Nhân kỷ niệm 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai, từ nay đến cuối năm 2008, người dân Đồng Nai sẽ có dịp chứng kiến, tham gia nhiều lễ hội đầy ý nghĩa.
Nhân kỷ niệm 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai, từ nay đến cuối năm 2008, người dân Đồng Nai sẽ có dịp chứng kiến, tham gia nhiều lễ hội đầy ý nghĩa.
* Những sắc màu lễ hội
Mở màn cho các lễ hội hướng đến kỷ niệm 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai là Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc miền Đông, sẽ diễn ra tại Bà Hào (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu). Thời gian diễn ra lễ hội cũng là dịp khởi công xây dựng Trung tâm du lịch sinh thái văn hóa Chiến khu Đ giai đoạn 2, vào tháng 10-2008. Dự kiến, lễ hội sẽ tập trung hàng ngàn nghệ nhân, diễn viên, vận động viên và nhân dân của các huyện, TX.Long Khánh, TP. Biên Hòa và các tỉnh, thành như: Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh... Trong các ngày lễ hội, nhiều hoạt động phong phú, mang bản sắc dân tộc sẽ diễn ra trong các ngày lễ hội như: giao lưu văn hóa văn nghệ - thể thao, thi biểu diễn trang phục dân tộc, tái hiện các lễ hội truyền thống của các dân tộc, trưng bày giới thiệu các món ẩm thực truyền thống, cùng các trò chơi dân gian. Đặc biệt, phần biểu diễn văn nghệ của các diễn viên không chỉ diễn ra ở Vĩnh Cửu, nơi tổ chức lễ hội, mà còn được rải ra ở các huyện Long Thành, Định Quán để người dân ở những khu vực này cũng có thể được thưởng thức các chương trình văn nghệ.
Một lễ hội khác cũng không kém phần hấp dẫn là Lễ hội đường phố tại TP.Biên Hòa, sẽ diễn ra trong tháng 12. Bà Chu Thị Như Đào, Giám đốc Trung tâm văn hóa - thể thao TP. Biên Hòa cho biết, ngoài các hoạt động như vũ hội hóa trang, biểu diễn võ thuật, lân sư rồng, còn có một hoạt động không kém phần thú vị, đó là chương trình văn hóa ẩm thực chủ đề Trăm món dân gian. Đây là đêm hội tụ những món ăn dân dã, mang đậm hương vị quê hương, đặc sản của từng vùng, miền như: nem bưởi, gỏi bưởi Biên Hòa, bánh canh Trảng Bàng, cơm hến Huế, bánh bèo bì Lái Thiêu... Dự kiến, chương trình sẽ quy tụ nhiều nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong và ngoài tỉnh như: Năm Ri, Cây Dừa, Bà Đốc, Phước Ốc, Năm Huệ, Bò Cạp Vàng, Vườn Xoài, Hương Huế, Dìn Ký Lái Thiêu... Còn nhớ, trong đêm thơ Biên Hòa tổ chức vào dịp Nguyên tiêu vừa qua, các gian hàng ẩm thực dân gian đã có sức thu hút rất lớn, nhất là giới trẻ. Vì thế, Chương trình Trăm món dân gian với thực đơn phong phú, mới lạ hơn, chắc hẳn sẽ là một trong những hoạt động đầy ý nghĩa, không chỉ giới thiệu được với công chúng những món ăn truyền thống của các vùng, miền, mà còn là dịp để quảng bá cho văn hóa du lịch Đồng Nai.
Phần "đinh" của tất cả các hoạt động kỷ niệm là Lễ hội 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai sẽ diễn ra tại Văn miếu Trấn Biên, dự kiến vào khoảng cuối tháng 12. Kịch bản của chương trình lễ hội được người dân rất mong đợi này, đến nay vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn tất, nhưng hứa hẹn sẽ hoành tráng do được "đặt hàng" bởi đạo diễn Lê Quý Dương, người chuyên viết kịch bản cho các lễ hội tầm cỡ quốc gia.
* Huy động các nguồn lực trong xã hội
Những hoạt động bên lề các lễ hội chính tuy không bề thế bằng nhưng sẽ góp phần không nhỏ vào sự thành công của các lễ hội. Một trong những hoạt động đó là Ngày hội trên sông, sẽ diễn ra trên sông Đồng Nai đoạn trước đình Tân Lân. Ngày hội này dự kiến sẽ diễn ra trong ngày 21 hoặc 27-12. Ngày hội sẽ tái hiện lại cảnh mua bán trên bến dưới thuyền tấp nập, trù phú của vùng đất Biên Hòa xưa, thêm vào đó là các hoạt động diễu hành thuyền hoa, biểu diễn trống hội, múa lân, võ thuật, thả hoa đăng trên sông. Một sân khấu nổi cũng được thiết kế trên sông để biểu diễn đờn ca tài tử, dân ca, cổ nhạc. Song song đó, một cung đường đặc biệt - dự kiến sẽ chọn đường Nguyễn Văn Trị chạy dọc bờ sông Đồng Nai và một số đường nhánh như Huỳnh Văn Lũy, Hoàng Minh Châu, để tái hiện các sinh hoạt và trò chơi dân gian như: đi cà kheo, chơi ô ăn quan, nhảy lò cò, bịt mắt đập niêu, thi đấu cờ tướng, viết thư pháp, tô màu tranh tượng... Để thêm sắc màu cho ngày hội, các đèn lồng, đèn hoa sen sẽ được huy động giăng ngang trên các cung đường và các cột điện ở khu vực này.
Một đặc điểm khác không thể thiếu trong chương trình kỷ niệm vùng đất Biên Hòa, đó là hai chiếc cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát dẫn vào cù lao Phố - Nông Nại đại phố sầm uất của vùng đất Biên Hòa xưa. Hai chiếc cầu này cũng sẽ được trang trí các loại đèn màu, đèn lồng, đèn sử dụng năng lượng mặt trời cùng với các phụ liệu khác như nón lá, gốm để trang trí thành những bông hoa, con thú xinh xắn, ngộ nghĩnh.
Tại lễ hội kỷ niệm 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai, ban tổ chức sẽ huy động tối đa sự tham gia của xã hội: Không chỉ kêu gọi, vận động tài trợ của các doanh nghiệp, mà còn khuyến kích các hộ dân dọc theo các tuyến đường trọng điểm như: Hà Huy Giáp, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trị, 30-4, Nguyễn Ái Quốc... tham gia cùng trang trí làm đẹp mặt tiền nhà, phố bằng các đèn hoa, cây cảnh trên cơ sở thể hiện tính mỹ thuật và bản sắc dân tộc. Ven hai bờ sông, ban tổ chức sẽ vận động người dân trồng các loại hoa như: Bò cạp vàng, hoa giấy, hoa trang. Sẽ có những giải thưởng dành cho những ý tưởng sáng tạo, mỹ thuật. Đặc biệt, nhân dịp lễ hội có thể một "bảo tàng gốm" sẽ ra đời để tái hiện lịch sử hình thành làng nghề gốm Biên Hòa.
Để tiến độ thực hiện lễ hội theo đúng kế hoạch, ngay thời điểm hiện tại, các ban, ngành chức năng đều đã "tăng tốc". Theo bà Huỳnh Thị Nga, Phó chủ tịch UBND tỉnh, việc tổ chức lễ hội kỷ niệm 310 năm Biên Hòa - Đồng Nai sắp tới sẽ được xây dựng xứng đáng với tầm vóc của tỉnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân nhưng vẫn đảm bảo tiết kiệm triệt để theo chủ trương của Đảng.
Thanh Thúy