Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời đàm:
Uống nước nhớ nguồn

10:07, 25/07/2008

Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công và giải quyết tốt các chính sách tồn đọng sau chiến tranh theo chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, từ nhiều năm qua không chỉ là nhiệm vụ của ngành chức năng mà còn trở thành phong trào chung của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công và giải quyết tốt các chính sách tồn đọng sau chiến tranh theo chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, từ nhiều năm qua không chỉ là nhiệm vụ của ngành chức năng mà còn trở thành phong trào chung của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Đây là việc làm trách nhiệm, nghĩa tình, thể hiện truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc Việt Nam. Kết quả của nhiều chương trình và phong trào rộng lớn trong xã hội đã phần nào bù đắp, xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Nhưng có thể nói trong công tác tác này vẫn không sao tránh được những mặt hạn chế, thiếu sót, nhất là cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, thống nhất và kịp thời tất cả các chính sách đối với người có công với nước. Đặc biệt là tiếp tục quan tâm và có những hỗ trợ kịp thời đối với thương binh, gia đình liệt sĩ còn có những khó khăn, gia đình chính sách ở những vùng sâu, vùng xa...

Điều đáng quý và trân trọng là chính những gia đình chính sách và người có công đã phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của bản thân và gia đình, đã nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn để trở thành những điển hình tiên tiến xuất sắc trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, học tập, nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ "thương binh tàn nhưng không phế", thực sự là công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu. Trong cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng ngày càng xuất hiện nhiều những tấm gương điển hình thương binh làm kinh tế giỏi, gia đình cách mạng gương mẫu, đi đầu trong nhiều phong trào xây dựng và phát triển quê hương. Trân trọng với những đóng góp, hy sinh xương máu của thương binh, liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến cứu nước trước đây, chúng ta càng cảm động với nỗ lực vươn lên của các cá nhân và gia đình chính sách trong cuộc sống hôm nay.

Ngày 27-7 hằng năm là dịp để "tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái" với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, như lời Bác Hồ căn dặn. Đồng thời cũng là dịp để chúng ta giáo dục cho các lớp con cháu đạo lý "Ăn quả nhớ người trồng cây", để các thế hệ hôm nay và mai sau biết ơn những người đã đổ mồ hôi và xương máu dựng xây và gìn giữ đất nước hôm nay. Làm tốt công tác Thương binh - liệt sĩ không chỉ là đạo lý, trách nhiệm mà còn là việc làm góp phần tạo sự ổn định về chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước tiếp tục phát triển giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh của biết bao anh hùng, liệt sĩ vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

ĐN

Tin xem nhiều