Tính từ những ngày đầu thành lập đến nay, báo Đồng Nai đã trải qua 5 đời Tổng biên tập. Mỗi vị lãnh đạo của báo đều để lại những dấu ấn quan trọng góp phần tạo nên thương hiệu báo Đồng Nai hôm nay. Nhân kỷ niệm truyền thống 60 năm, 30 năm thành lập báo (1976-2006), chúng tôi đã gặp gỡ và ghi lại kỷ niệm của các vị lãnh đạo báo qua các thời kỳ.
Tính từ những ngày đầu thành lập đến nay, báo Đồng Nai đã trải qua 5 đời Tổng biên tập. Mỗi vị lãnh đạo của báo đều để lại những dấu ấn quan trọng góp phần tạo nên thương hiệu báo Đồng Nai hôm nay. Nhân kỷ niệm truyền thống 60 năm, 30 năm thành lập báo (1976-2006), chúng tôi đã gặp gỡ và ghi lại kỷ niệm của các vị lãnh đạo báo qua các thời kỳ.
* Ông Lê Quang Thành, nguyên Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy kiêm Chủ nhiệm báo Đồng Nai
Khi tỉnh Đồng Nai được thành lập, ông Lê Quang Thành (Tư Thành) là Ủy viên thường trực phụ trách Tuyên huấn của Tỉnh ủy. Với trách nhiệm của mình, ông thấy cần phải có tờ báo để định hướng dư luận, nhất là trong tình hình đất nước vừa mới thống nhất. Ông đem ý tưởng trình với Bí thư Tỉnh ủy và sau đó được bàn trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, tất cả đều đồng tình với việc thành lập tờ báo. Tỉnh ủy phân công ông Tư Thành kiêm nhiệm chức vụ chủ nhiệm. Hồi đó, điều kiện, phương tiện làm việc và người biết làm báo đều rất thiếu nên Tỉnh ủy chỉ bổ nhiệm được nhà báo Đoàn Ngọc Giao "trực tiếp phụ trách biên tập".
Để có tin, bài cho báo, ông chủ nhiệm trực tiếp mời anh em quen biết làm cộng tác viên và bản thân ông cũng tham gia viết bài. Còn định hướng thông tin thì Chủ nhiệm báo gợi ý cho Tòa soạn khai thác những chủ trương, Nghị quyết của Đảng; phản ánh khí thế của Đảng bộ và nhân dân ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh; động viên nhân dân lao động sản xuất góp phần cùng Đảng và chính quyền vực dậy nền kinh tế đang bị kiệt quệ trầm trọng. Mỗi khi báo phát hành, Chủ nhiệm báo đều đọc rất kỹ và kịp thời trao đổi, góp ý với những tin, bài có vấn đề hoặc bài báo nào hay thì đồng chí biểu dương và khuyên anh em phóng viên học tập. Cách định hướng cụ thể và góp ý chân thành của ông Chủ nhiệm cho tờ báo và các phóng viên là những tiền đề tạo dựng nên một tòa soạn báo chuyên nghiệp, đội ngũ phóng viên có nghề sau này.
* Ông Đoàn Ngọc Giao, Phó tổng biên tập đầu tiên của báo Đồng Nai
Nhà báo Đoàn Ngọc Giao (Ba Giao) được bổ nhiệm là người "trực tiếp phụ trách biên tập" nhưng thực tế là xây dựng tờ báo, tổ chức tòa soạn, tổ chức in ấn và phát hành cùng tất cả những công việc "bếp núc" của cơ quan báo Đồng Nai. Tòa soạn báo là căn nhà hai phòng, diện tích chưa đầy 100m2 ở số 100/1, quốc lộ 1, Biên Hòa. Chiếc Vespa của cá nhân ông được "sung vào công quỹ" cùng với chiếc xe Jeep được tỉnh cấp là tài sản có giá trị nhất lúc bấy giờ.
Để bổ sung đội ngũ phóng viên cho tòa soạn, ông Ba Giao về các phường ở TP. Biên Hòa để tiếp cận và tuyển chọn người về làm báo. Trong số những người được tuyển chọn lúc đó hiện nay vẫn còn làm báo, có Bùi Thuận, Hoàng Thúy Liễu... và người từng có thời gian làm báo ở trong chiến khu nên ông Ba Giao đã hướng dẫn nghiệp vụ thu thập thông tin, thể hiện bài viết, cách chụp hình cho các phóng viên mới vào nghề. Bên cạnh đó, ông còn "chạy" đến các cơ quan, ban, ngành gặp gỡ cộng tác viên đặt bài, mời họa sĩ cộng tác trình bày báo. Mặt khác, để tờ báo được xuất bản, bằng mối quen biết cũ, ông Ba Giao đã tìm gặp những cán bộ ở Văn phòng Trung ương Đoàn tại TP. Hồ Chí Minh để "xin" toàn bộ "công nghệ in báo" (bằng chữ chì) và "xin" luôn người phụ trách công việc in ấn về thành lập xưởng in cho báo. Số báo Đồng Nai đầu tiên ra đời đúng vào dịp xuân Bính Thìn (tháng 2-1976) đã được chuẩn bị một cách đầy khó khăn như vậy. Nhưng khi báo được ra mắt bạn đọc, tập thể cơ quan đều rất đỗi vui mừng. Có báo, nhà báo Đoàn Ngọc Giao lại cùng anh em phóng viên đi phát hành báo.
Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Phó tổng biên tập báo Đồng Nai cho đến khi về nhận nhiệm vụ mới ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào năm 1980.
* Ông Lê Tân
, Tổng biên tập báo Đồng Nai (1978-1983)Hồi ấy, ngoài một số nhà báo từ trong chiến khu ra, còn lại số đông là anh em trẻ mới vô nghề chưa hiểu lắm về tầm quan trọng của báo chí cách mạng. Vì vậy, khi nhận nhiệm vụ, Tổng biên tập Lê Tân chủ trương phải làm cho anh em hiểu báo chí cách mạng là phục vụ sự nghiệp chính trị của Đảng, của nhân dân. Do vậy, dù đời sống lúc ấy rất khó khăn, anh em phải ăn bo bo độn gạo nhưng khí thế làm báo thì phơi phới. Phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp hoặc đi bộ, đi công tác xa bằng xe đò, nhưng anh em phóng viên hầu như ai cũng thích đi cơ sở, mong muốn đem về nhiều thông tin cho báo.
Nhưng cái khó là do anh em chưa học qua nghiệp vụ nên tin, bài thể hiện còn sơ lược, khô cứng. Tổng biên tập Lê Tân đã hướng dẫn, trao đổi với phóng viên về cách phát hiện và tổ chức nhân rộng các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo. Bên cạnh đó, ông đã mời các nhà báo có uy tín như: Xích Điểu, Thép Mới... về nói chuyện nghiệp vụ cho anh em phóng viên. Trong sinh hoạt nghiệp vụ hàng tuần, ông đều chọn những bài báo viết được và chưa được ra để tập thể cùng thảo luận, rút kinh nghiệm. Nhờ vậy, tay nghề của các phóng viên từng bước được nâng lên. Thời kỳ ông Lê Tân làm Tổng biên tập, báo Đồng Nai đã rất khởi sắc, như phát hiện và nhân rộng điển hình về khoán sản phẩm ở Hưng Lộc; đấu tranh chống tiêu cực có bài bản và hiệu quả vụ việc ở Xí nghiệp may Đồng Nai được Tỉnh ủy ủng hộ và nhân dân đồng tình.
* Ông Nguyễn Thiện Nhựt, gần 19 năm làm Tổng biên tập báo Đồng Nai
Nhiều phóng viên qua các thế hệ đều nhắc đến Tổng biên tập Nguyễn Thiện Nhựt với sự trân trọng, bởi ông là người rất nghiêm túc với nghề báo, đặc biệt là câu chữ, diễn đạt.
Tổng biên tập Nguyễn Thiện Nhựt rất quan tâm đến đổi mới báo chí. Ông liên tục yêu cầu các bộ phận phải xây dựng những chiến lược ngắn hạn và dài hạn để cải tiến tờ báo. Từ việc thay đổi măng-sét, hình thức trình bày, nội dung thông tin "đúng, trúng, đời" luôn được ông đặt ra và yêu cầu anh em thực hiện. Bên cạnh đó, ông cũng chủ trương phải đào tạo phóng viên giỏi nghề, có bản lĩnh chính trị. Thời kỳ ông làm tổng biên tập, số lượng phát hành của báo Đồng Nai có lúc lên đến 50 ngàn bản mỗi kỳ và chất lượng luôn ổn định, đúng định hướng. Đặc biệt, báo Đồng Nai là một trong những tờ báo địa phương sớm có báo điện tử cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Ngoài việc chăm lo chất lượng nội dung và hình thức cho tờ báo, Tổng biên tập Nguyễn Thiện Nhựt còn tích cực khởi xướng các hoạt động từ thiện - xã hội với nhiều chương trình ghi dấu ấn như: "Giai điệu tình thương" để gây quỹ "100.000 quyển tập và xe đạp tặng học sinh nghèo"; học bổng "Hoàng Minh Châu"; học bổng "Vượt khó vì tương lai"; giải bóng đá U11 báo Đồng Nai... với số tiền mỗi năm lên đến vài trăm triệu đồng.
Phong Vũ (thực hiện)