Báo Đồng Nai điện tử
En

Chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập chiến khu Đ (1946 - 2006)
Chiến khu Đ - Căn cứ địa cách mạng kiên cường của chiến trường miền Nam

10:12, 20/12/2006

LTS: Trong dịp kỷ niệm 51 năm thành lập Chiến khu Đ (1946-1997), đồng chí NGUYỄN VĂN LINH, nguyên Bí thư Trung ương Cục miền Nam, nguyên Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng, cố vấn BCH Trung ương Đảng, đã có bài viết về căn cứ địa kháng chiến miền Đông - Chiến khu Đ. Báo Đồng Nai trích giới thiệu bài viết đoạn nói về quá trình thành lập, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Chiến khu Đ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Đồng chí Lê Duẩn và đ/c Nguyễn Văn Linh tiếp đoàn thành tra Bộ Quốc phòng năm 1952.

LTS: Trong dịp kỷ niệm 51 năm thành lập Chiến khu Đ (1946-1997), đồng chí NGUYỄN VĂN LINH, nguyên Bí thư Trung ương Cục miền Nam, nguyên Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng, cố vấn BCH Trung ương Đảng, đã có bài viết về căn cứ địa kháng chiến miền Đông - Chiến khu Đ. Báo Đồng Nai trích giới thiệu bài viết đoạn nói về quá trình thành lập, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Chiến khu Đ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

                                                                                                                                        

 

...Chiến tranh nhân dân Việt Nam là cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện đánh địch ở cả ba vùng chiến lược, bằng ba mũi giáp công, bằng lực lượng ba thứ quân. Ở Việt Nam, cách mạng luôn thể hiện tinh thần tiến công bằng mọi hình thức hợp pháp, bán hợp pháp và bất hợp pháp, tiến công từ nhỏ đến lớn, giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Ngay ở vùng địch tạm chiếm đóng, ta vẫn tiến công địch, sử dụng các hình thức công khai hợp pháp để giành từng thắng lợi - dù nhỏ - cho cách mạng, kết hợp từng lúc một có những hoạt động vũ trang phá hoại kho tàng địch hay diệt ác, trừ gian trong lòng địch, làm địch rúng động, lo sợ, gây niềm tin trong đồng bào.

Để tạo thế tiến công cho cách mạng, vai trò của căn cứ địa được Đảng ta đặc biệt quan tâm.

Ngay từ đầu cuộc kháng chiến Nam bộ, trong Chỉ thị của Trung ương Đảng 25-12-1945, việc xây dựng căn cứ địa đã được đặt ra: "Phải chọn đóng ở những địa điểm chiến lược lợi hại: tiến có thể đánh, lùi có thể giữ... Kế hoạch tiến công cũng như kế hoạch rút lui phải hết sức chu đáo (phòng đủ mọi mặt: địa điểm, cán bộ, lương thực, thuốc men, quần áo, vũ khí, vật liệu, cơ kiện...)".

Sau đó, trong nhiều văn kiện và chỉ thị khác, đặc biệt là trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951) đã nêu rõ: Công tác xây dựng căn cứ địa là "một vấn đề chiến lược quan trọng ngang hàng với vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang, không thể tách rời vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang. Vì không xây dựng căn cứ địa cách mạng tức là không tích cực bồi dưỡng nguồn nhân lực, vật lực cần thiết cho việc xây dựng và phát triển quân đội".

Chấp hành nghiêm chỉnh tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, ở chiến trường Nam bộ, Chiến khu Đ đã được hình thành, củng cố và phát triển qua các giai đoạn của cách mạng miền Nam.

Từ là căn cứ đầu tiên của tỉnh Biên Hòa được xây dựng vào tháng 2-1946, sau Hội nghị cán bộ quân sự ở Lạc An (huyện Tân Uyên), Chiến khu Đ lần lần được mở rộng, bao trùm toàn bộ vùng rừng ngang đường 16, trải dọc lưu vực hữu ngạn sông Đồng Nai, đổ về thượng nguồn giáp giới Sông Bé, thành căn cứ địa không chỉ của tỉnh Biên Hòa, mà cả của Quân khu 7 trong kháng chiến chống Pháp, từ đầu năm 1947 đến cuối 1950.

Vừa sản xuất vừa gây dựng cơ sở cách mạng trong các buôn, sóc, trong đồng bào dân tộc, vừa đảm bảo nuôi dưỡng bảo vệ cán bộ và cơ quan lãnh đạo vừa chiến đấu, Chiến khu Đ đã làm tròn nhiệm vụ giữ vững và mở rộng địa bàn của mình, trở thành nơi dưỡng quân, huấn luyện, nâng cao chất lượng bộ đội và du kích, đáp ứng nhu cầu kháng chiến của miền Đông Nam bộ lúc bấy giờ. Chính hai đơn vị mạnh: Liên trung đoàn 301-310 và Tiểu đoàn chủ lực 303 đã hình thành và phát triển ở đây.

Đến tháng 5-1951, Chiến khu Đ đã trở thành một trong những căn cứ địa của hệ thống căn cứ địa của Nam bộ, gồm: Chiến khu Đ, Chiến khu Dương Minh Châu, Chiến khu Đồng Tháp Mười và Chiến khu U Minh.

