Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày 1-10-1876, người làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông đỗ Giải nguyên năm Canh Tý (1900), đỗ tiến sĩ năm Giáp Thìn (1904). Ông đã cùng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp là những nhà lãnh đạo của phong trào Duy Tân lúc ấy. Năm 1908 Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo suốt 13 năm mới được trả tự do.
Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) |
Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày 1-10-1876, người làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông đỗ Giải nguyên năm Canh Tý (1900), đỗ tiến sĩ năm Giáp Thìn (1904). Ông đã cùng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp là những nhà lãnh đạo của phong trào Duy Tân lúc ấy. Năm 1908 Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo suốt 13 năm mới được trả tự do.
Năm 1926, Huỳnh Thúc Kháng ứng cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ và được bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ. Trong ba năm hoạt động ở viện, ông cương quyết tranh đấu trong nghị trường. Ngày 1-10-1928, trên diễn đàn Viện Dân biểu Trung kỳ, ông đã đọc bài diễn văn nổi tiếng. Sau này, ông chống lại Khâm sứ Pháp Jabouille và từ chức Nghị trưởng và Nghị viên Viện Dân biểu Trung kỳ vì cho rằng mình đã “nhận lầm 4 chữ nhân dân đại biểu”.
Từ năm 1927-1943, ông là người sáng lập và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Tiếng Dân tại Huế cho đến khi tờ báo này bị đình bản. Trước sau như một, Huỳnh Thúc Kháng luôn đề cao ánh sáng của nghĩa khí, trí tuệ và học vấn. Cụ đã dùng báo Tiếng Dân để lên án những tệ đoan của xã hội đương thời và cổ súy những vấn đề mới.
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông ra tham gia nội các Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tiền thân của Bộ Công an ngày nay). Cụ cũng nhận lời làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam. Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, Huỳnh Thúc Kháng được cử làm quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thời gian này, cụ Huỳnh đã lãnh đạo Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn đặc biệt này, trong đó có việc phá tan âm mưu phản động của bọn Việt quốc, Việt Cách với vụ án “Ôn Như Hầu” nổi tiếng trong lịch sử.
Cuối năm 1946, trên cương vị đặc phái viên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi kinh lý miền Trung, cụ Huỳnh bị bệnh nặng. Trước khi qua đời, trong những lời trối trăn với đại diện các đảng phái, cụ Huỳnh đã viết: “Mong anh em hãy thực hiện ngay đại đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng xuất chúng, vị anh hùng của dân tộc...”. Ngày 14-4-1947, trong điện gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh đã viết: “Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã được độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng! Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường vinh quang, hạnh phúc”...
Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (người mặc áo dài đen đứng giữa) về thăm và làm việc với cán bộ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Yên (tháng 8-1946). Ảnh: T.L |
Trong thư gửi đồng bào toàn quốc ngày 29-4-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những lời tốt đẹp nhất để đánh giá về cụ Huỳnh: “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao… lòng son, dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan… Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập…”.
Với đạo đức sáng trong và tấm lòng vì nước, vì dân, cụ Huỳnh Thúc Kháng mãi mãi được nhân dân và lịch sử kính phục và nhớ ơn.
Vũ Trung Kiên