Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai Di tích - danh thắng: Đền thờ Nguyễn Tri Phương

09:03, 09/03/2007

Đền thờ Nguyễn Tri Phương tọa lạc bên hữu ngạn sông Đồng Nai, xưa kia thuộc thôn Mỹ Khánh, tỉnh Biên Hòa nay là phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa. Di tích đã được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia (Quyết định số 1539-QĐ, ngày 27-12-1990).

Đền thờ Nguyễn Tri Phương tọa lạc bên hữu ngạn sông Đồng Nai, xưa kia thuộc thôn Mỹ Khánh, tỉnh Biên Hòa nay là phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa. Di tích đã được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia (Quyết định số 1539-QĐ, ngày 27-12-1990).

 

Nguyên thủy, đình có tên là Mỹ Khánh thờ Thần Thành hoàng bổn cảnh. Sau khi danh tướng Nguyễn Tri Phương mất, nhân dân Biên Hòa đã tạc tượng, thờ ông tại đình. Từ đó, đình Mỹ Khánh đổi tên là đền thờ Nguyễn Tri Phương.

Đền thờ Nguyễn Tri Phương là cơ sở tín ngưỡng gắn bó với đời sống tinh thần của người dân Biên Hòa - Đồng Nai được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Công (I). Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật truyền thống còn bảo lưu những nét tiêu biểu có tính chuẩn mực, kiểu thức của một ngôi đình làng Nam bộ với mái ngói âm dương, tường xây gạch thẻ tô vôi, cột kèo làm bằng gỗ quý. Nội thất bày trí trang nghiêm với các bàn hương án chạm lộng công phu; hoành phi, liễn đối cổ kính nội dung ca ngợi công lao của Thần Thành hoàng và danh tướng Nguyễn Tri Phương. Đặc biệt, trong đền thờ tượng Nguyễn Tri Phương làm bằng gỗ mít nài. Tương truyền rằng có một bô lão ở địa phương nằm mộng thấy ông hiện về áo bào lẫm liệt, vũ khí trong tay bèn chặt cây mít trước nhà tạc tượng như hình trong mộng. Ngoài ra, trên bàn hương án thờ Thần còn lưu giữ bộ áo mão vua ban cho Nguyễn Tri Phương khi đi kinh lược phương Nam.

Nguyễn Tri Phương tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên, sinh ngày 9 tháng 9 năm 1800 (ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân) trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học ở tỉnh Thừa Thiên. Thuở thiếu thời, Nguyễn Tri Phương tỏ rõ là người thông minh có ý chí, hoài bão và đức độ hơn người. Mới tuổi 23, ông đã được tiến cử vào làm việc tại triều đình nhà Nguyễn. Qua ba triều: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Nguyễn Tri Phương luôn được tin dùng và giữ nhiều trọng trách như: Thượng thư Bộ Lại, Bộ Công, Bộ Binh, Hiếu điện Đại học sỹ - một chức hàm trong tứ trụ triều đình, đứng đầu hàng võ...

Trước quân thù, ông là một dũng tướng; trong lòng dân, ông là bậc hiền tài. Vì mệnh nước, Nguyễn Tri Phương đã đi khắp mọi miền đánh đuổi giặc ngoại xâm, lập nhiều công trạng, đến đâu ông cũng đều thu phục nhân tâm, mở mang kinh tế.

 Tháng 2 năm 1861, sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ, Nguyễn Tri Phương dẫn  quân về lập tuyến phòng thủ ở Biên Hòa. Công việc đang gấp rút tiến hành thì triều đình có lệnh triệu hồi ông. Hơn 10 năm sau ở tuổi 73, trong một cuộc tử chiến với quân Pháp tại thành Hà Nội, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng, bọn Pháp cho người đến điều trị vết thương hòng mua chuộc nhưng ông kiên quyết cự tuyệt rồi mất vào ngày 20-12-1873 (nhằm ngày 1 tháng 11 năm Ất Dậu). 

Sống oai hùng, chết oanh liệt, người dân Biên Hòa - Đồng Nai đã tôn kính thờ ông với niềm tin sâu sắc rằng ông sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hàng năm, vào ngày 16,17 tháng 10 (âm lịch) tại đền diễn ra lễ Kỳ yên theo phong tục thờ Thần của người Việt rất long trọng, được đông đảo nhân dân đến thành kính dâng hương.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, đền thờ Nguyễn Tri Phương đã nhiều lần được trùng tu, sửa chữa: năm 1804 xây thêm nhà khách; năm 1962 trùng tu Tiền điện, Chánh điện; năm 1970 sửa chữa nhà khách. Sau khi di tích được xếp hạng, năm 1996 và năm 2003, được sự hỗ trợ nguồn vốn của Trung ương và tỉnh, Bảo tàng Đồng Nai đã tiến hành trùng tu toàn bộ ngôi đền. Năm 2006, Ban Quý tế đền thờ Nguyễn Tri Phương đã phục dựng lại bức bình phong trước đền, làm hàng rào bảo vệ di tích, kinh phí lên tới hàng chục triệu đồng bằng nguồn xã hội hóa. Cũng trong năm 2006, Sở VHTT Đồng Nai đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Biên Hòa có kế hoạch trải nhựa con đường từ tỉnh lộ 16 vào di tích và trang bị hệ thống chiếu sáng. Ban Quản lý Di tích - danh thắng Đồng Nai đang tiến hành làm biển chỉ đường, bia xếp hạng và bảng thuyết minh di tích đền thờ Nguyễn Tri Phương để phục vụ tốt du khách.

Thúy Nga

Tin xem nhiều