Nhớ Biên Hòa (*) là cuốn sách thứ 30 của nhà văn Khôi Vũ vừa mới ra mắt bạn đọc, có một chuyện hơi lạ là lần đầu tiên tác giả đưa cùng lúc hai bút danh của mình là Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải. Còn ở phần cuối trang bìa, nơi tóm tắt tiểu sử tác giả lại có ghi thêm hàng chữ: Học tập, trưởng thành và làm việc tại Biên Hòa.
Nhớ Biên Hòa (*) là cuốn sách thứ 30 của nhà văn Khôi Vũ vừa mới ra mắt bạn đọc, có một chuyện hơi lạ là lần đầu tiên tác giả đưa cùng lúc hai bút danh của mình là Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải. Còn ở phần cuối trang bìa, nơi tóm tắt tiểu sử tác giả lại có ghi thêm hàng chữ: Học tập, trưởng thành và làm việc tại Biên Hòa.
Trước những tình tiết ngồ ngộ này kèm theo lời đồn đại râm ran trong mấy ngày qua trong giới văn nghệ Đồng Nai, là Khôi Vũ đã có đơn xin thôi làm tạp chí Văn nghệ Đồng Nai để lên TP. Hồ Chí Minh "đầu quân" cho một tạp chí của thành phố, tôi đặt câu hỏi: "Có phải sắp rời nên ông... nhớ Biên Hòa?".
Khôi Vũ lắc đầu lia lịa và cải chính: "Hổng phải vậy đâu! Mình vẫn ở Đồng Nai và viết Nhớ Biên Hòa là từ một nhu cầu tư thân của người cầm viết, muốn được trang trải những kỷ niệm, cái nhìn riêng tư của mình về một nơi chốn mà mình đã sống đến nay đúng nửa thế kỷ vậy thôi!".
Trong lời ngỏ, tác giả Nhớ Biên Hòa đã nói khá rõ: "... Đây đơn giản chỉ là những trang hồi ức cá nhân. Và so với tất cả những gì đáng nhớ, thì đây cũng mới chỉ là một mảnh nhớ nhỏ nhoi... Hơn tất cả, đây là tấm lòng của tôi về mảnh đất Biên Hòa"... Vậy mà nhà văn Khôi Vũ - người từng đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990 với tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm và sau đó với truyện vừa Cha con ông Mắt Mèo lấy bút danh Nguyễn Thái Hải lại đoạt giải thưởng văn học thiếu nhi "Vì tương lai đất nước" của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và NXB trẻ, vẫn nói với tôi một cách cẩn trọng: "Nhớ Biên Hòa chỉ là những kỷ niệm rất riêng. Tôi không phải là nhà nghiên cứu nên cũng không thể viết về Biên Hòa một cách đầy đủ và toàn diện được!".
Tuy vậy, người đọc vẫn có thể từ những góc nhìn, những kỷ niệm rất riêng của tác giả để có thể biết được những chuyện của Biên Hòa ngày xưa như phương tiện đi lại: xe lô, xe ngựa, xe đò Liên hiệp... Các món ăn nổi tiếng một thời: bánh canh đầu cá chợ Đồn, cà ri dê Tư Dữ, vịt quay Hạnh Phước, thịt chó Hố Nai, mì Chú Mừng, phở Tứ Hải... Hoặc những địa danh như: đất Thánh Tây, Dốc Sỏi, ngã ba Thành Kèn, Vườn Mít, Cây Chàm, Lò Than... nay đang đi vào quên lãng.
Sinh năm 1950, tại làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội) rồi lần lượt vào Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn; năm 1956 Nguyễn Thái Hải chính thức "trụ" lại Biên Hòa. Trở thành nhà văn năm 20 tuổi với tác phẩm đầu tay viết cho tuổi học trò là Hoa tầm gởi (NXB Tuổi Hoa - Sài Gòn 1970), tiếp đó là Chiếc lá thuộc bài năm 23 tuổi, Nguyễn Thái Hải có bằng dược sĩ. Rồi lần lượt trở thành nhạc sĩ, nhà báo. Lĩnh vực nào Nguyễn Thái Hải cũng có những đóng góp nhất định. Với tư cách dược sĩ, Nguyễn Thái Hải đã từng làm Trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ của Công ty Dược phẩm Đồng Nai và hiện nay đang là Phó chủ tịch Hội Dược học Đồng Nai. Trong hoạt động âm nhạc với trên 10 bản nhạc đã sáng tác, trong đó có những bản "đứng" được với thời gian như: Về Đồng Nai quê em, Mưa nắng Biên Hòa, Lại qua Sông Phố... Nhiều năm nay, Nguyễn Thái Hải là một khuôn mặt quen thuộc trong những cuộc hội thi. Ông là chuyên gia "ban giám khảo" với mỗi năm tham gia khoảng 30 cuộc thi. Vậy mà cùng lúc Nguyễn Thái Hải lại phụ trách tạp chí Văn nghệ Đồng Nai và ấn phẩm Dưới mái trường. Đa đoan công việc và "phủ sóng" trên nhiều lĩnh vực như vậy, nhưng nhà văn 57 tuổi này vẫn cho rằng: "Viết văn là công việc ưu tiên số một. Tôi đặt ra kỷ luật cho cá nhân mình là mỗi ngày phải viết 1 tiếng đồng hồ trên máy vi tính".
Một người đã sống đúng nửa thế kỷ ở Biên Hòa và hoạt động trên nhiều lĩnh vực như Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải thì rõ ràng quyển Nhớ Biên Hòa vừa là truyện ký vừa mang tính hồi ức của tác giả có rất nhiều điều đáng xem và... nhớ.
Bùi Thuận
(*) Nhớ Biên Hòa, Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải, NXB tổng hợp Đồng Nai.