Là một căn cứ chính của Nam bộ, Chiến khu Đ ngoài nhiệm vụ chính của mình như trước đây, từ 1-5-1952 còn được Trung ương Cục miền Nam giao cho nhiệm vụ tiếp nhận hàng hóa của Trung ương do Liên khu V chuyển giao từ Bình Thuận vào để từ đó phân cho các đơn vị trên chiến trường. Tiểu đoàn 320 được thành lập làm nhiệm vụ nói trên đã giữ vững đường liên lạc giữa Nam bộ với Trung ương, đưa đón các đoàn cán bộ qua lại trên tuyến đường này.

Suốt thời gian từ 1951 đến khi ký kết hiệp định Giơnevơ, các cơ quan, đơn vị ta tại Chiến khu Đ đã vượt qua nhiều khó khăn: nào thiên tai (đặc biệt là cơn bão lụt khốc liệt năm Nhâm Thìn 1952), nào địch họa do càn quét, đánh phá bằng bom đạn, phá hoại kinh tế, gài do thám chỉ điểm, biệt kích... đã giữ vững căn cứ địa cách mạng, góp phần vào thắng lợi chung của quân dân cả nước, đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954.

Đến kháng chiến chống Mỹ, Trung ương Cục miền Nam được Trung ương giao nhiệm vụ lãnh đạo từ Khu 5 trở vào. Trung ương Cục đã chọn Chiến khu Đ làm căn cứ đặt cơ quan lãnh đạo của Trung ương Cục. Chiến khu Đ, trước tình hình nhiệm vụ mới của cách mạng, đã mở rộng địa bàn, vượt ra khỏi phạm vi cũ trong kháng chiến chống Pháp, phát triển về phía Đông và Đông Bắc giáp với biên giới Campuchia và địa giới Đarlac Nam Tây Nguyên. Chính nơi đây là một trong những nơi ra đời đầu tiên của các đơn vị vũ trang miền Đông và chủ lực Miền. Đường hành lang từ Trung ương theo đường Trường Sơn xuống Nam Tây Nguyên được nối thông với Chiến khu Đ.

Sau này, do tình hình phát triển của cách mạng, Trung ương Cục và Quân ủy Miền không đóng ở Chiến khu Đ nữa, nhưng Chiến khu Đ vẫn là căn cứ địa lớn của cách mạng miền Nam, đóng vai trò hậu phương tại chỗ của miền Đông, là bàn đạp để lực lượng ta tiến công vào các cơ quan đầu não, căn cứ quân sự, kho tàng, đường giao thông chiến lược của địch.

Chiến khu Đ, với quá trình xây dựng, phát triển và chiến đấu suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã lập được những chiến công vẻ vang, mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, quân dân Việt Nam ta nói chung, Đảng bộ và quân dân miền Nam nói riêng.

* Nguyễn Văn Linh

 

 

 

Các đồng chí trong Ban Trung ương Cục miền Nam năm 1961.Từ trái sang : Võ Chí Công, Nguyễn Văn Linh, Trần Nam Trung, Phan Văn Đáng.(Ảnh : T.L)

Trung ương Cục miền Nam tại chiến khu Đ (1961-1962)

... Thực hiện chủ trương của Đại hội III của Đảng và đáp ứng đòi hỏi của phong trào cách mạng, ngày 23-1-1961, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba (khóa III) đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam. Đó là quyết định đúng đắn, cần thiết và kịp thời. Trung ương Cục không phải là một cấp trong hệ thống tổ chức của Đảng như cấp Xứ ủy trước đó.

...Theo quy định của Trung ương Đảng, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung ương cục rất rộng lớn và bao quát. Đó là sự phát triển sáng tạo về công tác tổ chức và lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh cách mạng miền Nam và chống Mỹ cứu nước.

Ngày 27-3-1961, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định nhân sự của Trung ương Cục miền Nam gồm các đồng chí:

1. Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) - Bí thư Trung ương Cục.

2. Phan Văn Đáng - Phó bí thư Trung ương Cục.

3. Võ Chí Công (Toàn) -  Phó bí thư Trung ương Cục.

4. Phạm Thái Bường - Ủy viên.

5. Võ Văn Kiệt - Ủy viên.

6. Phạm Văn Xô - Ủy viên.

7. Trần Lương - Ủy viên.

8. Nguyễn Đôn - Ủy viên.

...Với sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban bí thư, sau một thời gian chuẩn bị về mọi mặt, ngày 10-10-1961, Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục miền Nam đã họp tại Chiến khu Đ (nay thuộc địa bàn xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu). Dự hội nghị có các đồng chí trong Trung ương Cục và nhiều đồng chí Bí thư Khu ủy, Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Cục chủ trì hội nghị. Hội nghị thảo luận và quán triệt các Nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, phân tích cụ thể và sâu sắc tình hình mọi mặt của cách mạng miền Nam, nêu rõ phương hướng tiến lên và con đường phát triển của cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng đánh đổ ảnh hưởng thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Phúc

(Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng)

 

 

Tin xem nhiều