"Đẹp, thoáng đãng và không kém phần thơ mộng" là nhận xét của nhiều người Biên Hòa về công viên Biên Hùng hôm nay. Nhưng để có được lời nhận xét ấy thật không đơn giản là cải tạo lại khuôn viên, mang lại những khoảng xanh đáng giá giữa lòng thành phố .
"Đẹp, thoáng đãng và không kém phần thơ mộng" là nhận xét của nhiều người Biên Hòa về công viên Biên Hùng hôm nay. Nhưng để có được lời nhận xét ấy thật không đơn giản là cải tạo lại khuôn viên, mang lại những khoảng xanh đáng giá giữa lòng thành phố .
Năm 1997, công viên Biên Hùng được xây dựng lại từ một khuôn viên cũ. Với hồ nước và những lối đi dọc khuôn viên, những khoảng trống xen lẫn cây xanh, công viên Biên Hùng là địa điểm lý tưởng cho các sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của người dân thành phố Biên Hòa lúc bấy giờ. Tuy nhiên, một thời gian dài không được quản lý chặt chẽ, nên công viên nhanh chóng xuống cấp. Mảng cây xanh bị bỏ quên, hồ nước đầy rong rêu, rơi vào tình trạng ô nhiễm nặng do các hộ dân sống ven công viên xả xuống. Bên ngoài, mặt tiền bị lấn chiếm để xây dựng các kiosque bán hàng, tạo một cảnh quan rất xấu. Cũng từ đó, người dân ít lui tới, công viên dần trở nên vắng vẻ và chỉ là nơi dừng chân của những người lang thang, nơi lý tưởng cho các tệ nạn xã hội phát sinh.
Nhắc lại những chuyện cũ để thấy rằng, năm 2002, UBND thành phố quyết định điều chỉnh quy hoạch phường Trung Dũng mà trọng tâm là cải tạo, nâng cấp công viên Biên Hùng là quyết định đúng đắn. Đây là công việc không chỉ đơn thuần là cải tạo công viên cũ mà sự hiện diện của nó góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị, tạo khoảng xanh cho người dân thành phố. Kiến trúc sư Huỳnh Phú Kiệt - một người con của Biên Hòa - đã mượn tên "Trả lại tên cho em" - tên tập cuối bộ phim "Biệt động Sài Gòn" để đặt cho đề án cải tạo công viên mà anh đảm nhận. "Không để một Biên Hùng từng là niềm tự hào của người dân rơi vào quên lãng và hãy trả Biên Hùng về đúng chức năng của nó là mong muốn của người Biên Hòa" - kiến trúc sư Huỳnh Phú Kiệt tâm sự. Khi bắt tay vào việc, anh cùng các đồng sự cố gắng giữ lại gần như nguyên trạng những hàng cây có hàng chục năm tuổi. Khu vui chơi dành cho thiếu nhi được tập trung về một phía, thông ra khoảng trống dành cho các hoạt động vui chơi tập thể. Cái "lô cốt" - chứng tích của chiến tranh được che lại bằng hàng ngàn giỏ hoa, thể hiện một sức sống mới. Đặc biệt, hồ nước là điểm nhấn quan trọng trong công viên mà khách đến sẽ cảm nhận được sự thú vị khi dạo quanh. Dọc bờ hồ là lối đi thơ mộng ngăn cách với bờ hồ là thảm cỏ nhung xanh mượt. Mặt hồ sạch rác và bèo hơn mang lại cảm giác bình yên thật quyến rũ. Bờ hồ cũng là lựa chọn lý tưởng của người thành phố đi tập thể dục.
Cái nhộn nhịp của buổi sáng chủ nhật cuối năm dường như tách khỏi nhịp trầm rất riêng ở công viên Biên Hùng. Trẻ nhỏ tung tăng giữa các lối đi, người lớn đi dạo quanh bờ hồ, đón không khí trong lành. "Công viên bây giờ khác ngày xưa quá. Đẹp, thoáng đãng và thơ mộng hơn nhiều" - ông Trần Ngọc Bảo (phường Thống Nhất, Biên Hòa) sau 9 năm định cư ở Úc trở về đón tết cùng gia đình đã có nhận xét như thế khi dạo quanh công viên. Ông tỏ ý rất thích cổng chào bằng thép mang dáng dấp của một chiếc thuyền thời các vua Hùng, cùng với hình ảnh cánh chim Lạc vút cao. Cụ bà Kiều Thị Chi, 72 tuổi, cho biết: "Tôi thích vào công viên để ngắm nhìn khu bờ hồ. Đi dạo quanh đây tôi như có cảm giác đang đi dạo quanh bờ hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội. Vào chơi với con gái được hơn 2 tuần rồi, sáng nào tôi cũng được con cháu đưa ra đây vừa đi dạo vừa tập thể dục". Còn với nhiều người dân ở Biên Hòa, việc "thưởng" cho con một buổi sáng cuối tuần dạo chơi công viên khi con cái học tốt đã là thói quen trong vài năm gần đây. "Đưa các cháu vào đây chơi, tôi yên tâm vì nơi này mát mẻ lại an toàn, trẻ tha hồ chạy nhảy, còn vợ chồng tôi thì đọc sách báo. Đây là lựa chọn của gia đình tôi sau một tuần lễ học tập và làm việc"-chị Ngọc Lan (phường Trung Dũng) bộc bạch.
Thu Trang