Báo Đồng Nai điện tử
En

Những giai điệu đa thanh
(Nhân ngày thế giới đọc sách 1-3)

10:02, 28/02/2007

1. Đọc sách đã trở thành một nhu cầu của loài người từ rất sớm: ngoài việc nâng cao hiểu biết - tiếp nhận thông tin mà sách vở đưa tới, người ta còn có thể học tập cách trình bày ý tưởng, diễn đạt suy nghĩ của mình. Cũng vì thế mà cách đây hơn 2.500 năm, Khổng Tử đã nói: "Bất học Thi vô dĩ ngôn" (Không học Kinh thi thì biết lấy gì mà nói chuyện.

1. Đọc sách đã trở thành một nhu cầu của loài người từ rất sớm: ngoài việc nâng cao hiểu biết - tiếp nhận thông tin mà sách vở đưa tới, người ta còn có thể học tập cách trình bày ý tưởng, diễn đạt suy nghĩ của mình. Cũng vì thế mà cách đây hơn 2.500 năm, Khổng Tử đã nói: "Bất học Thi vô dĩ ngôn" (Không học Kinh thi thì biết lấy gì mà nói chuyện. Không dừng lại ở việc tìm kiếm, mở mang kiến thức, trên một diễn đàn, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh còn cho rằng, đọc sách là để nâng cao năng lực ngữ văn - năng lực giao tiếp xã hội. Khẳng định này được lập luận rằng, thực tế đã chứng minh, việc đọc sách có thể nâng cao khả năng diễn đạt trong giao tiếp (cả nói và viết), mà cụ thể là năng lực ngữ văn, tức năng lực làm chủ từ vựng, ngữ pháp và cả phong cách trong ngôn ngữ để thể hiện chính xác và trọn vẹn suy nghĩ của mình cũng như tiếp nhận chính xác và trọn vẹn suy nghĩ của người khác. Năng lực sử dụng ngôn ngữ trong mọi tình huống tùy thuộc vào bản lĩnh sống, bản lĩnh thể hiện lối sống và quan niệm sống - bản lĩnh mà người ta phải học tập rèn luyện đến hết cuộc đời. Để có được bản lĩnh ấy, không gì khác hơn là người trẻ tuổi phải bắt đầu từ việc học tập trong nhà trường, trong sách vở.

Nhưng có ý kiến phản biện rằng, khả năng đọc sách hay viết câu đúng ngữ pháp có thực sự còn cần thiết trong thời đại ngày nay, khi một phần mềm thật tốt đã có thể giúp học sinh, sinh viên tiết kiệm được mấy chục năm đọc sách? Khoa học kỹ thuật đã có mặt và can thiệp vào mọi lĩnh vực, kể cả việc nhân bản, tạo dựng một một thực thể con người thì việc thiết lập một chương trình hỗ trợ năng lực sử dụng ngôn ngữ cho con người không có gì quá sức. Nhưng có ý kiến quá lo lắng và cho rằng còn gì thú vị  khi con người đó gần như được lập trình, khi cần gì cũng phải gõ bàn phím, khi cần gì cũng phải tra tự điển... Diễn đàn kết thúc nhưng không phân định đúng sai, chỉ biết rằng, xét cho cùng, sách hay khoa học kỹ thuật cũng chỉ là phương tiện chứ không phải mục tiêu hay bản chất của sự phát triển. Nên ai thấy mê đọc sách thì đọc sách, ai mê lướt net thì gõ bàn phím.  

