Báo Đồng Nai điện tử
En

Sàn giao dịch việc làm: Hướng đi mới trong tuyển dụng lao động

09:08, 11/08/2008

Sau một năm hoạt động, hình thức Sàn giao dịch việc làm (SGDVL) đang dần khẳng định ưu thế so với cách tổ chức những Ngày hội việc làm trước đây. Không chỉ hiệu quả trong vấn đề giải quyết việc làm, SGDVL còn dần mở ra hướng đi mới trong công tác tuyển dụng...

Sau một năm hoạt động, hình thức Sàn giao dịch việc làm (SGDVL) đang dần khẳng định ưu thế so với cách tổ chức những Ngày hội việc làm trước đây. Không chỉ hiệu quả trong vấn đề giải quyết việc làm, SGDVL còn dần mở ra hướng đi mới trong công tác tuyển dụng...

 

* Đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả

 

Theo nhận định của ông Lê Công Khanh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, qua các phiên giao dịch diễn ra từ đầu năm 2008 đến nay, SGDVL đã thể hiện ưu điểm về nhiều mặt so với chương trình Ngày hội việc làm của những năm trước đây.

 

Hiệu quả đầu tiên là SGDVL với cách tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, ít tốn kém tiền của, công sức. Trước kia, để tổ chức Ngày hội việc làm, các doanh nghiệp có nhu cầu phải huy động nhân lực để xây dựng và trang trí gian hàng, trực tư vấn và nhận hồ sơ của người lao động. Để thu hút người lao động, ban tổ chức còn phải tổ chức thêm các hoạt động phụ bên lề ngày hội như các trò chơi, các chương trình văn nghệ... Ngày hội việc làm thường kéo dài 2 - 3 ngày, với sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp, nên thời gian, nhân lực, tiền bạc huy động là không ít. Với SGDVL, mỗi doanh nghiệp tham gia chỉ cần một chiếc bàn gọn nhẹ để tư vấn, cung cấp thông tin và tuyển dụng trực tiếp lẫn qua mạng internet.

 

Nhưng quan trọng hơn, SGDVL đã thực hiện được nhiệm vụ chính: trở thành cầu nối giữa lao động và việc làm. Nếu như trong những năm trước, bình quân mỗi năm Ngày hội việc làm giúp tiếp nhận khoảng từ 3 - 4 ngàn lao động, thì từ tháng 8-2007 đến nay, qua 6 phiên giao dịch của SGDVL cũng có gần 6 ngàn lao động được tiếp nhận. Tỷ lệ người lao động được tuyển dụng cũng cao hơn: chiếm khoảng 47% so với tổng số người tham dự, cao hơn hẳn so với Ngày hội việc làm trước kia thường có tỷ lệ chỉ ở mức khoảng 10%. Anh Hoàng Minh Tuấn, nhân viên Phòng nhân sự Công ty Sanlim Furniture (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) nhận xét: "Kết quả tuyển dụng tại SGDVL rất khả quan. Chỉ mới qua 2 phiên giao dịch, đơn vị đã tuyển dụng được một số cán bộ kỹ thuật ở các nghề điện, điện lạnh, kế toán... như mong muốn".

 

Lao động trẻ đến với Sàn giao dịch việc làm Đồng Nai lền thứ 6.

 

 Ngoài tuyển dụng trực tiếp, một hình thức giao dịch mới mẻ khác cũng đã được hình thành và dần trở thành thói quen ở các phiên giao dịch của SGDVL, đó là giao dịch trực tuyến qua mạng internet. Qua một năm thực hiện, trang web vieclamdong nai.net đã thu hút được trên 220 ngàn lượt người truy cập. Chưa có số liệu thống kê cụ thể lượng người được tuyển dụng qua hình thức giao dịch này, nhưng với lượng người truy cập ngày càng tăng chứng tỏ đã có sự chuyển biến trong phương thức tiếp cận thị trường thông tin lao động. Và hình thức giao dịch qua mạng internet khi được tạo thành thói quen sẽ ngày càng mở ra nhiều cơ hội tiếp xúc cho doanh nghiệp lẫn người lao động.

