Nhân đọc "Lớp học cuối cùng"(*)Mitch Alborn là một nhà báo Mỹ, giữ chuyên mục thể thao cho tờ Detroit Free Press. Trong ngồn ngộn công việc hằng ngày với lịch công tác kín mít, khoảnh khắc mà nhà báo Mitch Alborn tiện tay bật tivi, đúng lúc chương trình truyền hình "Câu chuyện hàng đêm" đang phát đã khiến anh rúng động toàn thân khi gặp lại hình ảnh của người thầy cũ: thầy Morrie Schwartz - tiến sĩ xã hội của Trường đại học tổng hợp Brandeis, thành phố Waltham (bang Massschusetts).
Nhân đọc "Lớp học cuối cùng"(*)Mitch Alborn là một nhà báo Mỹ, giữ chuyên mục thể thao cho tờ Detroit Free Press. Trong ngồn ngộn công việc hằng ngày với lịch công tác kín mít, khoảnh khắc mà nhà báo Mitch Alborn tiện tay bật tivi, đúng lúc chương trình truyền hình "Câu chuyện hàng đêm" đang phát đã khiến anh rúng động toàn thân khi gặp lại hình ảnh của người thầy cũ: thầy Morrie Schwartz - tiến sĩ xã hội của Trường đại học tổng hợp Brandeis, thành phố Waltham (bang Massschusetts). Và câu chuyện của "Lớp học cuối cùng" ra đời từ khoảnh khắc tình cờ đó. Gần hai thập kỷ trước, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Mitch Alborn từng là học trò cưng của thầy Morrie Schwartz - một giáo sư nổi tiếng nghiêm khắc nhưng hài hước và giàu kinh nghiệm giảng dạy, được học trò tôn vinh vì sự nhiệt tình và có sức thu hút đối với sinh viên - và là người được họ trìu mến đặt cho biệt danh "Coach" - huấn luyện viên. Mối quan hệ thầy trò khắng khít và đầy tình nghĩa tưởng chừng không gì chia cắt nổi bỗng dưng bị gián đoạn sau lễ tốt nghiệp của Mitch Alborn. Vòng quay hối hả của xã hội cuốn chàng trai trẻ vốn ấp ủ nhiều dự tính đã làm Mitch Alborn quên lời hứa của ngày chia tay: "Con không quên thầy đâu, chắc chắn con sẽ giữ liên lạc với thầy". Mãi cho đến cái khoảnh khắc Mitch Alborn tình cờ gặp lại thầy trên ti vi và cảm giác hối hận khi nhìn người thầy "vóc dáng nhỏ bé nhưng linh hoạt và vui nhộn, người tưởng chừng không có tuổi, người từng sáng chói trên sàn nhảy tự do năm xưa với vũ điệu độc đáo riêng, người đam mê sách và làm sinh viên say sưa trong những giờ lên lớp"- giờ trở thành ông lão tàn phế cột chặt trên xe lăn với nụ cười nhăn nhúm vì căn bệnh nan y đang từng ngày phá hủy hệ thần kinh, đẩy ông dần đến cái chết. Buổi hội ngộ đầu tiên sau 16 năm xa cách trở thành buổi đầu tiên của "khóa học cuối cùng"- một thầy một trò - ngay bên giường bệnh-diễn ra đều đặn vào mỗi sáng thứ ba hàng tuần. Những bài giảng có ý nghĩa nhất về cuộc đời: tình yêu, công việc, gia đình, hạnh phúc, cộng đồng, cái chết... được chiêm nghiệm từ cuộc đời của thầy. Khóa học kéo dài được 13 tuần thì thầy ra đi, kịp để lại cho học trò những bài học làm người mà học trò Mitch Alborn viết: "Không có giáo trình hay tài liệu tham khảo, chỉ là những lời tâm tình, gợi ý và chiêm nghiệm, là sự chứng kiến của học trò trước cái cách ung dung và dũng cảm đương đầu với bệnh tật của người thầy. Khóa học không có kỳ tốt nghiệp bởi thầy đã trút hơi thở cuối cùng giữa ngổn ngang sách vở, giấy tờ và một cây dâm bụt đang trổ hoa đỏ-biểu tượng của niềm tin và sự mãn nguyện. Khóa luận cuối cùng là những hồi tưởng về người thầy quá cố - một nhà giáo tận tụy đến cuối đời. Lẫn trong nỗi tiếc nhớ vô hạn là niềm tự hào không che giấu của Mitch Alborn về người thầy của mình: "Có bao giờ bạn thật sự có một người thầy? Một người trân trọng bạn như viên ngọc quý chưa được mài giũa, một thứ trang sức mà có thể lấy trí tuệ chà cho sáng bóng lên... Nếu bạn may mắn có một người thầy như thế, bạn sẽ luôn tìm ra con đường trở về gặp lại thầy". Điều này dễ làm người đọc liên tưởng đến câu nói của Henrry Adams: "Ảnh hưởng của người thầy giáo là bất diệt. Chính họ cũng không thể biết rõ đâu là giới hạn uy thế của mình".
Lớp học cuối cùng của thầy Morrie đã kết thúc bởi đời người không thể vượt qua cái hữu hạn. Nhưng hình ảnh một người thầy với tất cả ý nghĩa cao đẹp của nó cùng những bài học về nhân sinh thì vẫn mãi hiện diện trong từng bước đường đời của mỗi học trò.
Thu Trang
(*) Tác giả Mitch Alborn, NXB Trẻ ấn hành năm 2004, tái bản tháng 10 năm 2006