
"Đời sống của người dân xã Phú Lý hôm nay so với trước đây đã có những đổi thay rõ rệt về nhiều mặt, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và sự nỗ lực của bà con". Đó là nhận định của ông Trần Viết Hạnh, Chủ tịch UBND xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu).
"Đời sống của người dân xã Phú Lý hôm nay so với trước đây đã có những đổi thay rõ rệt về nhiều mặt, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và sự nỗ lực của bà con". Đó là nhận định của ông Trần Viết Hạnh, Chủ tịch UBND xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). Ông Hạnh cho biết, sự đổi thay đầu tiên có thể nhận thấy là xã và trung tâm huyện đã được kết nối với nhau thuận tiện hơn khi có con đường nhựa. Từ đây, việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân không còn khó khăn như trước.
Từ số hộ ít ỏi những năm sau giải phóng, chủ yếu là người dân đi khai hoang vùng kinh tế mới, đến nay dân số của xã Phú Lý đã lên tới 13,7 ngàn người. Đặc biệt, ở Phú Lý, có đồng bào dân tộc Chơro trung thành, bám trụ với Phú Lý và Chiến khu Đ từ hồi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đến nay, đồng bào dân tộc Chơro có 270 hộ và 1.094 nhân khẩu. Bà con đều có cuộc sống ổn định nhờ được hưởng những chính sách đặc biệt của Đảng và Nhà nước.
Ông Nguyễn Đình Biên, Phó bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Lý Lịch 1 cho biết: Năm 2005, đồng bào dân tộc Chơro được Nhà nước xây dựng cho một ngôi làng bền vững với 64 căn nhà mới (trị giá mỗi căn nhà là 39 triệu đồng), 44 nhà vệ sinh, 2,5 km đường nhựa, có trạm cấp nước sạch và điện sinh hoạt hợp chuẩn. Bà con dân tộc Chơro trong độ tuổi lao động đều có công việc ổn định bằng sản xuất nông nghiệp và gần 50% số dân còn lại đi làm công nhân cho những nhà máy ở trên địa bàn xã và ở KCN Thạnh Phú (xã Thạnh Phú), KCN Bàu Xéo (huyện Trảng Bom). Hiện Phú Lý có 32 học sinh được Nhà nước nuôi ăn học văn hóa và học nghề tại Trường cao đẳng nghề số 8, 1 sinh viên tốt nghiệp Trường đại học văn hóa Hà Nội và đã được giữ lại trường làm công tác giảng dạy.
Ông Cao Hiền Quang, Phó chủ tịch UBND xã, phụ trách kinh tế cho biết, là một xã vùng sâu, vùng xa nhưng Phú Lý hiện đã có được một hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ. Xã đã có 1 phòng khám đa khoa, 1 trạm y tế xã chuẩn quốc gia, 1 trường THPT và 1 trường mầm non cao tầng hiện đại với số tiền đầu tư hàng chục tỷ đồng.
Bà Huỳnh Thị Tươi, người dân ấp Cây Cầy, cho biết: "Giờ đây đời sống của người dân chúng tôi đã tốt hơn trước rất nhiều khi xã đã được đầu tư đầy đủ hệ thống điện, đường, trường, trạm. Đó là những điều mà trước đây có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới".
Trở lại ấp Lý Lịch 1, chúng tôi được gặp già làng Năm Nổi. Già làng Năm Nổi vui mừng cho biết, cách đây ít ngày, ông đã được nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu về thăm và động viên sống khỏe hơn để làm chỗ dựa tinh thần cho con cháu. "36 năm sau ngày giải phóng, cuộc sống của bà con đã thay đổi nhiều lắm so với trước kia. Chúng tôi tự hào và tin tưởng vào sự phát triển của địa phương nói riêng và của đất nước nói chung..." - già làng Năm Nổi cho biết.
Công Nghĩa