Khu mộ Trịnh Hoài Đức và dòng họ Trịnh (ảnh) hiện tọa lạc tại KP3, phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa. Người dân tôn kính gọi là "Lăng Ông". Di tích đã được Bộ VHTT xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa (Quyết định số 1539/QĐ, ngày 27-12-1990).
Khu mộ Trịnh Hoài Đức và dòng họ Trịnh (ảnh) hiện tọa lạc tại KP3, phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa. Người dân tôn kính gọi là "Lăng Ông". Di tích đã được Bộ VHTT xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa (Quyết định số 1539/QĐ, ngày 27-12-1990).
Kết quả khảo sát vào tháng 8-2006 cho thấy, hai bên tả hữu mộ Trịnh Hoài Đức và phu nhân có tất cả 11 ngôi mộ thuộc dòng họ Trịnh, được xây dựng bằng vật liệu hợp chất đá ong; mộ có dáng hình voi phục, nằm rải rác trên khu đất khoảng 2 hecta xen lẫn với nhà dân và các con đường mòn nhỏ. Trong toàn khu mộ, mộ Trịnh Hoài Đức và phu nhân chánh thất họ Lê là nổi bật hơn cả về quy mô, kiến trúc cũng như sự bài trí. Đây là chủ ý của người xây mộ tuân thủ theo phép tắc thứ bậc trong dòng họ.
Nhìn vào không gian chung của toàn khu mộ Trịnh Hoài Đức và dòng tộc họ Trịnh, cũng như không gian riêng của từng ngôi mộ và các yếu tố gốc đang được lưu giữ trên các phần mộ như (kích thước, kiểu dáng, chất liệu và nội dung văn bia...) cho thấy: những ngôi mộ nằm ở hai bên tả và hữu mộ Trịnh Hoài Đức và phu nhân được sắp xếp theo quan hệ từ gần đến xa, từ lớn đến nhỏ. Họ là những người vợ thứ, con trai và con dâu của Trịnh Hoài Đức. Tất cả đều được xây cất theo đúng thuyết phong thủy và yếu tố tâm linh của người xưa, mà ngày nay chúng ta gọi là "Văn hóa mộ táng". Khu mộ được chọn để ở nơi có địa cuộc tốt nhất có "tàng phong ẩn khí", có đầu gối thiên sơn, chân đạp vạn thủy, kết nối khí âm, khí dương, tương ngộ, tương phát, tương hòa.
Năm 1998, nhân kỷ niệm vùng đất Biên Hòa tròn 300 năm hình thành và phát triển, mộ Trịnh Hoài Đức và dòng họ Trịnh được UBND tỉnh cho trùng tu, tôn tạo trong khuôn viên rộng 140m2 với cảnh quan được tôn tạo khang trang, có tường rào và tường xây bảo vệ kiên cố. Những hộ dân nằm trong khuôn viên mộ được giải tỏa trả lại cảnh quan hiện hữu cho di tích. Hiện nay di tích có người bảo vệ trông coi, quét dọn, nhang đèn phần mộ. Còn lại 11 ngôi mộ thuộc dòng họ Trịnh vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu.
Năm 2006, trong quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP. Biên Hòa, khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức và dòng họ Trịnh đã được Ban quản lý và phát triển đô thị TP. Biên Hòa phối hợp với Công ty TNHH kiến trúc Gia Bình Tân - TP. Hồ Chí Minh khảo sát thiết kế bảo tồn, tôn tạo khu mộ. Quy hoạch khu di tích này thành công viên văn hóa lưu niệm danh nhân Trịnh Hoài Đức với các công trình văn hóa Cổng tam quan, nhà bia, sân lễ, điện thờ và khu dịch vụ để phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của nhân dân.
Phước Thịnh