2. Riêng người viết bài này chỉ muốn bày tỏ rằng, nhờ đọc sách mà tôi có thể tìm về ký ức tuổi thơ, khám phá những điều mới lạ, mở cửa kho tàng kiến thức bao la hay phiêu lưu qua các vùng miền xa lắc, chạm vào thế giới hư vô. Hồi nhỏ thì đọc Dế mèn phiêu lưu ký, Miền đất ven sông, Thời thơ ấu, DonQuixote, Ba chàng ngự lâm pháo thủ, Đầu giáo sư Nobe... Lớn hơn một chút thì đọc Thép đã tôi thế đấy, Tuổi mười bảy, Khải hoàn môn, Trăm năm cô đơn, Một ngày dài hơn thế kỷ, Những ngọn gió HuaTát... Thời sinh viên ngấu nghiến trong thư viện những Phía Tây không có gì lạ, Cô gái da trắng phải chết, Lựa chọn sinh tử, Núi thiêng, Một ngày dài hơn thế kỷ, Tình yêu thời thổ tả... Thỉnh thoảng lao vào những quyển dạy làm người, làm giàu. Một lần ở sân trường tôi, trong câu chuyện, người bạn khoe đã đọc Những con chim ẩn mình chờ chết, Cuốn theo chiều gió lúc đang học thi tốt nghiệp lớp 9, để sau đó bị ba mẹ rầy la. Tôi giật mình vì đã đọc những tác phẩm đó khi mới học lớp 5. Ngẫm nghĩ lại thấy buồn cười, vì hồi đó, sách báo khan hiếm, mấy anh chị tôi đọc cái gì thì cho tôi đọc ké cái đó. Một chị bạn nói rằng, chị vớ được cuốn nào dày thì cắm cúi mà đọc, đọc đến quên nồi cơm cháy đen cháy đỏ dưới bếp. Nhiều bậc cha mẹ biết con gái mê đọc sách, đọc truyện, sợ lậm cái chất lãng mạn ái tình mà bi lụy, sầu khổ nên cấm cản, rầy la, lắm lúc dúi cả đống sách vào bếp lửa.  

3. Cũng nhờ đọc sách mà tôi có thêm thói quen phác họa chân dung những người chưa gặp. Mới chỉ đọc sách, chưa gặp tác giả bao giờ, nhưng từ những trang sách sẽ hình dung những gương mặt tác giả - nhân vật, bởi văn là người. Nhờ sách, tôi được hầu chuyện với các tác giả - nhân vật, từ sách văn học đến sách công cụ đều mang lại những giá trị bởi từ sách luôn có  một sợi dây liên lạc nào đó thật mảnh mai mà cũng thật bền chặt nối kết tâm hồn tác giả với thế giới con người. Cũng từ sách mà câu chuyện với bạn bè, đồng nghiệp mỗi ngày bớt nhàm chán hơn. Một đồng nghiệp của tôi đã viết trên blog rằng:  "Niềm vui duy nhất của tôi trong thời gian này là trốn vào một góc quán cà phê nào đó để ngồi đọc tiểu thuyết. Tôi đọc rất nhiều, ngốn ngấu những cuốn mới "Con nhân mã trong vườn", "Tình ơi là tình", "Hạt cơ bản", "Cô giáo dương cầm", "Thời gian đầu tiên và cuối cùng"... Đọc và liên hệ thường trực với cuộc sống của tôi". Quả thật trong đời có những cuốn sách là bạn của ta, là thầy của ta. Như tôi hồi đọc "Kim chỉ nam của học sinh" của tác giả Nguyễn Hiến Lê mà có một niềm tin và tự biết cách học theo hướng dẫn trong sách .

Vì sách mà các nhà sách mà điểm không thể thiếu mỗi lần lên tôi Sài Gòn, hay chỉ những buổi trưa lang thang dạo quanh Biên Hòa. Vì sách mà có dịp ra Hà Nội là tôi tìm đến phố sách Nguyễn Xí - Đinh Lễ. Vì sách mà ai cũng chép miệng than thở giá sách cao quá nhưng sẵn sàng dốc hết đồng tiền cuối cùng để có bằng được cuốn sách mình yêu thích. Vì sách mà tôi yêu cái không khí đông đúc, chen chúc, lựa chọn ở hội chợ sách hàng năm tại TP.Hồ Chí Minh.

Cũng vì sách mà tôi biết được Mạc Ngôn, Thomas L.Friedman, Nguyễn Hiến Lê... biết được cách nhìn nhận của phương Đông, phương Tây, của người xưa người nay có phần khác nhau song giá trị nhân văn của mọi nền văn học thì không bao giờ thay đổi.  

Cũng vì sách mà tôi biết lắng nghe cuộc đời bằng những giai điệu đa thanh...

Thu Trang

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích