Báo Đồng Nai điện tử
En

Không có hoa hồng...

10:03, 08/03/2007

Không có ngày 8-3 là tình cảnh chung của phần nhiều nữ công nhân ở các khu nhà trọ bởi không nhiều công ty tổ chức họp mặt hay các hoạt động kỷ niệm ngày lễ này. Với họ, ngày này không chỉ là một ngày rất đỗi bình thường mà lắm khi lại còn thấy chạnh lòng.

Không có ngày 8-3 là tình cảnh chung của phần nhiều nữ công nhân ở các khu nhà trọ bởi không nhiều công ty tổ chức họp mặt hay các hoạt động kỷ niệm ngày lễ này. Với họ, ngày này không chỉ là một ngày rất đỗi bình thường mà lắm khi lại còn thấy chạnh lòng.

 

Một ngày trước 8-3, tôi tìm đến khu nhà trọ phía sau trụ sở UBND xã Hóa An - nơi trú ngụ của rất đông nữ công nhân công ty Pouchen đã quá 7 giờ tối. Căn nhà trọ thấp lè tè ước chừng chưa tới 7m2 gồm cả nhà vệ sinh, bếp ăn là nơi tá túc của ba cô gái Hà, Thi, Phương (quê Thanh Hóa). Cả nhóm đang lúi húi chuẩn bị bữa ăn tối với một ít rau xanh và trứng. Trong phòng không tivi, không sách báo, không có lấy một chiếc đài để nghe. Dường như không ai có vẻ hồ hởi với câu chuyện về ngày 8-3 sắp đến. Hà kể: "6 năm làm ở công ty mà năm nào tôi cũng thấy đó là một ngày bình thường, sáng vào xưởng cũng thấy mọi người chộn rộn, bàn tán, nhưng đến chiều thì ai về nhà nấy, chẳng có hoạt động gì. Hồi mới vào còn tổ chức tụ tập, nấu chè tự mấy chị em vui vẻ với nhau nhưng mấy năm nay mệt quá nên đành thôi". "Đó là một ngày bình thường, cũng sáng đi làm chiều về nhà, cả phòng chẳng ai có bạn trai hay người yêu để đến thăm hay được tặng hoa, thiệp" - Thi cười buồn buồn. Căn nhà trọ cạnh bên có vẻ rộn ràng hơn bởi một nhóm 5 cô gái trẻ. Qua câu chuyện, chỉ mình cô gái tên Trần Phương Hằng (Nghệ An) là may mắn nhất. Hằng nhỏ nhắn, khá xinh, có bạn trai tên Quân là bạn học ở quê, cùng lặn lội vào đây tìm việc, ở cách nhà trọ này vài dãy phòng.  Hai người cũng có kế hoạch cuối năm nay cưới. Những dịp lễ tết, cuối tuần, Quân sang chơi cũng là lúc cả phòng cũng vui lây khi tất cả tụ tập nấu ăn, đàn hát.  Bạn bè trong phòng rất mừng cho hạnh phúc của Hằng nhưng cũng không giấu được sự chạnh lòng khi nghĩ về tương lai đời mình.

"Ngày mai ở xưởng em chắc là vui vì bữa nay nghe đâu anh tổ trưởng có nói sẽ tạo một sự bất ngờ. Vào dịp 8-3 năm rồi, sáng sớm vừa bước vô xưởng đã thấy anh tổ trưởng cầm một bịch bong bóng phát tặng mỗi người một cái kèm theo sợi dây thun. Tổ đông người nên quà tặng của anh tổ trưởng chỉ có vậy. Nhưng không ngờ tới lúc đi ăn cơm trưa, hàng trăm cái bong bóng đủ màu sắc trên tay tụi em cũng làm nhà ăn thêm chộn rộn, vui mắt". Đó là niềm vui khá hiếm hoi tôi nghe được từ cô công nhân tên Kiều của Công ty Changshin. Còn Ngọc Hiền (quê Trà Vinh) làm ở xưởng may cho biết: "Ngày 8-3 cách đây 4 năm với em còn là một kỷ niệm đáng nhớ. Đó là ngày em nhận quyết định thôi việc khi đang làm ở công ty may gia công ở Bình Dương. Bữa đó mới ngồi vô bàn máy thì chị tổ trưởng kêu lên văn phòng nhận quyết định thôi việc vì hết hợp đồng, công ty không ký tiếp. Buồn chán quá, không biết đi đâu, em bắt xe ôm qua thăm đứa bạn làm ở đây, không ngờ xin được việc ở công ty luôn".      

Cuộc sống của nữ công nhân nhà trọ suốt ngày quần quật trong nhà xưởng, tối về lủi thủi trong những căn nhà trọ bé xíu, thiếu thốn. Họ đến từ tứ xứ, từ miền Bắc, miền Trung, miền Tây...đổ về đây với mong mỏi tìm một việc làm, có thu nhập ổn định thay cho công việc nhà nông, bấp bênh ở làng quê nghèo khó. "Đôi lúc mình cần một người bạn đến cùng vui, tặng một đóa hoa hoặc tấm thiệp hay chỉ là một lời thăm hỏi, động viên nhau" - tâm sự của Nguyễn Thị Ngọc Hòa, công nhân công ty Lạc Cường mà tôi nghe được khi tìm đến khu nhà trọ gần Trường công nhân kỹ thuật Đồng Nai. Một ước mơ rất chân thật và bình dị của đa phần nữ công nhân nhưng sao nghe nhói lòng và xa vời vợi.    

T.Trang

Tin xem nhiều