trong các mộ cổ đã khai quật trước đây và câu hỏi đặt ra là việc đắp lá sen như thế nhằm góp phần “giữ xác” lâu phân hủy, hay nhằm một mục đích liên quan đến tín ngưỡng, đến niềm tin siêu hình nào?
Để giữ xác lâu hơn?
Theo GS-TS Đỗ Tất Lợi, bác sĩ Quan Thế Dân và các nhà dược liệu học khác, lá sen còn gọi hà diệp, đã được dùng trong y học cổ truyền của nước ta từ lâu. Lá sen có tác dụng an thần, vỗ về giấc ngủ, phải chăng khi đắp lên thi hài mang ý nghĩa cầu nguyện “giấc ngủ nghìn thu” êm đềm? Nhưng một số ý kiến khác đã thử phân tích tác dụng giải độc nấm của lá sen liên quan đến việc “giữ xác” lâu dài. Người khác nữa lại cho rằng, ngoài tác dụng khoa học, lá sen là một phần sinh động gợi nhớ đến liên hoa (hoa sen) giúp người chết hướng đến cõi Tịnh độ với hạnh phúc an vui vĩnh hằng, chứ không bị cái chết ngắt đoạn như cõi đời này. Mối liên tưởng đó dù quá xa xôi nhưng dẫu sao cũng là một giả thiết đẹp về những gì người đang tại thế ước mơ cho người đã qua đời được “sống lại trong một thế giới hoàng kim” mãi mãi. |