 

* Định hình cách tuyển dụng mới

 

Nếu như trong 5 phiên giao dịch trước, số người lao động đến tìm việc làm có đủ trình độ từ lao động phổ thông cho đến đại học, thì ở phiên giao dịch lần thứ 6 tại Biên Hòa diễn ra ngày 10-8 vừa qua, hầu như SGDVL đã định hình được đối tượng chính: là nơi giao dịch của những lao động có tay nghề.

 

Chị Điêu Thị Kim Minh, trưởng phòng nhân sự Công ty Saitex International (KCN Biên Hòa 2) "than thở": "Hầu như không tìm được công nhân nào trong phiên giao dịch sáng 10-8 trong khi doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng đến gần 100 lao động phổ thông ngành may". Cùng "cảnh ngộ", là Công ty điện tử Việt Tường với nhu cần tuyển dụng 200 công nhân lắp ráp điện tử. Công ty Sanlim Furniture thì cần đến 1 ngàn lao động, nhưng rút kinh nghiệm từ phiên giao dịch trước nên đại diện công ty chủ yếu đến đây để tìm lao động có tay nghề, còn với số lao động phổ thông thì "vớt" được người nào hay người ấy.

 

Đến với SGDVL lần thứ 6, hầu hết người tìm việc đều có trình độ từ trung cấp trở lên, có cả những người hiện đang giữ vị trí quản lý nhưng mong muốn tìm việc thích hợp hơn. Một số bạn trẻ mới tốt nghiệp từ các trường dạy nghề, như Lê Minh Luân (tốt nghiệp khoa quản trị Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi) hay Phạm Ngọc Định (tốt nghiệp hệ trung cấp ngành cơ khí sửa chữa) cho biết, ngay từ lúc đi thực tập, đã có doanh nghiệp sẵn sàng nhận vào làm. Nhưng các bạn trẻ này đến với SGDVL vì mong rằng sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.

 

Ngoài số học sinh mới ra trường, số lượng người lao động đã có việc làm nhưng mong muốn tìm một môi trường làm việc thuận lợi hơn, phù hợp hơn, thu nhập cao hơn cũng đến tìm thông tin qua SGDVL. Chị N.T., tốt nghiệp Trường đại học Lạc Hồng, hiện đang có công việc ổn định ở Bình Dương, đã đến SGDVL vì muốn tìm được một công việc phù hợp và được làm ở gần nhà hơn. N.L, tốt nghiệp ngành luật, hiện đang làm ở TP.Hồ Chí Minh cũng tranh thủ ngày nghỉ đến SGDVL với mong muốn tìm được nơi "đất lành chim đậu". N.Đ.D., hiện đang giữ vị trí trưởng phòng của một công ty ở Trảng Bom với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng thì tuyên bố thẳng thừng: "Nếu tìm được đơn vị nào có thu nhập cao, tôi sẽ sẵn sàng "bay".

 

"Với những lao động có trình độ, tay nghề, phiên giao dịch lần 6 đã tỏ ra quy củ, nề nếp và chuyên nghiệp hơn khi người lao động nắm bắt nhanh và đáp ứng những yêu cầu của doanh nghiệp" - anh Võ Minh Tuấn, chuyên viên về thị trường thông tin lao động Sở Lao động - thương binh và xã hội nhận xét. Tuy nhiên, về mục tiêu thông qua SGDVL để nắm bắt thông tin về xu hướng nghề nghiệp từ nay đến năm 2010 nhằm đề ra định hướng nghề nghiệp cho học sinh trường nghề, người lao động, thì cho đến nay Ban tổ chức SGDVL vẫn còn thiếu sự hợp tác từ phía doanh nghiệp. Hầu hết các đơn vị đến sàn chỉ lo tuyển dụng lao động cho đơn vị mà lơ là việc cung cấp thông tin phản hồi cho đơn vị tổ chức.

Nam

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Tin đăng tuyển kế toán tại Vieclam24h